Con Không Ngốc Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác là một cuốn hồi ký thuật lại hành trình trưởng thành của Lư Tô Vỹ, từ một cậu bé không may bị bại não vươn lên trở thành một thiên tài.
1. Nội dung Con Không Ngốc Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác
Con Không Ngốc Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách là một cuốn hồi ký thuật lại hành trình trưởng thành của Lư Tô Vỹ, từ một cậu bé không may mắc phải căn bệnh viêm não Nhật Bản dẫn đến bị bại não, chỉ số IQ chỉ còn 70 vươn lên trở thành một thiên tài sở hữu 500 phát minh, tác giả của hơn 50 đầu sách nổi tiếng về giáo dục, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn. Cuộc đời của Lư Tô Vỹ quả thực là một hành trình kỳ diệu và đáng ngưỡng mộ.
Có lẻ do mình là một phụ huynh đang trong quá trình tìm hiểu những phương pháp giáo dục dành cho con nên tiêu đề sách đã thu hút, khiến mình khá tò mò và đọc thử. Thật không biết thông minh theo một cách khác nghĩa là như thế nào nhỉ. Các bạn cùng mình review về cuốn sách này nhé.
2. Cảm nhận về cuốn sách Con không ngốc con chỉ thông minh theo một cách khác
Con Không Ngốc Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác chia làm 3 phần theo hành trình trải nghiệm và trưởng thành của tác giả. “Nếu như nửa đầu cuốn sách tác động đến tình cảm của người đọc thì nửa sau tác động đến lý trí của họ” – nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh, là những lời nhận xét chính xác nhất dành cho cuốn sách.
Phần 1: Sinh mệnh được nhặt lại
Đọc phần này, mình không biết mình đã khóc biết bao nhiêu lần. Khóc cho cuộc sống quá vất vả, bươn chải của mẹ tác giả khi một mình lầm lũi nuôi 4 đứa con thơ; khóc cho những ngược xuôi lo lắng của cha mẹ trong quá trình nhặt lại sinh mệnh “đứa con cầu tự”; khóc cho những suy tư giấu kín của bậc sinh thành; khóc cho sự không cố ý và tuyệt vọng của Lư Tô Vỹ trong việc xem giờ, nhớ số; khóc cho sự cố gắng đến đáng thương của chú bé tiểu học khác biệt sợ cô đơn, cố lấy lòng các bạn… Tạo hóa có lẽ thật biết trêu đùa những số phận. Nhưng tất cả chẳng là gì so với tình yêu thương vô bờ mà cha mẹ và gia đình đã dành cho em.
Cha Vỹ vẫn luôn tin rằng con trai ông không ngốc, nhất định sẽ làm tốt, chỉ cần cố gắng. Niềm tin của ông lan tỏa sang Vỹ và mọi thành viên trong gia đình. Để Vỹ tiếp tục đến trường, cha Vỹ đưa ra sáng kiến để mẹ Vỹ (một bà mẹ mù chữ) theo con đến lớp. Ông từ lâu đã quen với những điểm 0 của Vỹ nhưng vẫn giả vờ rất nghiêm túc, lật xem từng trang, mỗi lần xem đều tấm tắc khen “Bài này “có điểm”, bài này cũng “có điểm” nữa”. Rồi một lần, ông bật lên cười sung sướng và không quên gọi vợ khi phát hiện ra bài kiểm tra của Vỹ được… 1 điểm! Mặc lời chê cười mỉa mai của hàng xóm, với người cha ấy, thành quả của con dù chỉ bằng 1/10 bạn học vẫn là một kết quả khả quan và xứng đáng được thưởng 1 cái đùi gà – niềm ao ước của mọi đứa trẻ con khi đó. Hay khi chị Hai nước mắt lưng tròng kể về việc em bị xem như lợn ở trường, bản thân mình cũng không thể tin được người cha này không hề tức giận, mà cười sảng khoái, còn trấn an “Nếu em của con là lợn, nó nhất định là một con lợn thông minh nhất”… “Đừng lo lắng quá, người khác bị chấn thương sọ não thì ngày càng ngốc, em con thì càng chấn thương, nó lại càng thông minh”.
Tôi cũng như tác giả, mãi băn khoăn không hiểu được một chuyện “đó là phải chăng cha có một trí tuệ hơn người, có thể phát hiện ta những tiềm năng mà chẳng ai hay biết trong tôi? Hay chính lời tiên đoán của cha đã từng bước từng bước dẫn dắt tồi từ thiểu năng đi đến đại lộ của trí thông minh? Không cần biết thành tích của tôi yếu kém ra sao, người khác coi thường tôi thế nào, qua biết bao tháng năm tôi vẫn không mảy may nghi ngờ lời khẳng định của cha: Vỹ rất thông minh, đã thế còn ngày càng thông minh đấy”.
Còn mẹ Vỹ, bà hỗ trợ con trong từng bài học, phép tính dù không biết nhiều chữ. Giờ học của Vỹ ở nhà là sự chung sức của cả cha mẹ, chị Hai, cùng đưa ra những sáng kiến để bài học trở nên hấp dẫn, thu hút nhất nhằm lôi cuốn sự tập trung của Vỹ. Niềm tin lớn dần lên cho dù kết quả học tập của Vỹ không mấy khả quan. Tôi thực sự cảm động và khâm phục niềm tin, sự đồng hành, tình yêu thương và sự khích lệ bền bỉ mà cha mẹ, gia đình đã dành cho Vỹ. Nếu như các bậc phụ huynh đều hành xử như thế, chắc chắn mỗi đứa trẻ sẽ lớn lên đều hạnh phúc, đều sẽ là thiên tài trong bất kỳ lĩnh vực nào chúng theo đuổi.
Phần 2: Chú chim lạc loài bay chậm
Lư Tô Vỹ, từ tiểu học cho đến trung học, vì thành tích học tập yếu kém nên như một chú chim lẻ loi phiêu bạt, trong tim luôn cảm thấy cô đơn, trống rỗng, khát khao được nhập cùng bầy nhạn học giỏi thi tốt, nhưng tất cả những điều chờ cậu chỉ là một chuỗi những dài khố đau và thất bại. Đã có lúc quá nản chí, Vỹ đã nghĩ đến việc xuất gia hoặc nảy ra ý định tự sát để kết thúc những chuỗi ngày chịu đựng nỗi đau khổ của việc học hành & thi cử. Khi đó, có thể do không ai chia sẻ hoặc giải thích nên bản thân cậu rơi vào những ngày đen tối, không thể hiểu lý do gì phải khiến bản thân chịu đựng nỗi giày vò mà cậu không mong muốn.
Tuy nhiên, thật may mắn khi bên cạnh Vỹ vẫn còn có gia đình, những người bạn tốt và thầy cô luôn quan tâm, định hướng. Cậu có chị cả nguyện sẵn sàng từ bỏ ước mơ làm nhà ngoại giao để nộp hồ sơ vào trường Đại học Sư Phạm với mong muốn có thể dìu dắt đứa em ngốc ngếch của mình. Cậu có người bạn tốt tên Thành, có thể coi vừa là thấy giáo và cũng là quý nhận trong cuộc đời. Cậu có cô giáo Lâm nhiều lần lắng nghe, khuyên bảo và định hướng. Có thể thấy rằng, ông trời đúng không tuyệt đường sống của ai bao giờ. Đối mặt với bao trắc trở, cậu vẫn luôn có những người thân yêu đồng hành, cổ vũ.
Năm lớp chín đối với Lư Tô Vỹ là một sự nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ khi cậu quyết tâm thi đỗ vào trường cao đẳng. Ngay đến cả cha mẹ cậu cũng phải ngạc nhiên trước sự nỗ lực và quyết tâm to lớn của cậu. Và cuối cùng, sau tất cả nỗ lực, mặc dù trường Cao đẳng Công nghiệp Đông Nam không đón chào Lư Tô Vỹ nhưng cậu đã thi đỗ vào trường nghề Công Nông nghiệp Đào Viên.
Trong phần này, mình cũng nhìn thấy niềm vui đọc sách (tản văn, tiểu thuyết ngắn…) mang đến nhiều niềm cảm hứng rất lớn với Vỹ. Rõ ràng Vỹ không phải là một kẻ ngốc, có thể đọc và lĩnh hội được niềm vui với sách đâu phải ai cũng làm được. Mình chợt thấy tiếc một nhịp, có thể do hoàn cảnh lúc đó quá khó khăn, người lớn đều mưu sinh vất vả hay một chế độ giáo dục chưa toàn diện, dẫn đến không ai nhận thấy tiềm năng rất lớn trong cậu bé, nếu không, có thể Vỹ đã phát hiện ra thiên tài trong mình sớm hơn biết bao nhiêu.
Cũng may mắn là, khoảng thời gian học tiếp theo, Lư Tô Vỹ có được những thành tích tốt hơn so với những gì cậu từng đạt được, đặc biệt là đối với môn Ngữ Văn. Thầy giáo Phú Kế Khởi là người đầu tiên gieo vào đầu cậu nhóc “thiểu năng” một niềm tin rằng cậu nhất định có thể học được Đại học. Và vậy là cậu đã quyết tâm ôn thi vào đại học để trở thành một triết gia.
Phần 3: Nhìn thấy thiên tài trong chính mình
Phần ba của Con Không Ngốc Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác kể về quá trình chuẩn bị, thi 05 lần đại học trong 07 năm, học ở trường Học viện Cảnh sát (tốt nghiệp với thành tích đứng thứ ba toàn hệ) và quá trình đi làm, thấu hiểu bản thân của Lư Tô Vỹ.
Mình tự hỏi, liệu ai có đủ dũng khí, bền lòng, kiên trì 07 năm, thi 05 lần đại học để đạt được mục tiêu không? Ai có đủ quyết tâm, sức mạnh để vấp ngã rồi lại đứng lên liên tục như thế? Tinh thần của Lư Tô Vỹ thật khiến người ta ngưỡng mộ.
Năm 1984, Lư Tô Vỹ thi đại học lần thứ năm và cậu đã thi đỗ Học viện Cảnh sát. Ngày nhận được tin báo đỗ, chị cả đã bật khóc nức nở. Cuối cùng, sau bao nhiêu năm, chị cũng đã hoàn thành trách nhiệm của mình với cậu em trai đáng thương, giúp cho Lư Tô Vỹ bước qua được cánh cửa của trường đại học. Tất cả gánh nặng trên vai dường như được trút bỏ. Chị thở phào nhẹ nhõm và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Trong thời gian học Đại học, may mắn nhờ sự giúp đỡ của giáo sư Mã, Lư Tố Vỹ cuối cùng cũng phát hiện ra thiên tài trong mình. Như giáo sử đã nói “Lư Tô Vỹ! Tôi đoán không sai, em không phải là kẻ ngốc! Mà là một thiện tài khác biệt, thiên tai trong em vẫn chưa được phát hiện ra”. Thầy còn đưa ra kết luận “Hãy biết cách sử dụng ưu thế năng lực của em, không cần phải dùng phương pháp của người khác để học tập, hãy dùng phương pháp của chính em”. Lư Tố Vỹ tự tin “Mình không ngu, mà chỉ thông minh theo cách khác so với mọi người”.
Nhờ những câu nói này đã mở ra một cánh cửa mới trong đầu Lư Tố Vỹ, mở ra một hướng học tập mới để dành lại những điểm số đã mất. Phương pháp thật quan trọng biết bao, nếu có được phương pháp đúng chúng ta sẽ không cần phải “làm gấp đôi, hưởng một nửa” nữa. Sự kiện này cũng giúp tôi gỡ bỏ một phần tiếc nuối khi đọc ở phần 2, cảm thấy mọi cố gắng của Lư Tô Vỹ cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng.
3. Lời kết
Trong cuốn sách Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác, ở cuối mỗi chương, Lư Tô Vỹ lại đưa ra một bài học quan trọng từ những hồi ức của mình. Một trong những bài học mà Tô Vỹ nhắc đến chính là việc mỗi người nên “Nhìn thấy thiên tài trong chính mình”. Ông viết: “Nhìn thấy thiên tài trong mình, thấy được vẻ đẹp độc đáo của bản thân, trong phút chốc cuộc đời chúng ta sẽ đổi khác. Trong xã hội hiện đại, chúng ta theo đuổi quá nhiều những mục tiêu không thuộc về mình, mà không biết bản thân mình thực sự muốn gì. Tại sao không dừng lại xem xét bản thân, rồi mới tiếp tục xuất phát? Nhất định bạn sẽ phát hiện ra rằng, chính bản thân bạn đã là một món quà, một kho báu vô giá”.
Hy vọng những review về cuốn sách hay này sẽ hữu ích và lý thú với bạn. Mình chắc chắn, khi đọc xong cuốn Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác, bạn sẽ thêm trân trọng và yêu quý cuộc đời hơn. Sách Yêu mong rằng bạn sẽ có những giây phút ý nghĩa với cuốn sách tuyệt vời này.