Mình không phải là mọt sách hay người chuyên nghiệp, có nhiều kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực sách. Mình chỉ là nhận thức rất rõ ràng những lợi ích của việc đọc sách nên khá yêu thích sách. Mình đã từng nghe qua đâu đó rằng “Đọc sách cũng giống như việc trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua”. Và mình đồng ý 100% nhận xét đó. Việc đọc sách giúp thế giới quan của mình phong phú hơn, yêu đời hơn, giải trí lành mạnh hơn… Đồng thời, mình chiêm nghiệm cho bản thân rất nhiều điều hữu ích mà nếu không có sách nhiều khi phải đi đường vòng khá dài để khám phá ra, hoặc là chả biết cũng nên.
Những khó khăn thường gặp khi đọc sách
Lúc đầu, như đại đa số mọi người, mình không đủ kiên nhẫn để có thói quen đọc sách mỗi ngày. Khi đọc, khi không, đọc không có chủ đích, đọc xong không ấn tượng gì, hoặc mở sách ra là lại buồn ngủ… Đó là lý do mà những cuốn sách mình mua giai đoạn đó đều nằm khá im ắng, ngay ngắn trên kệ.
Tuy nhiên, vô tình một ngày trong group mình tham gia chia sẻ review của một cuốn sách giáo dục sớm dành cho con. Và đúng người, đúng hoàn cảnh, đúng tác phẩm, dường như ham muốn đọc sách bấy lâu nay vẫn ngủ yên một góc đã “bụp” một tiếng mà tuôn trào.
Theo thời gian, mình rút ra được vài kinh nghiệm đọc sách hiệu quả nên muốn chia sẻ lại. Mình hy vọng có thể giúp các bạn mới đọc – tâm trạng giống như mình lúc trước – có thể duy trì thói quen đọc sách. Bởi vì mình tin chắc, khi bạn đã ghé thăm qua website của mình, ít nhất bạn biết rõ những lợi ích của sách rồi, chỉ thiếu phương pháp và động lực xíu nữa thôi.
Đọc sách hiệu quả cho người mới bắt đầu
Bước 1: ĐỌC QUYỂN SÁCH BẠN THÍCH
“Thực ra có lẽ không phải chuyện am hiểu (sách) hay không. Quan trọng là gặp được một cuốn sách và cuốn sách ấy làm ta lay động đến mức nào…”. Mình rất thích câu nói này của một nhân vật trong truyện ngắn “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki. Bởi vì, khi gặp đúng cuốn sách mình yêu thích trong lĩnh vực mình quan tâm, bạn sẽ cảm nhận như từng dòng chữ đều chảy và hòa quyện vào huyết mạch của mình. Cảm giác sung sướng và thỏa mãn tâm hồn sẽ thôi thúc bạn tiếp tục tìm đọc những cuốn sách hay chưa được khám phá. Vậy, làm sao để bạn tìm được cuốn mình thích?
Xác định rõ ràng mục tiêu, thể loại sách mình yêu thích
Bạn phải nhớ rằng, sách là công cụ truyền kiến thức, giúp bạn thực hiện mục tiêu nào đó, chứ không phải mục tiêu là… đọc sách. Do đó, khi mới bắt đầu, bạn hãy xác định rõ ràng mục tiêu, thể loại sách mình yêu thích. Sau đó, bạn có thể search từ khóa “sách hay về + (chủ đề)” hoặc hỏi thăm bạn bè, người quen để được giới thiệu thêm. Hãy tìm những cuốn sách thật phù hợp với bản thân, đừng vì một lời giới thiệu hay review mà mua sách một cách vô tội vạ. Ví dụ bạn chẳng quan tâm mấy về sách self-help thì có là cuốn best-seller trong lĩnh vực đó cũng không thu hút bạn đến trang cuối cùng.
Một mẹo nhỏ, nếu bạn đang băn khoăn, không biết mình thích thể loại nào, hãy thử bắt đầu với những quyển sách mỏng về văn học – tiểu thuyết, thường thức cuộc sống. Những cuốn sách đơn giản chỉ để cảm nhận, không cần phải tư duy, phân tích nhiều.
Tìm hiểu về cuốn sách
Sau khi đã chọn được tựa sách, hãy tham khảo qua một vài review để nghe chia sẻ về tác giả, tác phẩm. Điều này giúp bạn có cái nhìn tổng quan cũng như đánh giá được tư tưởng, luận điểm tác giả có phù hợp với quan điểm của mình không.
Đọc thử vài trang sách
Đọc thử vài trang sách để hiểu được giọng hành văn của tác giả. Nếu nó lôi cuốn hoặc hấp dẫn bạn từ đầu, đừng chần chừ mà tậu ngay em ấy liền nhé.
Bước 2: LUYỆN ĐỌC SÁCH ĐÚNG CÁCH
Việc đọc sách đúng cách sẽ giúp bạn nghiễn ngẫm cuốn sách nhanh hơn, giá trị hơn. Sau khi có những trải nghiệm thú vị với cuốn này, bạn lại muốn tìm một cuốn khác. Và như thế, thói quen đọc sách sẽ được duy trì. Vậy làm thế nào để đọc đúng cách?
Loại bỏ các sao nhãng khi đọc sách
Đầu tiên, phải loại bỏ hết các loại sao nhãng. Các bạn vừa đọc sách, vừa dùng điện thoại hoặc xem tivi thì khó mà tiếp thu được nguồn tri thức trong sách, dẫn tới lan man. Hãy thực sự nghiêm túc với việc đọc sách. Bạn có thể chỉ cần đọc tầm 20 phút thôi. Nhưng thật sự tập trung, còn hơn là ngồi 1 giờ đồng hồ, vừa bấm điện thoại, vừa cầm quyển sách. Tóm lại chẳng biết bạn đang làm gì.
Luyện đọc sách nhanh
Nhiều bạn lúc mới đọc rất mau buồn ngủ. Bạn có biết nguyên nhân chính gây ra việc này là gì không? Đó là thói quen đọc sách chậm. Có phải bạn đọc sách với tốc độ từng chữ từng chữ một đúng không? Để kiểm tra các bạn có thể bấm giờ xem mình đọc được bao nhiêu từ trong một phút. Nếu từ 200 – 250 trong một phút thì tốc độ đọc của bạn quá chậm. Bạn không buồn ngủ mới lạ.
Để khắc phục điều này, bạn hãy sử dụng 01 bút chì làm vật dẫn đường, rà theo dòng chữ để tăng tốc độ đọc và gạch chân những từ khóa cần thiết. Luyện tập để cải thiện tốc độ đọc để có thể đọc được 500 – 700 từ/phút.
Xem mục lục cuốn sách
Hãy đọc qua về lời giới thiệu, lời mở đầu, đọc mục lục cuốn sách trước khi đi vào đọc chi tiết. Làm những việc này để bạn nắm được lập luận, cách dẫn dắt hoặc cấu trúc chung của cuốn sách. Nếu không xem mục lục mà đọc ngay sẽ dễ bị chán, không biết mình đang đọc tới phần nào. Nhiều khi điều mình tâm đắc lại nằm ở nửa cuối cuốn sách nên bạn sẽ mất kiên nhẫn để đọc tới đó.
Sử dụng bút highlight, giấy note
Bạn có thể dùng bút highlight tô lên những nội dung, trích dẫn tâm đắc. Hoặc bạn có thể dùng giấy note ghi lại những nội dung bạn cho là cần thiết. Mỗi lần xem lại, bạn có thể đọc ngay những phần nội dung trọng tâm hay những trích dẫn bạn thích mà không phải mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm.
Bước 3: CHIA SẺ
Đọc sách xong mà không chia sẻ thì bạn sẽ nhanh chóng quên đi, cho dù nội dung vừa đọc qua có “lay động” tâm hồn bạn đến bao nhiêu. Khi chia sẻ, bạn không còn giữ lại kiến thức cho mình nữa. Bạn bắt buộc phải có TRÁCH NHIỆM với những gì mà mình công bố. Do đó, bạn sẽ cần phải nghiên cứu kỹ càng hơn, làm rõ ý tưởng hơn và truyền đạt lại sao cho mọi người có thể hiểu được những gì bạn nói.
Hình thức chia sẻ đầu tiên: Nói
Nếu là nói, thông thường phạm vi sẽ giới hạn trong những mối quan hệ có chung sở thích, hoặc là người thân, bạn bè. Bạn có thể chia sẻ cảm nhận và giới thiệu cuốn sách hay này đến mọi người.
Hình thức chia sẻ yêu cầu cao hơn: Viết
Mình thì cố gắng tập thói quen là viết hơn. Bạn có thể viết một vài đoạn văn ngắn cảm nhận về cuốn sách. Mục đích của việc viết là tổng hợp lại những điều tâm đắc, giúp bạn ghi nhớ một cách có hệ thống. Đây là phương pháp vừa tiếp thu được thêm nguồn kiến thức mới lại vừa có thể rèn luyện kỹ năng viết lách. Thật tuyệt vời đúng không nào? Bạn có thể lưu trữ nó lại cho riêng mình, hoặc viết review trên các trang như Goodreads, Tiki… hoặc cũng có thể trong blog, facebook của chính mình (với mình là tại https://sachyeu.com/).
Hy vọng những chia sẻ về cách đọc sách hiệu quả của Sách Yêu hữu ích giúp bạn phần nào. Nếu có băn khoăn hoặc phản hồi thêm về cách đọc sách hiệu quả, bạn đừng ngần ngại bình luận bên dưới nhé.