1. Giới thiệu tác giả
“Để con được ốm” được viết bởi hai tác giả là bác sĩ Trí Đoàn và chị Uyên Bùi.
Bác sĩ Trí Đoàn là một trong những bác sĩ Nhi được rất nhiều bố mẹ tin tưởng. Ông từng là Phó Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM. Và hiện đang công tác tại phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare – chức vụ Giám Đốc Y Khoa.
Còn chị Uyên Bùi là một người mẹ năng động, hiện đại và cực nổi tiếng trong cộng đồng “bỉm sữa” với cách giáo dục con qua hình thức “homeschooling” (học tự do) rất khoa học và độc đáo.
2. Giới thiệu tác phẩm
“Để con được ốm” là một cuốn sách khá nổi tiếng trong lĩnh vực nuôi dạy con, luôn góp mặt trong Top 10 sách Làm Cha Mẹ bán trên Tiki. Sách đã xuất bản hơn 100.000 cuốn và là cẩm nang không thể thiếu của những bậc phụ huynh thời hiện đại.
3. Nội dung “Để con được ốm”
Để con được ốm có thể coi là một cuốn nhật ký học làm mẹ thông qua những câu chuyện từ trải nghiệm thực tế mà chị Uyên Bùi đã trải qua. Sau mỗi câu chuyện nhỏ thú vị của người mẹ là lời khuyên mang tính chuyên môn, giải đáp cụ thể từ bác sỹ Nguyễn Trí Đoàn. Nó giúp hóa giải những hiểu lầm từ kinh nghiệm dân gian được truyền lại, cũng như lý giải một cách khoa học những thông tin chưa đúng đắn đang được lưu truyền hiện nay, mang đến góc nhìn đúng đắn nhất cho mỗi hiện tượng, sự việc với những kiến thức y khoa hiện đại được cập nhật liên tục.
Cuốn sách không phải “bách khoa toàn thư” về chăm sóc trẻ. Nhưng nó đã giải mã hầu hết những biểu hiện sinh lý, bệnh lý thường gặp ở trẻ. Đó cũng là những thắc mắc cơ bản của bố mẹ khi chăm sóc trẻ. Sách dài khoảng 300 trang, có bố cục ba phần gồm:
– Phần 1: Những câu chuyện về chăm sóc trẻ cơ bản
– Phần 2: Những câu chuyện về dinh dưỡng
– Phần 3: Những câu chuyện về bệnh thường gặp ở trẻ
Cuốn sách sẽ giúp các bậc phụ huynh trang bị một số kiến thức cơ bản trong quá trình chăm sóc trẻ, giúp các mẹ trở nên tự tin hơn, xua tan đi những lo lắng, để mỗi em bé ra đời đều được hưởng sự chăm sóc tốt nhất.
4. Cảm nhận về “Để con được ốm”
Văn phong thường thức, dễ hiểu:
Ấn tượng đầu tiên của “Để con được ốm” là lối viết thường thức, dễ hiểu, và có phần hóm hỉnh. Những câu chuyện trong sách gần như bà mẹ Việt nào cũng phải kinh qua, thậm chí là đau đầu, vật vã, stress vì nó. Tuy nhiên, với lối hành văn như thế, những kiến thức Y khoa giải đáp sau đó lại rất gần gũi chứ không khô khan, cứng nhắc, dễ dàng được các mẹ tiếp thu và thực hành ngay.
Về nội dung
Những kiến thức y khoa mình đọc trong sách nói chung cũng đã từng đọc trên Google. Chỉ có điều là giữa một rừng thông tin thì việc chọn lọc được thông tin nào đúng, thông tin nào sai làm mình đôi khi bị “nhiễu”, “tẩu hỏa nhập ma”, chả biết đường nào mà lần. Vì vậy cuốn sách tổng hợp các kiến thức bổ ích như thế này rất hiệu quả.
Ví dụ như:
Chuyện ở cữ: gạch chéo không thương tiếc các “truyền thuyết”: kiêng tắm gội, nằm quạt; nút lỗ tai, đi tất; nằm than sưởi ấm; ăn khô, ăn nhiều móng giò… Những cái này mình đều không làm, nhưng xông hơ vùng kín thì có, hihi.
Chuyện cái cân: Hãy quên cái cân đi! Miễn con vẫn đạt được các mốc phát triển bình thường, nhanh nhẹn, hoạt bát, thế là được.
Chuyện cảm – ho – sổ mũi: bác sĩ Trí Đoàn nhắc đi nhắc lại rằng bệnh hô hấp là do siêu vi (hay vi khuẩn) lây từ người này sang người khác qua ho, hắt hơi, sổ mũi, hôn hít, hay qua tay, chứ không phải do “ông Trời” nóng hay lạnh hay do cái máy điều hòa … Vì thế, cha mẹ ông bà cần phải bình tĩnh và thông tuệ trong những trường hợp như thế.
5. Ý kiến cá nhân sau khi đọc “Để con được ốm”
Sách rất hay, kiến thức chuyên khoa hữu ích. Tuy nhiên, quan điểm của mình, sách vẫn là phương tiện tham khảo. Bạn vẫn nên cân nhắc trung hòa những yếu tố xung quanh và tùy tình hình thực tế con bạn. Hầu hết nếu thế hệ trẻ bây giờ năng động hơn, tham khảo thông tin nuôi dạy con từ nhiều nguồn sẽ dẫn đến quan điểm mâu thuẫn với thế hệ trước. Và khi sống chung với ông bà thì mẫu thuẫn quan niệm lại càng phát sinh nhiều hơn.
Điều đó thực ra qua thời gian, mình thấy cũng không cần phải quá căng thẳng. Nói cho cùng thì các bà các mẹ đi trước dù “tay không cuốn sách” vẫn nuôi được một đàn con lớn lên khỏe mạnh, bình an đó thôi. Vậy nên ngoại trừ những hủ tục quá cổ hủ hoặc có thể gây nguy hiểm đến đứa trẻ ra, thì thi thoảng mình vẫn thuận theo ý của các bà.
Ví dụ như chuyện sách bảo là trẻ con không cần tắm nắng. Đối với các bé ti mẹ hoàn toàn chỉ cần bổ sung đủ vitamin D hàng ngày là được. Nhưng trong quan niệm của các bà thì chuyện tắm nắng là tất nhiên. Thế nên khi em bé đã hơi cứng cáp một chút, mặc dù ngày ngày vẫn đều đặn cho uống vitamin D, mình vẫn thường để bà bồng em ra ban công sưởi nắng mỗi sáng sớm. Nhìn bà vừa vỗ về, massage, vừa hát, vừa trò chuyện, em tỏ ra thích thú, ê a đáp lại rồi cười tít mắt, thích thú đón chào ngày mới. Mình thấy cũng đáng yêu mà nên không việc gì phải căng thẳng. Nhưng chỉ vài phút và vào lúc nắng sớm rất rất dịu nhẹ thôi. Hôm nào em dậy trễ, quá giờ thì thôi vì tiếp xúc nhiều với ánh nắng trực tiếp có nguy cơ dẫn đến ung thư da cho em bé.
Hoặc có những điều đã được giải thích nhưng mình vẫn băn khoăn và không thực hành theo như:
Nhiệt độ máy lạnh để 16 – 17 độ là đủ mát với trẻ. Cái này thì chịu. Mình lúc nào cũng để tầm 24- 25 độ, 16 – 17 độ mình nghĩ là thấp quá, con lạnh mất.
Ăn kem, đá khi viêm họng. Mình đi khám, người lớn bị viêm họng thì được dặn dò hạn chế uống nước đá hoặc ăn đồ lạnh. Bé con được bác sĩ khám bệnh cũng dặn như thế nên mình không áp dụng điểm này.
Tóm lại, ngoài 2 điểm mình còn băn khoăn trên thì đây là một cuốn sách nuôi dạy con đáng đọc, gối đầu giường của ba mẹ trên hành trình chăm sóc con nhỏ.