Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? – Đơn giản là cuốn sách của sự trải nghiệm và chia sẻ của người đi trước.
Giới thiệu tác giả
Rosie Nguyễn (tên thật là Nguyễn Hoàng Nguyên) là một nhà văn, một travel blogger, facebooker. Chị cũng là giảng viên của một lớp học kĩ năng và yoga. Tác giả tự nhận mình là một ta ba lô yêu đời mơ mộng. Chị luôn có hàng tá câu chuyện đi đây đó để kể cho những người trẻ có đam mê xê dịch giống mình. Rosie đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ Việt Nam trên con đường du lịch, khám phá đất nước và gia tăng trải nghiệm cho bản thân.
Giới thiệu cuốn sách và đối tượng đọc
Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu là một cuốn sách thuộc thể loại self-help. Mình nghĩ nó phù hợp hơn với các bạn trẻ từ 16 đến 25 tuổi hoặc những bạn trẻ đang cảm thấy loay hoay, mất định hướng. Nếu ở một độ tuổi lớn hơn, có thể cuốn sách sẽ không phù hợp và thiếu tính thúc đẩy vốn có của nó.
Mình đọc cuốn sách này khi thanh xuân đã không còn mấy hồi (^_^) nên rất tiếc khi đã không gặp được nó sớm hơn. Vì thế, mình khuyến khích các bạn trẻ nên đọc Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu ít nhất một lần. Dù có nhiều ý kiến nhận xét trái chiều, người khen kẻ chê nhưng những giá trị nguyên bản của cuốn sách vẫn rất hữu ích. Bạn thử cùng mình tìm hiểu về cuốn sách hay này nhé.
Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?
Toát lên trong từng chương sách là kinh nghiệm của người đi trước. Rosie Nguyễn cũng đã từng trải qua thời học trò ngây thơ, thời đại học sinh viên với nhiều cung bậc cảm xúc, và sau đó là công việc tuổi trẻ văn phòng, những bước chân trên hành trình khám phá thế giới của một Ta ba lô và hành trình tìm được lý tưởng, cuộc sống yêu thích của mình.
Nội dung cuốn sách chia làm 5 phần với nội dung tương ứng: Tôi đã học như thế nào? – Hãy làm những điều mình yêu thích bằng chính đam mê và nhiệt huyết của bản thân – Đi cũng là một cách tự học – Lấp lánh trước khi tỏa sáng và phần cuối Quà tặng kèm.
Tôi đã học như thế nào?
Ở phần 1 của Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, tác giả thuật lại câu chuyện tuổi trẻ của mình. Rosie được gắn cho cái mác sinh viên Ngoại Thương với những áp lực vô hình về giỏi giang và thành công theo quy chuẩn. Tác giả đưa ra quan điểm về việc học “con vịt rất xuất sắc trong môn bơi lội, thậm chí là còn giỏi hơn thầy giáo. Nhưng nó chỉ đủ điểm đậu trong môn bay và rất tệ trong môn chạy”. Đó là một điển hình trong giáo dục Việt Nam. Và việc thay đổi nhận thức hay môi trường đào tạo của cả quốc gia là một công việc vĩ mô, không thể ngày một ngày hai.
Do đó, bạn hãy tự biết rằng, mỗi cá nhân có một thế mạnh khác nhau. Tuổi trẻ trôi qua như một cái chớp mắt nhưng cũng sung mãn nhất, nên hãy tìm cách để hiểu và trân trọng bản thân. Mỗi chúng ta có quyền lựa con đường riêng cho chính mình, đi theo khát vọng của riêng mình bạn nhé.
Học đi đôi với hành
Đến phần 2 của sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, chi tiết hơn, Rosie sẽ chỉ chúng ta cách để hiểu bản thân, cách tìm kiếm con đường đi cho riêng mình. Những khái niệm ta thường nghe như đam mê, sứ mệnh… sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta chưa hiểu bản thân. Bạn hãy tự tìm hiểu thêm những chia sẻ cụ thể của tác giả để tìm được chính mình trong cuộc đời này nha.
Đi cũng là một cách tự học
Đi cũng là một cách giúp chúng ta cảm nhận cuộc đời tốt hơn. Dựa vào những trải nghiệm thực tế trong tuổi trẻ của mình, Rosie chia sẻ những cách đi để tự học. Đi ra thế giới bên ngoài để trưởng thành hơn. Nhưng không phải cứ xách ba lô lên và đi mà không suy tính, phần 3 này cũng đề cập đến những thử thách chúng ta phải đối mặt trên hành trình khám phá khi chưa đủ vốn sống và kinh nghiệm.
Bàn về đọc sách, một trong những điểm mình ấn tượng nhất
Trong suốt cuốn sách, bạn sẽ không thấy ít lần Roise lặp đi lặp lại về việc đọc sách và những lợi ích của nó. Tác giả khuyên các bạn trẻ không nên bỏ phí tuổi trẻ của mình vào những thú vui khác mà quên đi việc đọc thêm sách mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng. Cuối cuốn sách tác giả cũng dành riêng một phần nhỏ giới thiệu đến độc giả những cuốn sách tự học, tự rèn luyện cho người trẻ.
Đây có lẻ là điểm chung của tất cả những người thành đạt. Đọc sách nhiều chưa chắc đã thành công nhưng những người thành công thường đọc rất nhiều sách. Và muốn hướng đến thành công, ít nhất chúng ta cũng phải học tập những thói quen của người thành công. Có lẻ hầu hết chúng ta trên lý thuyết đều nắm rõ điểm chung này. Nhưng thực hành nó cũng không phải là dễ dàng. Có quá nhiều cám dỗ, quá nhiều những trò tiêu khiển. Ban nên nhớ rằng, những thú vui này chiếm lấy thời gian của chúng ta, và chúng làm ta kém sâu sắc đi. Và chẳng ai hứng thú với những người hời hợt nhạt nhẽo cả, phải không nào! Hãy thay đổi thử một lần, tìm đọc và chìm mình trong một cuốn sách yêu thích bạn nhé.
Trích dẫn yêu thích trong Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu
“Bạn hối tiếc vì không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, chẳng có ai phải mất ngủ. Bạn trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, người ta chẳng hề bận lòng. Bạn có chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở, đó không phải là việc của họ. Suy cho cùng, quyết định là ở bạn. Muốn có điều gì hay không là tùy bạn. Nên hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống. Vì sau tất cả, chẳng ai quan tâm.”
Lời kết
Bạn không thể trông mong rằng đọc xong Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, tác giả sẽ cho bạn một phương pháp hoặc cách thức để định giá được tuổi trẻ của mình. Tuổi trẻ của bạn đáng giá bao nhiêu chỉ có bạn mới có thể tự đưa ra câu trả lời. Riêng với mình, cuốn sách chỉ đơn giản như một câu chuyện dài tác giả Rosie ngồi nói chuyện, trao đổi và truyền đạt lại những kinh nghiệm quý báu cho một thế hệ tiếp theo. Nó đơn giản, chân tình và chi tiết, rất hữu ích cho các bạn trẻ. Do đó, mình cũng không quá nặng nề về những nhận xét trái chiều của độc giả.
Mình đã sống một tuổi trẻ không quá nhiệt tình, sôi động như chị Roise nhưng cũng đã an tâm khi đã sống hết mình với thực tại, như tác giả vẫn nhắc người trẻ nên tìm về những nốt sâu sắc trong tâm hồn và những giây phút bình an trong tâm.
Trên đây là những review của mình về một trong những cuốn sách hay dành cho tuổi trẻ. Nếu bạn thích, hãy share bài giúp mình và tậu ngay một cuốn nhé.