Đôi nét về tác giả, tác phẩm
Tác phẩm “Ông già và biển cả” với tên tiếng Anh là “The Old Man and the Sea” được viết bởi nhà văn người Mỹ – Ernest Miller Hemingway. Đây là một tiểu thuyết ngắn được ông viết vào năm 1951 tại Cuba và được xuất bản vào một năm sau đó. “Ông già và biển cả” được coi là tác phẩm thành công nhất của Ernest Hemingway. Tác phẩm này giúp Ernest Hemingway mang về giải thưởng Pulitzer, cũng như góp phần để giúp ông nhận được giải Nobel Văn học năm 1954.
Tại Việt Nam, “Ông già và biển cả” được phát hành năm 1999 bởi Nhà xuất bản Văn học, do Lê Huy Bắc và các cộng sự của ông biên dịch.
Xem thêm: Những tác phẩm văn học ngắn cho người bắt đầu đọc
Santiago – ông lão mạnh mẽ, kiên cường, luôn quyết tâm theo đuổi mục tiêu
Mở đầu câu chuyện như thế này: “Lão đã già, một mình một thuyền câu cá trên dòng nhiệt lưu, đã tám mươi tư ngày qua lão không bắt được lấy một mống cá nào”. Không những vậy, người bạn đồng hành của lão phải rời xa trước khi bắt đầu chuyến đi. Mở đầu khiến chúng ta ít nhiều cảm thấy bi quan, chán nản. Tuy vậy, Satiago không như thế, lão mạnh mẽ đến lạ thường, đôi mắt lão cho biết điều đó: “Mọi thứ trên người lão đều toát lên vẻ già nua, trừ đôi mắt”. Lão lao động không ngừng mệt mỏi, bất chấp thời gian và tuổi tác để được chạm tay tới thành công“.
Mạch truyện chính tập trung vào cuộc chiến của lão Santiago và con cá kiếm khổng lồ. Cuộc chiến diễn ra căng thẳng, miệt mà kéo dài cả ngày lẫn đêm. Con cá quá mạnh mẽ trong khi sức lão cạn dần. Nó kéo con thuyền và cả lão đi rất xa khỏi đất liền. Thế nhưng, sau 3 ngày 2 đêm, lão đã chiến thắng, chiến thắng bằng niềm tin, chiến thắng bằng chính sự dùng cảm và nỗ lực không ngừng nghỉ mà lão bỏ ra. Điều đóthể hiện một chân lý: “Cuộc sống này chỉ thực sự kết thúc khi chúng ta thôi không còn ước mơ, thôi không còn hy vọng.”
Lại nói về đối thủ của ông lão Santiago, ai chắc hẳn cũng sẽ ấn tượng với nhân vật đặc biệt này. Bởi nó không phải chỉ là một sinh vật giữa đại dương, một đối tượng đi săn thông thường của những người đánh cá. Đối thủ ấy – con cá kiếm toát lên vẻ đẹp dũng mãnh, hiên ngang đối diện với hiểm nguy rình rập. Nó cũng giống như ông lão Santiago, tận hết khả năng để khẳng định chính mình, chiến đấu đến tận hơi thở cuối cùng. “Khi ấy, con cá mang cái chết trong mình, sực tỉnh, phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực. Nó dường như treo lơ lửng trong không trung, phía trên ông lão và chiếc thuyền. Thoáng chốc, nó rơi sầm xuống làm nước bắn tung, trùm lên cả ông lão lẫn con thuyền”. Santiago từng gọi con cá kiếm là “người anh em”, dù là đối thủ nhưng ông lão vẫn luôn luôn tôn trọng và khâm phục sức mạnh của nó.
Thế nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi người đọc chưa kịp vui mừng phấn khởi cho thành quả của Santiago thì ông lại phải đối mặt với thử thách khác: những con cá mập của đại dương kéo đến tranh giành thành quả với ông. Chúng lần lượt kéo đến con này đến cặp khác rồi cả một bầy cá mập đi săn. Liệu ông lão có một lần nữa vượt qua được hay không? Khi mà xác thân đã rã rời sau 3 ngày chiến đấu liên tục với con cá kiếm? Bạn hãy tiếp tục tự mình khám phá nhé.
Và cho dù kết quả như thế nào, ông cũng không thất vọng hay bi quan. Ở cuối câu chuyện, sau khi đã nghỉ ngơi một tối, ông lão liền tiếp tục lên kế hoạch cho những việc khác, nghĩ ngay đến việc rèn lại một ngọn lao thật tốt… để chuẩn bị cho những cuộc chinh phục mới. Thật khâm phục ông, một con người già nua bé nhỏ nhưng nghị lực mạnh mẽ và không bao giờ từ bỏ hy vọng.
Santiago – ông lão yêu và sống hòa mình cùng thiên nhiên
Ngoài những đặc tính tốt đẹp trên, ông lão Santiago còn là một người yêu đại dương – sống hòa mình vào biển cả. Lão tự tìm cho mình niềm vui trên những chuyến ra khơi bằng những câu hát, bài ca, thể hiện niềm say sưa yêu đời. Lão quan sát, cảm nhận từng thay đổi của tự nhiên. Lão hiểu rõ đặc tính của từng loài, cách chúng di chuyển, bắt mồi hay cả những độc tính, dấu hiệu dư báo của muôn loài ở biển cả. “Lão yêu giống rùa xanh lưng khòm, duyên dáng, nhanh nhẹn. Lão cũng xót thương cho cả họ hàng nhà chúng…” hay “Cái giống sứa lấp lánh ngũ sắc trong thật đẹp. Nhưng chúng là loài man trá nhất đại dương…” Để rồi từ đó, lão không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc, không bao giờ ngừng khát khao và ước mơ được chinh phục biển cả.
Lời kết
Ông già và biển cả chỉ hơn 100 trang nên không tốn quá nhiều thời gian để đọc. Nhưng chúng ta chắc sẽ tốn khá nhiều thời gian để suy ngẫm về những thông điệp mà Hemingway gửi gắm. Nhắc đến Hemingway, người ta nghĩ ngay đến nguyên lý “tảng băng trôi”. Phát biểu này được biết đến dựa trên một hiện tượng vật lý, khi một tảng băng trôi trên đại dương thì chỉ có một phần nổi trên bề mặt, bảy phần chìm khuất. Trong văn học, điều đó có nghĩa là mạch ngầm văn bản hay những lớp nghĩa bị nhà văn giấu kín, chưa được phô bày ra, đòi hỏi sự suy ngẫm rất lớn ở bạn đọc.
Qua Santiago, ta thấy được ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của con người. Dân làng chài chẳng ai tin ở ông, chẳng ai hy vọng ở ông, duy chỉ có cậu bé Manolin là cho ông sự tin tưởng và yêu thương, dù vậy, ông vẫn luôn tin vào chính mình. Niềm tin ấy giúp ông có thêm sức mạnh vượt qua bão tố của biển khơi và cả những cơn bão lòng mỗi khi mệt mỏi, yếu đuối. Ông đã ngộ ra rằng: Con người sinh ra không phải để thất bại. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị khuất phục.
Bạn có muốn sống một cuộc đời như thế không?