Đối với người yêu thích sách thì những địa điểm có thể đắm mình trong thế giới sách thật tuyệt. Mình chưa có nhiều điều kiện để thưởng thức hay trang hoàng góc đọc sách cho bản thân, nhưng thấy ở đâu có thông tin hay hay lại lưu về. Vô tình mình thấy một bài giới thiệu các thư viện đại học độc đáo là xem ngay và phải chia sẻ cho mọi người. Ước gì mình được một lần đặt chân đến đây các bạn nhỉ.
1. Thư viện Joe và Rika Mansueto, Đại học Chicago (Mỹ)
Được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Helmut Jahn và mở cửa vào năm 2011, thư viện Joe và Rika Mansueto trở thành một trong những công trình nổi bật tại Đại học Chicago.
Thư viện có mái kính ngoạn mục để phóng tầm mắt ra bên ngoài khi bạn cần cho mắt nghỉ ngơi. Khoảng 3,5 triệu tập sách, hồ sơ được bảo quản và lưu trữ trong không gian dưới lòng đất với sự kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ, độ ẩm. Đặc biệt hơn nữa, thủ thư ở đây là những robot. Chúng tự xác định vị trí và mang bất kỳ cuốn sách nào trong thư viện đến cho bạn trong vòng không quá ba phút.
2. Thư viện Hachioji, Đại học Nghệ thuật Tama (Nhật Bản)
Thư viện Hachioji toạ lạc tại Tokyo, được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Toyo Ito. Với gần 5.600 m2 diện tích sàn được thiết kế trên hai tầng và trần bê tông cong khổng lồ, cùng sự kết hợp giữa cấu trúc thời Trung cổ của châu Âu và vật liệu hiện đại, công trình này tạo cảm giác giống như nhà thờ hoặc cung điện hiện đại.
3. Old Library, Trinity College Dublin (Ireland)
Long Room trong The Old Library tại Trinity College Dublin được xây dựng từ năm 1712 đến năm 1732, nổi tiếng thế giới là thư viện đại học tinh tuý, lưu giữ nhiều sách cổ và tượng bán thân bằng đá cẩm thạch. Kho báu trong bộ sưu tập phong phú của thư viện bao gồm một bản sao hiếm hoi tuyên ngôn năm 1916 của Cộng hòa Ireland và một cây đàn hạc thế kỷ 15.
4. Thư viện Geisel, Đại học California, San Diego (Mỹ)
Thư viện Geisel do kiến trúc sư William Pereira thiết kế, được ví như kiệt tác khoa học viễn tưởng. Công trình này gồm 8 tầng, cao 33,5 m, nổi tiếng là không có biển báo hay điểm dừng thang máy ở tầng ba. Nếu hỏi sinh viên Đại học California, họ sẽ chia sẻ một tin đồn rằng thiết kế ban đầu không tính đến trọng lượng của những cuốn sách nên một tầng phải để trống.
5. Thư viện Les Aigues, Đại học Pompeu Fabra (Tây Ban Nha)
Toà nhà thư viện Les Aigues độc đáo tại Đại học Pompeu Fabra vốn không được thiết kế để chứa sách mà là để cung cấp, điều tiết nước cho hồ và thác nước trung tâm ở công viên Ciutadella. Về sau, nó được cải tạo thành thư viện. Sự chuyển đổi đó tạo ra cảm giác yên bình và tĩnh lặng tương tự như không gian tu viện.
6. Thư viện và Trung tâm học tập, Đại học Kinh tế và Kinh doanh Vienna (Áo)
Thư viện được thiết kế bởi Zaha Hadid, nữ kiến trúc sư đương đại nổi tiếng. Nhìn từ bên ngoài, công trình nổi bật với những đường nét sắc sảo, trong khi bên trong, sự đồng điệu được thể hiện khi các hành lang, tường và phòng đều có màu trắng sáng, có độ mở tạo cảm giác như thông với nhau. Đây cũng là công trình minh chứng cho danh hiệu “nữ hoàng của những đường cong” mà các nhà phê bình dành cho kiến trúc sư Zaha Hadid.
7. Thư viện George Peabody, Đại học Johns Hopkins (Mỹ)
Thư viện George Peabody được thành lập vào năm 1878, nằm trong khuôn viên Mount Vernon tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, thường xuyên xuất hiện trong danh sách thư viện đẹp nhất thế giới. Thư viện không chỉ phục vụ việc học tập, nghiên cứu của các thành viên Đại học Johns Hopkins mà còn được mở cho công chúng, theo mong muốn của thương gia và nhà từ thiện nổi tiếng George Peabody, người đã tài trợ cho thư viện này.
8. Thư viện Bodleian, Đại học Oxford (Vương quốc Anh)
Đại học Oxford, một trong những trường lâu đời nhất ở châu Âu, được mệnh danh là “thành phố của những ngọn tháp mộng mơ” nhờ kiến trúc của nó. Thư viện Oxford’s Bodleian góp phần tạo nên danh hiệu đó. Thư viện này thực chất là tập hợp các thư viện, nổi tiếng với việc yêu cầu sinh viên đọc lời thề không đánh dấu sách trước khi được cấp quyền thành viên.
Thư viện và các tòa nhà liên quan đã xuất hiện trong nhiều bộ phim, như loạt phim Harry Potter, The Golden Compass và X-Men: First Class.
9. Thư viện Joanine, Đại học Coimbra (Bồ Đào Nha)
Được xây dựng vào thế kỷ 18 theo lệnh của vua Bồ Đào Nha John V, thư viện Joanine là một kiệt tác baroque ở trung tâm của Đại học Coimbra. Ngoài đóng vai trò là thư viện, phục vụ việc học tập, nghiên cứu của giảng viên, sinh viên trong trường, nó còn là di tích quốc gia nhờ ý nghĩa lịch sử và văn hóa của nó.
Joanine còn là một trong số ít thư viện trên thế giới có những con dơi chào đón khách. Một đàn dơi thường trú ngụ sau giá sách, bay ra ngoài vào ban đêm để ăn ruồi, nhặng và các loài gây hại khác như một cách bảo quản tự nhiên các loại sách, bản thảo bên trong.
10. Thư viện Central University City Campus, Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (Mexico)
Thư viện này thực sự “có một không hai”. Nó cao chót vót so với các toà nhà trong cùng khuôn viên, nổi bật với bức tranh tường A Historical Representation of the Culture (Một đại diện lịch sử của văn hoá) do nghệ sĩ người Mexico Juan O’Gorman tạo ra. Bức tranh này đặc biệt vì thể hiện được ba thời đại lịch sử cơ bản trong văn hóa Mexico, không sử dụng bất kỳ viên đá nào, màu sắc đều là tự nhiên và có nguồn gốc địa phương. Tháng 7/2007, thư viện được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Theo Vnexpress