Đọc sách là một thói quen tốt. Đọc sách giúp tâm hồn ta rộng mở và thư giãn. Tuy nhiên, mình hiểu không phải ai ai cũng thích đọc sách và nhìn nhận đúng về giá trị của sách, trong khi đó họ vẫn có nhu cầu trau dồi và làm phong phú thêm kiến thức của mình qua những nguồn đọc khác.
Do đó, hôm nay thay vì review sách hay bàn về những chủ đề của chúng, mình sẽ viết về những nguồn đọc khác không phải là sách nhưng vẫn có giá trị và kiến thức tương đương. Bạn cùng theo dõi với mình nha.
1. Đọc báo, tạp chí
Bên cạnh sách thì các ấn phẩm báo chí cũng là nơi chứa đựng nguồn thông tin khổng lồ. Trung bình một ngày có cả trăm tờ báo xuất bản và cả ngàn bài viết được gửi đến tay người đọc. Đó vừa là điểm cộng đồng thời là thách thức khi chúng ta phải làm sao chọn lọc ra những thông tin quan trọng, thức thời và truyền tải thông điệp đúng đắn trong số đó.
Báo chí hiện nay cũng có 2 hình thức là báo giấy truyền thống và báo điện tử. Thời đại công nghệ kỹ thuật số phát triển phần nào cũng làm thay đổi thói quen đọc báo của chúng ta. Cách đây tầm 10 năm (khoảng năm 2010-2011), mình nhớ vẫn thường hay đọc những tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và các loại tạp chí Doanh Nhân, Phụ Nữ hàng tháng để có tin tức. Nhưng giờ đây (năm 2021) thì nhà mình hầu như không còn tờ báo nào cả. Nghĩ lại cũng thoáng buồn.
Theo xu hướng bây giờ, mình sẽ giới thiệu bạn những trang báo điện tử có lượng truy cập đông, uy tín, hạn chế những trang tin vở vẩn, nội dung chỉ mang tính giải trí. Nếu bạn truy cập vào những trang “tạm gọi là lá cải” thì vừa mất thời gian vừa không thu thập được kiến thức hữu ích gì.
- Tin tức trong nước và thế giới cập nhật: https://vnexpress.net/, https://tuoitre.vn/, https://dantri.com.vn/
- Tin tức đầu tư, kinh doanh, chứng khoán: https://cafef.vn/, https://vneconomy.vn/
- Trang báo quốc tế mình hay tham khảo là The Guardian https://www.theguardian.com một trang báo phi lợi nhuận của Anh hoạt động trên tiền quỹ do người đọc tùy tâm đóng góp. Việc đọc trên trang này có hơi mất thời gian hơn, nhưng bù lại giúp mình trau dồi được lượng
Thông thường mình dành tầm 20-30 phút để cập nhật tin tức thế giới, trong nước trong ngày. Sau đó mình sẽ chọn những mục quan tâm khác như Thể Thao, Âm nhạc, Đời Sống hay Góc Nhìn để đọc thêm nếu lôi cuốn. Chuyên mục Góc Nhìn trong báo Vnexpress mình thấy khá hấp dẫn, nhiều góc nhìn của các chuyên gia về các vấn đề nóng trong xã hội hiện giờ, giúp mình có thêm kiến thức. Mình cũng không đọc hết các trang báo điện tử trên cùng một lúc đâu vì nó tốn khá nhiều thời gian. Và thông thường, trong thời buổi cập nhật, tin tức ở các trang đều tương tự và tức thì như nhau.
Về báo giấy, mình khuyến khích bạn đặt tập san các tờ báo yêu thích của mình hàng tháng nhé. Báo giấy thì tính cập nhật không bằng báo điện tử nhưng bài viết lại chuyên sâu, đầu tư hơn. Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin tổng hơp, dự báo hay góc nhìn đa chiều và hữu ích hơn.
2. Đọc các bài post hữu ích trong những cộng đồng facebook mà mình quan tâm
Hiện nay, ngoài website thì nền tảng mạng xã hội facebook phát triển rất mạnh. Do đó hình thành khá nhiều cộng đồng uy tín, chất lượng và đầu tư nội dung bài viết hay. Dưới đây là hai trang mình thường hay theo dõi và yêu thích.
– Dành cho người trẻ, khởi nghiệp kinh doanh: https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/
– Dành cho các mẹ trẻ tham khảo thông tin nuôi dạy con (chị Phan Thị Hồ Điệp): https://www.facebook.com/me.n.nam.9
Nói chung trên cộng đồng facebook thì có khá nhiều group được tạo ra nhưng bạn phải dựa vào những nội dung chất lượng và cập nhật liên tục để xem đó có phải là kênh yêu thích của mình không.
3. Đọc truyện (stories)
Nếu bạn không muốn căng não với tình hình thế giới hay tạm thời dời xa các tin tức dồn dập thì việc đọc đôi ba câu chuyện (stories) sẽ giúp tâm trí bạn thoải mái hơn một chút đấy.
Khác với việc đọc báo, đọc truyện giúp bạn thả hồn theo lối viết riêng của tác giả, tha hồ tưởng tượng và bay bổng cùng nhân vật hay lắng lại và suy ngẫm về những câu chuyện quanh đời rất thực. Những trang hay app điện thoại lý tưởng cho bạn trải nghiệm điều đó có thể kể đến Pocket, Medium, hay Wattpad, Longreads, vừa giúp bạn nâng cao khả năng đọc Tiếng Anh.
Mình nghĩ môi thời điểm bạn chỉ nên tải hoặc đọc một app vì thực ra down về nhiều app mà không có thời gian đọc thì cũng vậy.
4. Đọc các bài blog
Có rất nhiều những bài viết hay ho thú vị của các blogger trên các nền tảng như WordPress hay Wix mà bạn có thể theo dõi và tìm đọc. Cộng đồng blogger luôn có những bài viết hay, nội dung ý nghĩa, thiết thực về một lĩnh vực nào đó. Nếu bạn quan tâm đến một chủ đề cụ thể thì viết đọc những bài viết chất lượng rất đáng xem xét.
Mình xin chia sẻ một vài blogger với những trang blog siêu hay siêu thú vị để các bạn ghé thăm nhé:
- The Hanoi Chamomile – Blog về lối sống tối giản, ấm áp của anh Kira
- Thuytien Dory – Blog của chị Tiên, viết về những câu chuyện trong cuộc sống của chị theo cách truyền cảm hứng không ngờ.
- Depthoffeelings – Blog của chị Lê (Nghiên cứu sinh ngôn ngữ tại Pháp) viết về cuộc sống hằng ngày, nuôi dạy con, chụp ảnh, du lịch. Chị Lê còn là tác giả của cuốn sách “Mẹ đoảng dạy con” nữa.
- Blog phi công – Blog của một anh phi công với những câu chuyện trong nghề rất ý nghĩa
- Minh Thi’s Blog: Blog của chị rất đa dạng, từ việc học ngôn ngữ, du lịch, du học, review sách và phim, đến cả một số bài viết về các vấn đề đang hot
Việc theo dõi các blogger và đọc những bài viết của họ giúp mình hiểu thêm về những khía cạnh mới trong cuộc sống mà mình chưa trải qua, biết thêm được những điều thú vị trong hành trình họ theo đuổi đam mê. Đôi khi xen giữa những câu chuyện cá nhân cũng là một vài bài viết chia sẻ kinh nghiệm hay bàn luận về những vấn đề mang tính thời sự của các blogger ấy.
Lời Kết
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc hết bài viết của mình. Mong là sau bài này, bạn sẽ tìm được cho mình (ít nhất) một nguồn đọc hữu ích ngoài sách và tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với những câu văn, con chữ nhé.