“Chú bé Thất Sơn” – truyện về cậu bé mồ côi vượt hoàn cảnh gian khó của Phạm Công Luận – tái ngộ độc giả sau 30 năm.
Tác phẩm ra mắt năm 1991 – bắt đầu với chuyến nghỉ hè thăm quê ngoại của hai chị em nhân vật Thảo – Nam. Từ đây, cả hai gặp Siêng – “thổ địa” vùng Thất Sơn, An Giang. Theo chân Siêng, Nam khám phá một thế giới thú vị với đồng ruộng bao la, dòng kênh Vĩnh Tế mát lành, mùi cá nướng trui thơm lừng, món khoai mì rẫy ngọt bùi…
Trong truyện, Siêng là cậu bé mồ côi, cha mẹ là thầy cô giáo bị giặc Pol Pot giết. Tối cậu ngủ nhờ chòi vịt, ngày chăn trâu kiếm từng bữa cơm. Đêm đến, Siêng vẫn đi đò qua sông học bổ túc văn hóa. Trong cảnh khốn cùng, Siêng phải tham gia vào đoàn người “đai” thuốc lá lậu qua biên giới và bị bắt. Làm mất trâu, bị đánh đập, chèn ép, cậu bé vẫn cố gắng hướng đến tương lai.
Sách có đoạn: “Nó mơ trở thành một chuyên viên về nông nghiệp như chú Thành, anh Tân ở trạm thực vật huyện. Nó sẽ hướng dẫn bà con trồng loại lúa nào chống được rầy nâu, loại lúa nào trồng ngắn ngày, loại nào ngon cơm. Nó sẽ giới thiệu với mọi người về các loại máy gặt, đập, gieo hạt, tuốt lúa, đánh bóng gạo… Không còn ai phải vất vả khom lưng ngoài đồng dưới trời nắng, chân ngâm dưới sình mà sẽ ngồi trong buồng kín của chiếc xe chuyên dùng trên đồng ruộng“.
Sau 30 năm, thông điệp của truyện Chú bé Thất Sơn vẫn nguyên vẹn: đừng bao giờ ngừng ước mơ dù hoàn cảnh khó khăn. Nông thôn buộc chặt cuộc đời những chú bé khoai củ, nhưng không thể trói lại những giấc mơ. Ngôn ngữ Nam Bộ mộc mạc cũng là điểm sáng của sách. Những món ăn dân dã, câu ca dao – dân ca xuất hiện nhiều trong truyện. Qua ngòi bút tác giả, người đọc cùng chị em Thảo, Nam và Siêng khám phá vùng đồng quê miền Nam bạt ngàn.
Dù là truyện hư cấu, tác giả – nhà báo Phạm Công Luận lấy chất liệu viết từ đời thực. 30 năm trước, ông lần đầu đến Châu Đốc, An Giang và được nghe kể về một em bé bị đuối nước dưới dòng kênh xanh. Về TP HCM, hình bóng những em bé lội bộ trên cánh đồng xanh khiến ông mãi ngẫm nghĩ. Một tháng sau chuyến đi, ông ngồi vào bàn và viết Chú bé Thất Sơn. Không rành về địa phương, ông phải đọc sách tư liệu về vùng đất này. Sách xuất bản lần đầu năm 1993, đoạt giải C cuộc vận động sáng tác Văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần thứ nhất.
Phạm Công Luận sinh năm 1961 ở TP HCM. Ông là tác giả nhiều cuốn sách như Những sắc màu Nhật Bản, Nếu biết trăm năm là hữu hạn (bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy), Chú bé Thất Sơn, Đường phượng bay… Tác phẩm nổi bật của Phạm Công Luận là bộ sách Sài Gòn – Chuyện đời của phố –ra mắt tập đầu năm 2014.
Theo Tam Kỳ – Vnexpress