Trong những câu chuyện mà mình đề cập dưới đây, sẽ có một vài câu chuyện rất ngắn và phổ biến. Tuy nhiên, những thông điệp trong đó lại khiến người khác phải suy ngẫm.
1. Ông lão già làng
Tại một làng nọ, có một ông lão. Ông ấy là một trong những người bất hạnh nhất thế giới. Cả làng đều phát ngán ông lão bởi vì ông ấy thường xuyên u sầu, liên tục oán trách và luôn ở trong trạng thái cáu kỉnh.
Càng sống lâu, ông ấy càng trở nên cáu gắt và lời nói càng độc địa. Mọi người đều xa lánh ông lão, bởi vì sợ lây nhiễm sự bất hạnh của ông. Nếu có ai đó ở gần ông mà tỏ ra hạnh phúc thì cũng bị cho là quái đản.
Ông lão khiến những người xung quanh cảm thấy bất hạnh.
Nhưng một ngày nọ, khi ông tròn 80 tuổi, một điều khó tin đã xảy ra. Ngay lập tức, mọi người bắt đầu nghe được tin đồn: “Hôm nay, ông lão rất là hạnh phúc, ông ấy không phàn nàn về bất cứ điều gì cả, chỉ cười thôi và thậm chí khuôn mặt của ông cũng tươi tỉnh lên hẳn”.
Cả làng tụ tập lại và hỏi ông lão.
Dân làng: Chuyện gì đã xảy ra với ông vậy?
Ông lão: Không có gì đặc biệt cả. Trong 80 năm qua, tôi đã theo đuổi hạnh phúc mà chẳng được gì cả. Và rồi, tôi quyết định sẽ sống mà không cần hạnh phúc nữa, cứ thế mà tận hưởng cuộc sống thôi. Thế là bây giờ, tôi lại cực kỳ hạnh phúc.
>>> Bài học của câu chuyện:
Đừng chạy theo hạnh phúc. Hãy tận hưởng cuộc sống của bạn.
2. Người đàn ông thông thái
Chuyện kể rằng mọi người thường hay tìm đến một người đàn ông thông thái, lúc nào họ cũng phàn nàn về những vấn đề tương tự. Một ngày nọ, ông ấy kể cho mọi người nghe một câu chuyện hài và mọi người cười ồ lên.
Sau vài phút, ông ấy kể lại câu chuyện đó cho mọi người nghe lần nữa và chỉ có vài người trong số họ tiếp tục mỉm cười.
Khi ông ấy kể lại câu chuyện đùa đó lần thứ ba thì không còn ai cười nữa.
Người đàn ông thông thái mỉm cười và nói: “Một câu chuyện đùa không thể khiến bạn cười nhiều lần. Vậy, tại sao bạn luôn khóc về cùng một vấn đề?”
>>> Bài học của câu chuyện:
Lo lắng sẽ không giải quyết được vấn đề của bạn, nó chỉ làm lãng phí thời gian và năng lượng của bạn.
3. Chú lừa ngốc nghếch
Có một người bán muối thường chất bao muối lên lưng con lừa của anh ta để đem ra chợ bán mỗi ngày.
Trên đường đi, họ phải băng qua một con suối. Một ngày nọ, con lừa bất ngờ ngã xuống dòng suối và thế là bao muối bị rơi xuống nước. Muối gặp nước bị hòa tan và do đó chiếc túi trở nên rất nhẹ. Chú lừa rất vui vì không phải vác nặng.
Sau đó, mỗi ngày, chú lừa bắt đầu giở trò, giả bộ ngã xuống nước.
Người bán muối rồi cũng phát hiện ra mánh khóe của chú lừa và quyết dạy cho nó một bài học. Hôm sau, anh ta chất một túi bông lên lưng chú lừa.
Lần này, cũng vậy, chú lừa lại giở mánh khóe tương tự, hy vọng túi bông sẽ trở nên nhẹ hơn.
Nhưng bông bị ẩm sẽ trở nên nặng hơn và thế là chú lừa đã tự chuốc khổ vào thân. Qua lần đó, nó rút ra được một bài học và kể từ đó về sau, chú lừa không dám giở trò nữa. Người bán muối lúc này rất vui vẻ.
>>> Bài học của câu chuyện:
May mắn không phải lúc nào cũng đến với bạn.
4. Người bạn tốt nhất
Có một câu chuyện kể về hai người bạn đang băng qua sa mạc. Trong cuộc hành trình, có một số thời điểm hai người đã cãi vã nhau và thế là một người đã tát vào mặt người còn lại.
Người bạn bị tát bị tổn thương nhưng không nói gì, chỉ viết trên cát: “Hôm nay, người bạn thân nhất đã tát vào mặt tôi”.
Hai người bạn tiếp tục cuộc hành trình đến khi tìm thấy một ốc đảo và họ quyết định sẽ ghé vào đấy để tắm rửa. Trong lúc tắm, người bạn bị tát bị mắc kẹt trong vũng bùn và có thể chết đuối, nhưng người bạn còn lại đã cứu anh ta. Sau khi hồi phục sau sự cố, anh ta đã viết lên hòn đá: “Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu mạng tôi”.
Người bạn đã ra tay tát bạn mình đồng thời cứu bạn mình đã hỏi người kia: “Khi tôi tát anh thì anh viết trên cát, còn giờ tại sao anh lại viết trên đá?”
Người bạn kia trả lời: “Khi bị ai đó làm tổn thương, chúng ta chỉ nên viết trên cát để những cơn gió có thể xóa nó đi. Nhưng khi được ai đó gia ân, chúng ta phải khắc vào đá để không một cơn gió nào có thể xóa đi được”.
>>> Bài học của câu chuyện:
Đừng coi trọng những thứ bạn có trong cuộc sống. Nhưng hãy coi trọng những người bạn mà bạn có được trong đời.
5. Bốn chàng sinh viên lém lỉnh
Một đêm nọ, bốn chàng sinh viên ra ngoài tiệc tùng mãi đến đêm mới về và do vậy, họ không thể chuẩn bị kịp cho bài kiểm tra ngày mai. Vào buổi sáng, họ đã nghĩ ra một kế hoạch.
Họ dùng dầu mỡ và bụi bẩn tự làm bẩn bản thân.
Sau đó, bốn chàng sinh viên đến gặp thầy trưởng khoa và nói rằng tối qua, họ đi tham dự một buổi tiệc đám cưới và trên đường về lốp xe của họ bị nổ, thế là họ phải đẩy xe suốt đoạn đường về nhà. Vì vậy, bốn người không kịp chuẩn bị để làm bài kiểm tra.
Thầy trưởng khoa suy nghĩ trong một phút và nói rằng họ có thể kiểm tra lại sau 3 ngày nữa. Bốn chàng sinh viên cảm ơn ông ấy và nói rằng tới lúc đó, họ sẽ chuẩn bị tốt.
Vào ngày thứ ba, bốn người xuất hiện trong văn phòng của thầy trưởng khoa. Thầy trưởng khoa nói rằng đây là bài kiểm tra đặc biệt, cả bốn người được yêu cầu phải ngồi trong các phòng riêng biệt để làm kiểm tra. Tất cả bốn người đều đồng ý vì họ đã chuẩn bị tốt trong 3 ngày qua.
Bài kiểm tra chỉ bao gồm 2 câu hỏi với tổng số 100 điểm:
1) Tên của bạn? __________ (1 điểm)
2) Lốp xe nào bị nổ? __________ (99 điểm)
(a) Bánh trước bên trái
(b) Bánh trước bên phải
(c) Bánh sau bên trái
(d) Bánh sau bên phải
>>> Bài học của câu chuyện:
Dám chịu trách nhiệm, nếu không bạn sẽ có bài học nhớ đời.
6. Chú sư tử tham lam
Chuyện kể rằng vào một ngày trời cực kỳ nóng, có một chú sư tử đang rất đói bụng.
Chú sư tử mới rời khỏi ổ và bắt đầu lùng sục khắp nơi. Những gì chú có thể tìm thấy chỉ là một con thỏ nhỏ. Chú sư tử bắt chú thỏ rừng với một chút do dự. Nó nghĩ rằng: “Con thỏ này không thể khiến mình no bụng được”.
Khi chú sư tử chuẩn bị giết chú thỏ rừng thì có một chú nai chạy ngang qua. Chú sư tử trở nên tham lam và nghĩ: “Thay vì ăn con thỏ nhỏ xíu này, chi bằng chọn con nai lớn kia”.
Chú sư tử thả con thỏ rừng đi và rượt theo chú nai. Nhưng chú nai đã biến mất hút vào trong khu rừng. Chú sư tử bấy giờ lại cảm thấy hối tiếc vì đã thả con thỏ rừng đi.
>>> Bài học của câu chuyện:
Không nên thả mồi bắt bóng.
7. Hai người bạn và con gấu
Vijay và Raju là hai người bạn. Vào một kỳ nghỉ, họ cùng nhau đi bộ trong một khu rừng, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên. Đột nhiên, họ thấy một con gấu tiến đến. Cả hai bắt đầu trở nên sợ hãi.
Raju, rất giỏi trèo cây, đã chạy đến một cái cây và nhanh chóng trèo lên. Anh không lo gì đến Vijay cả. Vijay thì lại không biết trèo cây.
Vijay mới chợt lóe lên một ý tưởng. Anh nghe nói gấu không thích xác chết nên giả vờ ngã xuống đất và nín thở. Con gấu lại đánh hơi và nghĩ rằng anh ta đã chết, thế là nó bỏ đi.
Raju hỏi Vijay: “Con gấu đã thì thầm điều gì vào tai bạn thế?”
Vijay trả lời: “Gấu khuyên tôi nên tránh xa những người bạn giống như anh”… rồi cứ thế bước đi.
>>> Bài học của câu chuyện:
Lúc hoạn nạn mới thấy chân tình.
8. Những khó khăn trong đời
Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái phàn nàn với cha rằng cuộc sống của cô thật khốn khổ và cô không biết làm thế nào sống cho nổi đây.
Lúc nào, cô bé cũng cảm thấy mệt mỏi vì phải chiến đấu và vật lộn. Dường như khi một vấn đề được giải quyết thì vấn đề khác lại xuất hiện.
Cha cô, là một đầu bếp, dẫn cô vào bếp. Ông ấy đổ đầy ba nồi nước và đem từng nồi nấu với lửa cao.
Khi ba nồi nước bắt đầu sôi, người cha cho khoai tây vào nồi thứ nhất, trứng vào nồi thứ hai và hạt cà phê xay vào nồi thứ ba. Sau đó, ông chờ chúng được đun sôi mà không nói một lời nào với con gái.
Cô con gái rên rỉ và sốt ruột chờ đợi, tự hỏi cha đang làm gì. Sau hai mươi phút, người cha tắt lửa.
Ông lấy khoai tây ra khỏi nồi và đặt chúng vào một cái bát. Ông lấy trứng ra và đặt chúng vào một cái bát khác. Sau đó, ông ta múc cà phê ra cho vào cốc.
Quay sang cô, người cha hỏi: “Con gái, con nhìn thấy điều gì?”
“Khoai tây, trứng và cà phê”, cô vội vàng trả lời.
“Hãy nhìn kỹ hơn”, ông nói “và chạm vào khoai tây”. Cô con gái làm theo và để ý thấy chúng rất mềm.
Sau đó, người cha yêu cầu cô gái lấy một quả trứng rồi tách vỏ ra. Sau khi tách vỏ, cô quan sát quả trứng được luộc chín.
Cuối cùng, ông bảo cô gái hãy nhấp một ngụm cà phê. Hương thơm của nó đã mang lại nụ cười trên khuôn mặt cô.
“Cha à, điều này có nghĩa là gì vậy?”, cô hỏi.
Sau đó, người cha mới giải thích rằng khoai tây, trứng và hạt cà phê đều từng đối mặt với cùng một nghịch cảnh, là nước sôi. Tuy nhiên, mỗi thứ lại phản ứng theo cách khác nhau. Khoai tây vốn cứng và chắc, nhưng khi cho vào nước sôi, nó trở nên mềm và yếu.
Trứng rất dễ vỡ, cần lớp vỏ mỏng bên ngoài để bảo vệ phần dung dịch bên trong. Sau khi được luộc chín, phần bên trong mới trở nên cứng cáp.
Tuy nhiên, hạt cà phê xay là thứ độc đáo nhất. Sau khi tiếp xúc với nước sôi, chúng đã thay đổi nước và tạo nên một thứ cực kỳ mới mẻ.
“Vậy con là thứ nào đây?” Người cha hỏi con gái.
“Khi nghịch cảnh gõ cửa nhà con, con sẽ phản ứng thế nào? Con sẽ là khoai tây, quả trứng, hay là cà phê?”
>>> Bài học của câu chuyện:
Trong cuộc sống, có nhiều điều xảy ra xung quanh chúng ta và có nhiều điều sẽ đến với chúng ta, nhưng điều duy nhất thực sự quan trọng là cách bạn phản ứng lại và rút ra được gì từ những sự kiện đó. Cuộc sống xoay quanh việc chúng ta phải biết nương tựa, chấp nhận và chuyển đổi tất cả các khó khăn mà chúng ta trải nghiệm thành một điều gì đó tích cực.
9. Con cáo và chùm nho
Một buổi chiều nọ, có một chú cáo đang dạo bước trong rừng và chú phát hiện ra một chùm nho treo lơ lửng trên cành cây cao.
“Thứ này sẽ làm dịu cơn khát của mình đây”, chú nghĩ.
Lùi lại vài bước, chú cáo phóng người lên nhưng lại chụp không trúng chùm nho. Một lần nữa, chú cáo lại lùi lại vài bước và cố gắng để chụp trúng chùm nho nhưng vẫn thất bại.
Cuối cùng, bỏ cuộc, chú cáo hếch mũi lên và nói: “Dù gì thì cũng chỉ là những trái nho chua mà thôi”, rồi cứ thế bỏ đi.
>>> Bài học của câu chuyện:
Thật dễ dàng để coi thường những gì bạn không thể có.
10. Con sư tử và người nô lệ nghèo
Chuyện kể về một người nô lệ, bị chủ đối xử tàn tệ, đang chạy trốn vào rừng. Trong khu rừng, anh ta bắt gặp một con sư tử đang đau đớn vì bị một cái gai đâm vào chân. Người nô lệ dũng cảm tiến lên và nhẹ nhàng gỡ bỏ cái gai đi.
Nhổ xong, con sư tử bỏ đi mà không làm tổn hại gì đến anh ấy hết.
Vài ngày sau đó, chủ nhân của người nô lệ vào rừng đi săn. Ông ta bắt được rất nhiều con thú rồi nhốt chúng vào lồng. Những người tùy tùng của ông ấy phát hiện ra người nô lệ và thế là chúng giải anh ấy đến gặp người chủ độc ác.
Người chủ mới ra lệnh ném người nô lệ vào chuồng sư tử.
Người nô lệ đang chờ đợi cái chết thì bỗng nhiên, anh ta nhận ra đó chính là con sư tử mà anh từng giúp đỡ. Con sư tử không ăn thịt anh ta. Lúc này, người nô lệ mới giải cứu cho con sư tử và tất cả các con vật khác bị nhốt trong lồng rồi trốn thoát.
>>> Bài học của câu chuyện:
Chúng ta nên giúp đỡ người khác khi cần thiết, sau này, chúng ta sẽ nhận được những phần thưởng xứng đáng.