Tiến sĩ toán học Lê Anh Vinh ra bộ sách kể các truyện ngụ ngôn, cổ tích lồng ghép bài toán, câu đố nhỏ cho các bé.
Bộ sách gồm năm cuốn: Cuộc phiêu lưu của Jenny ở Vương quốc Ham Chơi và bốn tập Giải đố giải ngố cùng truyện ngụ ngôn toán học. Ở cuốn đầu, tác giả đặt ra những bài toán thiết thực với cuộc sống, chẳng hạn: một ông già luôn đãng trí thì phải làm sao để đếm lượng lớn kẹo khi cửa hàng vẫn phải mở, cách đếm được số nấm tinh nghịch luôn chạy nhảy, tìm ra món nhẹ nhất trong 1.000 đồ chơi…
Nhân vật chính trong truyện là Jenny – một cô bé không thích đến trường nhưng say mê với các câu đố. Cô bé tin vào khoa học, rằng mọi câu đố đều có lời giải: “Mớ bòng bòng/ Quay mòng mòng/ Nhưng cứ nghĩ/ Rồi sẽ xong”.
Ở bộ Giải đố giải ngố cùng truyện ngụ ngôn toán học, mỗi tập gồm tám truyện ngụ ngôn, mỗi truyện có ba câu đố, kèm phần giải toán cuối sách. 32 truyện nổi tiếng thế giới được kể lại ngắn gọn, như: Lừa đội lốt Sư tử, Con cáo và chùm nho, Cáo và Sếu, Chuồn chuồn và Kiến, bác nông dân và các con trai…
Các truyện ngụ ngôn giúp khai mở tưởng tượng của người nghe, cung cấp nguyên liệu cho các câu đố, gồm tính cách nhân vật, tình huống nảy sinh câu đố… Bé được tương tác với người kể chuyện, câu chuyện và nhân vật trong truyện. Những câu thách đố từ vừa sức đến khó. Tác giả đặt người nghe vào vị trí trung tâm, nhấn mạnh tính kết nối, tương tác hai chiều giữa người kể và người nghe, người thách đố và người giải đố. Các câu đố trong truyện đa dạng, từ nhận biết, tìm đường, mê cung đến so sánh, suy luận, nối hình…
Tiến sĩ Lê Anh Vinh cho biết như nhiều phụ huynh khác, anh thường xuyên bị các con đòi kể chuyện hàng đêm. Anh tìm cách dạy con học toán qua các câu chuyện. Anh nói: “Cũng như toán học, truyện ngụ ngôn từ nhỏ là một phần không thể thiếu trong tôi. Là cha của hai con gái, tôi hiểu rằng các bậc cha mẹ mỗi ngày nên có một khoảng thời gian chất lượng bên con. Điều tốt nhất tôi có thể làm đó là lồng ghép hai sở trường của mình để cùng con khám phá toán học“.
Theo VNexpress