Mình cứ băn khoăn mãi tại sao chúng ta không thích hoặc ít đọc sách. Bạn hãy cùng mình thảo luận vấn đề này nhé.
Thực trạng của việc đọc sách xung quanh mình
Trong 2 năm gần đây, nhờ ý thức được những lợi ích cũng như có thói quen đọc sách nên mình quan tâm hơn đến các vấn đề về sách. Thực sự nhìn xung quanh, số người yêu thích đọc sách đếm trên đầu ngón tay. Mình cũng biết tỷ lệ người đọc sách của Việt Nam khá thấp. Mặc dù tình trạng này có cải thiện trong vài năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ. Dân trí có nâng cao thì cuộc sống mới đỡ khó khăn, vất vả. Kinh tế đất nước mới đi lên. Tương lai con em chúng ta mới sáng lạng hơn. Mình là thế hệ 9x, cũng đã có con nên lại cực kỳ quan tâm hơn về việc đọc sách của thế hệ tương lai.
Theo ấn tượng lúc còn đi học, cả vùng quê mình không có bạn nào là đọc sách gì khác ngoài sách giáo khoa. Hoặc mình cũng hy vọng rằng, có những bạn nào đó đọc sách mà mình không biết. Nhưng khả năng này thật hiếm vì trong thế hệ đó, mình và những bạn bè của mình được xem là có học lực và điều kiện nhất để theo đuổi về những gì liên quan đến học vấn, sách vở mà lại không có thói quen đọc sách thì những bạn khác khó có khả năng hơn. Giờ đây, mình tự băn khoăn tại sao lại như thế. Và mình ngẫm nghĩ lại, theo chủ quan và những trải nghiệm của mình, thì có thể có những nguyên nhân sau.
Những nguyên nhân khiến chúng ta ít đọc sách
Không có thói quen đọc sách từ nhỏ
Như các bạn cũng biết, đọc sách là một thói quen. Mà thói quen thì phải được luyện tập và mài dũa thường xuyên. Có lẽ từ nhỏ, chúng mình không được rèn luyện thói quen đọc sách nên không có mà thôi. Thói quen đọc sách hình thành từ gia đình nhiều hơn là xã hội. Cho nên, những gia đình nào không quan tâm, chú trọng đến vấn đề này thì những thành viên không có thói quen đọc sách thôi. Mình nghĩ guyên nhân đầu tiên đơn giản là thế. Bạn không có thói quen đọc sách.
Không có môi trường đọc sách
Luyện tập và duy trì một thói quen cần phải có môi trường. Như hiện tại, mình cũng cố gắng tạo môi trường rèn luyện Tiếng Anh cho con từ nhỏ. Mình cho bé tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ thứ 2 qua youtube, báo đài, trao đổi 1-1 với thầy cô… Giống như việc học tiếng Anh, việc đọc sách cũng thế. Nếu như trong một môi trường mà mọi người ai cũng thích việc đọc sách, cũng trao đổi thảo luận về sách thì bạn cũng sẽ hòa nhập vào môi trường đó. Bạn cũng sẽ cầm trên tay một quyển sách mỗi khi rảnh rổi để nhâm nhi. Ngược lại, nếu xung quanh mình không ai cầm quyển sách nào thì bạn cũng sẽ phản ứng tương tự như thế.
Có một bé đồng nghiệp từng nói rất vui khi gặp mình và anh quản lý đều thích đọc sách. Từ lúc cấp 2, em đã có thói quen đọc sách rồi vì ba em là giáo viên có một kệ sách rất đồ sộ. Em cũng tìm thấy nhiều niềm vui trong những trang sách. Nhưng trong mắt bạn bè đồng trang lứa, việc em đọc sách giống như “người ngoài hành tinh”. Công ty trước em làm cũng vậy, hầu như mọi người không thích nói nhiều về sách. Em cảm thấy hình như thích đọc sách là việc gì đó không bình thường lắm. Mình thật không biết nên nghĩ như thế nào nữa. Đúng là một môi trường cũng khá quan trọng để phát huy được một thói quen tốt.
Ảnh hưởng của thời đại kỹ thuật số
Nếu ngày xưa, việc đọc sách thường gặp khó khăn về tài chính, địa lý, kho sách hạn hẹp… Thì ngày nay, chính kỹ thuật công nghệ phát triển lại là một trở ngại trong quá trình đọc sách của chúng ta. Chúng ta có hàng trăm, hàng vạn kênh thông tin giải trí, vừa nhanh, vừa “hot”, lại tức thời. Bạn trẻ ngày nay có quá nhiều lựa chọn. Thời gian rảnh bạn có thể lướt facebook, youtube, xem vài bộ phim bom tấn, chơi vài ván game đồ họa đỉnh cao…
Bạn thử hình dung xem, giữa một bên là nội dung giải trí phong phú, hình ảnh bắt mắt, tiêu chí “nhanh, gọn, lẹ” và một bên là thời gian suy tư với những câu chữ, suy ngẫm, chiêm nghiệm thì bạn sẽ chọn cái gì? Cái nào dễ hơn thì phần đông mọi người lựa chọn. Chính những thú vui công nghệ đó hầu như ngón hết thời gian rảnh của chúng ta. Mà thời gian mỗi người đều hữu hạn là 24giờ/ngày. Bạn chọn hình thức giải trí này thì phải cắt xén thời gian cho những hình thức giải trí khác thôi. Đó là một tất yếu.
Xem thêm: Đọc sách hiệu quả giữa thời đại mạng xã hội bùng nổ
Chúng ta quá lười
Những nguyên nhân mình liệt kê phía trên hầu như là khách quan. Nhưng tại sao trong một không gian xã hội như thế vẫn có người yêu thích đọc sách? Việc đó chỉ có thể giải thích bằng nguyên nhân chủ quan mà thôi. Chúng ta không thích hoặc ít đọc sách vì chúng ta quá lười.
Mình hiểu cảm giác của một người khi bắt đầu cầm cuốn sách và đọc những dòng đầu tiên. Quả thật chẳng dễ dàng gì. Mình cũng đã từng như thế. Thực sự làm biếng và thiếu kiên nhẫn. Nhưng trớ trêu thay, việc đọc sách đòi hỏi con người ta một sự kiên trì nhất định. Và đa số chúng ta đều thiếu điều đó. Chúng ta quá lười. Lười trong mọi việc.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, theo mình nguyên căn sâu xa của bệnh lười là do chúng ta không tìm được sự hứng thú, mục đích của việc mình đang làm. Thử nghĩ mà xem, nếu được làm một công việc đúng với sở thích chắc chắn ta sẽ hào hứng hơn so với việc phải làm một công việc mình không thích đúng không? Nhưng cuộc sống đâu có cái nào dễ dàng. Bạn muốn một kết quả tốt đẹp nào đó phải gắng công mà đạt lấy. Nói vậy để các bạn hiểu rằng chúng ta phải thay đổi để trở nên tốt hơn. Sự lười biếng cần phải được chấm dứt hoặc cải thiện bằng mọi cách. Nếu bạn tin tưởng những lợi ích từ việc đọc sách thì phải thay đổi thôi.
Những nhầm tưởng về việc đọc sách
Mình quan sát một số người không thích đọc sách hay bao biện rằng sách vở chỉ là lý thuyết, sống thực còn không được nữa huống gì cậy vào mấy quyển sách. Hay sách nói thế thôi chứ cứ thử ra ngoài cuộc sống đi, có áp dụng được xíu nào đâu. Chính vì những thành kiến đó nên một số người không thích đọc sách cho rằng người thích đọc sách thường nói triết lý văn vẻ dạy đời, nói được mà không làm được.
Hay gần đây, mình có đọc bài viết lo lắng của người anh dành cho cô em gái tầm 22 tuổi của mình về chứng “nghiện mua sách” quá độ. Nhưng mục đích của việc mua sách không phải là để đọc, mở mang hiểu biết mà để chụp hình đăng trên facebook, instagram và các hội nhóm “mọt sách”. Có những cuốn sách mới tinh, chưa tháo bọc nilon, chưa đọc hết 2 trang đã lại mua một chồng sách mới. Vấn đề với “nghiện mua sách” bạn cũng không thể phản đối tiêu cực như nghiện check-in cà phê, trà sữa, nghiện mua sắm… Vì lý do được đưa ra là “Mua sách tốt mà”.
Mình thấy đây điều thấy là những quan điểm, cách nhìn lệch lạc về mục đích đọc sách. Đọc sách không phải để khoe mẻ, cũng không phải để trưng diện, làm cao. Mình đồng ý rằng, không phải cuốn sách nào cũng phù hợp, cuốn hút và áp dụng được vào thực tế. Nhưng không thể vì những điều chưa hoàn thiện mà đánh giá sai lệch về việc đọc sách như thế. Đọc sách là một quá trình thu nạp, sàng lọc kiến thức, khiến thế giới quan, tâm hồn người đọc thay đổi.
Bạn đọc sách của người thành công không có nghĩa là bạn sẽ trở thành người thành công như thế. Nhưng thông qua đó, bạn biết rằng người thành công đã làm gì, đã trải qua những va chạm vấp váp gì để trở nên vĩ đại. Bạn sẽ có thể rút ra bài học cho chính bản thân mình.
Bạn đọc sách về nhân sinh, minh triết để hướng tới cách sống hiền hòa, khiêm tốn hơn. Bạn đọc văn học, tiểu thuyết để tâm hồn rộng mở, bay bổng, yêu đời hơn. Bạn đọc sách về khoa học, kỹ thuật để hiểu biết về thế giới huyền bí, về những khám phá khoa học mà không phải ai ai cũng có thể chia sẻ đến bạn. Tóm lại, việc đọc sách mang lại những giá trị hữu ích cho chính bản thân bạn chứ không cao siêu, xa vời như bạn tưởng.
Lời kết
Tất nhiên ở nội dung bài viết, mình không kể đến đây những nguyên nhân vĩ mô ảnh hưởng đến thói quen đọc sách như số lượng, chất lượng đầu sách, nhà xuất bản, thư viện hay văn hóa đọc của quốc gia… Các vấn đề đó vĩ mô đó nhà quản lý chắc chắn sẽ cải thiện dần dần. Mình cũng không can thiệp được. Nhưng trước khi chờ những giải pháp vĩ mô của Nhà Nước thì mình hy vọng, mỗi người nếu có thể tự thay đổi bản thân trước thì thói quen đọc sách của dân tộc mình sẽ tốt hơn.
Và một điểm nữa, dựa trên những nguyên nhân đã phân tích, mỗi chúng ta sẽ có những giải pháp để áp dụng cho bản thân và gia đình, giúp hình thành nên thói quen đọc sách. Từ gia đình sẽ hình thành những nhóm cộng đồng nhỏ yêu thích sách. Từ những cộng đồng nhỏ như thế sẽ tác động đến toàn xã hội.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc những chia sẻ tâm huyết của mình. Mình cũng sẽ cố gắng để tổng hợp một bài viết nữa chia sẻ những kinh nghiệm hình thành và duy trì thói quen đọc sách. Nếu bạn thích bài viết, có thể like/ share hoặc cùng comment bên dưới để chúng ta thảo luận thêm nhé.