Giận thực sự là một cuốn sách nhẹ nhàng và sâu sắc về cơn giận qua góc nhìn Phật pháp. Một góc nhìn rất mới lạ, đầy yêu thương cùng những hướng dẫn chi tiết để chuyển hóa cơn giận từ người Thầy hiền hòa, nhiều đức độ.
- Review sách Đường Xưa Mây Trắng – Theo Gót Chân Bụt
- Top 08 cuốn sách hay nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Công việc và cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực khiến con người ta cứ bị cuốn đi, dồn nén và tiêu cực. Khi không kiểm soát được cảm xúc bản thân thì phát sinh ra bao nhiêu là bực dọc, mệt mỏi, đánh mất dần yêu thương, khiến không khí xung quanh ta cứ ngột ngạt. Nếu bạn có đôi lần gặp phải những tình huống như thế thì Giận chính là cuốn sách dành cho bạn. Thông qua Giận, mình tin bạn sẽ hiểu thêm được rất nhiều thông điệp, biết yêu thương, bao dung với mọi người hơn. Giờ hãy cùng mình review về cuốn sách hay Giận này nhé.
Thấu hiểu gốc rễ, bản chất cơn giận từ bên trong
Khi ai đó làm ta giận, ta thường cho rằng chính người đó đã làm cho ta khổ. Ta đổ lỗi hoàn toàn cho người đó. Tuy nhiên nếu xét cho thật kỹ ta sẽ khám phá ra rằng cơn giận đã có sẵn trong ta dưới hình thức một hạt giống – hạt giống giận. Hạt giống giận trong ta mới là nguyên nhân chính làm ta giận và khổ. Có rất nhiều người cũng gặp hoàn cảnh giống ta mà lại không nổi giận như ta. Cũng cùng một lời nói, cùng một cử chỉ mà người kia thì giữ được bình tĩnh trong khi ta lại giận dữ. Tại sao lại như thế? Có thể là vì hạt giống giận trong ta quá mạnh mẽ. Vì ta không có cơ hội tu tập, chăm sóc cơn giận nên hạt giống giận đã được tưới tẩm và phát triển quá nhiều. Hạt giống giận đã mạnh hơn những hạt giống của yêu thương và hiểu biết.
Đó chính là những lời Thầy Thích Nhất Hạnh phân tích về nguyên nhân và bản chất sâu xa của cơn giận. Nếu chúng ta thấy được như thế và tin được như thế, chúng ta sẽ không còn trách móc người hoặc hoàn cảnh làm cho ta giận, ta khổ nữa. Chúng ta sẽ biết rằng, ngoại quan đó chỉ là những nguyên nhân thứ yếu của niềm đau nỗi khổ của ta. Chúng ta sẽ không giải quyết theo xu hướng trẻ con là đuổi theo trừng phạt người làm cho ta giận nữa mà sẽ quay về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình.
Mình nghĩ đó là nhận thức tuyệt vời đầu tiên và là tiền đề để mọi người có thể thực hành theo những lời hướng dẫn tiếp theo của Thầy.
Thông điệp chính của cuốn sách – Cách chuyển hóa cơn giận trong chính mình
Theo như tác giả, cơn giận không phải là kẻ thù. Cơn giận là em bé do chính ta thai nghén và cho ra đời. Cơn giận giống như bao tử, hay buồng phổi, là một phần của bản thân ta. Cơn giận là một cảm xúc sai lầm nhưng không xấu xa, không nên ghét bỏ. Hãy chấp nhận rằng bạn đang giận. Đừng cố chối bỏ hay giả bộ rằng chúng không tồn tại. Càng giấu kín, càng kìm nén, cơn giận càng âm ỉ, từ đó dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm. Hiểu được điều đó rồi, chúng ta sẽ phải biết ôm ấp và chăm sóc cơn giận như một người mẹ chăm sóc đứa con mình, để biến cơn giận thành yêu thương, biến rác thành hoa.
Để chuyển hóa cơn giận của bản thân, Thầy cũng đưa ra rất nhiều giải pháp và hướng dẫn cụ thể. Mình có thể tóm lược một vài thông tin mình rút ra được như sau:
Thực hành chánh niệm
Đầu tiên, khi phát hiện cơn giận, bạn nên thực hành ngay hơi thở chánh niệm, bước đi chánh niệm. Thực sự thì bản thân mình cũng vẫn còn u minh về định nghĩa của từ ngữ này, nhưng có thể hiểu nôm na là bạn chú tâm vào hơi thở, khi thở vào thì mình biết là thở vào, khi thở ra thì biết là thở ra. Ta có thể đi từ góc phòng này đến góc phòng kia, ý thức bàn chân ta đang tiếp xúc với mặt đất. Từng bước chân kết hợp với hơi thở nhịp nhàng, ta biết được ta đang đi, đang thở. Nghĩa là hoàn toàn tập trung và để ý vào việc mình đang làm, đầu óc không để vấn vương bất cứ việc gì của quá khứ và tương lai tác động. Thực tập như thế, ta có thể thay đổi cả cuộc đời.
Mà quả thật là mình tin như thế. Khi bạn thực sự tập trung vào việc thực hành chánh niệm như thế, giây phút đó, cơn giận đã nguôi ngoay đi phần nào mà đến cả bản thân bạn cũng không biết.
Chấp nhận và quan sát cơn giận, thấu hiểu thay vì từ chối hoặc bỏ mặc chúng
Khi đã thực tập chánh niệm và phần nào bình tĩnh lại, bạn hãy quan sát cơn giận. Như đã chia sẻ ở phía trên, cơn giận là một phần bản thân của mình. Khi bao tử hay buồng phổi bị bệnh, ta không bao giờ nghĩ đến chuyện cắt bỏ nó. Cơn giận cũng như thế. Có thể ẩn sâu dưới cơn giận là những nỗi buồn đau, nỗi cô đơn, sợ hãi mà ta không dám đối diện. Hãy im lặng quan sát, hãy tập trung, từ tốn, không phán xét.
Tiếp theo, hãy ngắm nhìn thật kỹ người bạn cho rằng đã làm bạn giận và khổ. Hãy tìm hiểu xem họ đang mang trong mình nỗi đau gì mà lại gây ra hành động như thế. Ví dụ, dưới vỏ bọc hay xem thường bạn là một tâm hồn từng bị người khác khinh thường vì ngoại hình, gia cảnh hay học vấn… Hãy nhìn người khác ở một tầng sâu hơn để phát hiện ra những sự thật bị ẩn giấu. Lúc này, bạn sẽ hiểu rằng, ai cũng có nỗi khổ tâm riêng. Từ đó bạn mới có thể trở nên bao dung và từ bi hơn với mọi người.
Chỉ khi bạn có được sự bao dung, bạn mới có thể thực sự tha thứ. Tha thứ không phải vì đối phương, mà vì chính bạn. Chỉ có tha thứ, bạn mới trở nên thoải mái, tự do và hoàn toàn thoát khỏi những đau đớn, ấm ức bên trong mình. Khi ấy, bạn mới có thể vui vẻ sống cuộc đời của riêng mình mà thôi bị những tổn thương làm nhức nhói.
Trao đổi với đối phương về cơn giận với tâm bình tĩnh và ái ngữ
Sau khi thực hành hai bước trên, bạn hãy tìm cơ hội nói cho người khác biết về cảm xúc của mình. Bạn không nên để cơn giận trong lòng quá 24 tiếng. Bởi càng để lâu, lòng sân hận càng rút cạn năng lượng trong con người mình. Hãy nhớ trò chuyện bằng tâm bình tĩnh và lời lẽ ái ngữ (không làm tổn thương đối phương). Dưới đây là 3 nội dung nên nói khi giận mà mình thấy Thầy khuyên rất hay. Còn thực tập hay không cũng là do bạn quyết thôi. Nhưng mình thành thật khuyên bạn hãy viết chúng trong một cuốn sổ nhỏ hoặc bản note trong điện thoại để mà dùng suốt đời.
Nội dung 1: Cho người khác biết rằng bạn đạng giận và vì nguyên nhân nào. Nói thẳng hết những điều bạn muốn nói ra, những lời đang dâng trào trong lòng bạn. Lời nói ấy không cần cao thượng hay khách sáo, mà phải thật chân thực. Khi bạn nói ra, không chỉ bạn được giải toả, mà tâm tư của người kia cũng sẽ được nhẹ nhàng hơn bởi có thể họ cũng đang rất bận tâm về nỗi khổ của bạn.
Nội dung 2: Hãy nói với họ rằng bạn đang cố gắng hết lòng để chuyển hoá cơn giận của chính mình.
Nội dung 3: Mong muốn sự giúp đỡ, hỗ trợ từ đối phương.
Khi nỗi lòng của bạn được truyền tải chân thành, đối phương tất nhiên cũng sẽ cởi mở đón nhận. Khi biết bạn đang cố gắng hết lòng, chăc chắn họ cũng sẽ thành tâm cùng bạn bước qua. Nếu bạn cảm thấy khó mở lời, hãy viết. Viết một cách chân thành, sử dụng ái ngữ, đọc đi sửa lại cho đến hài lòng mới thôi.
Sau khi trao đổi, đừng vội hành động gì mà hãy dành cho nhau vài ngày để nhìn sâu sắc vào gốc rễ cơn giận. Khi đã hiểu thấu nguyên nhân của cơn giận và thực sự bình tâm, hãy hẹn nhau 1 ngày để cùng nhìn lại và giải đáp những thắc mắc cả hai. Ngày nào trong tuần cũng được cả, nhưng đẹp nhất vẫn là Thứ Sáu, vì sau khi giải quyết xong, cả hai bạn đều có cuối tuần tươi đẹp.
Những thông điệp giá trị khác từ cuốn sách
Lắng nghe với tâm từ bi
Biết đâu trong hoàn cảnh nào đó, bạn lại là một nguyên nhân ngoại quan của một cơn giận dữ. Để có thể chuyển hóa cơn giận của người khác, bạn cần thực tập 2 kỹ năng: lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ái ngữ.
Nghe với tâm từ bi là nghe mà không phán xét, không trách móc (dù biết rằng họ đang sai), nghe chỉ để thấu hiểu, đồng cảm, để người kia có cơ hội giãi bày tâm tư của mình. Khi lắng nghe một cách sâu sắc như vậy, ta mới hiểu được rằng người kia cũng đang KHỔ vì tâm bạo động và sân hận của chính họ. Ta mới hiểu được rằng một người gây nên tội ác & đau khổ cho người khác là vì họ chưa hiểu thấu rằng hành động của họ không chỉ làm người khác đau khổ, mà còn làm cho chính họ tổn thương. Bản chất con người chúng ta không ai hoàn toàn xấu.
Thực hành lắng nghe sâu sắc như vậy giúp chúng ta dần dần hình thành tâm từ bi, lòng yêu thương và bao dung với mọi người.
Cơn giận không phải chỉ là một hiên tượng tâm lý
“Theo lời Bụt dạy, thân và tâm không thể tách rời. Thân chính là tâm và đồng thời tâm cũng chính là thân. Vì thân tâm liên hệ chặt ché và cũng không thể tách rời cho nên cơn giận không phải chỉ là một hiện tượng thuần túy tâm lý”. Y khoa hiện đại cũng đã nhận ra rằng thể xác bị bệnh có thể do tâm thần gây nên và tâm thần bị bệnh cũng có thể do thể xác gây nên. Do đó, muốn chăm sóc cơn giận chúng ta trước phải chăm sóc thân thể. Cách chúng ta ăn uống, tiêu thụ vì vậy rất quan trọng. Chúng ta ăn sân hận cũng dễ khởi phát sân hận. Vì vậy, hãy chọn tiêu thụ những thứ bổ ích cho cả thân và tâm mình.
Hãy hạn chế những thức ăn từ động vật (trước khi bị giết mổ, động vật có trạng thái sợ hãi cực độ). Nên ăn các loại rau được trông theo phương pháp hữu cơ. Rau hữu cơ có thể mắc tiền hơn, bù lại chúng ta có thể tập ăn ít đi. Ăn ít và ăn đúng là điều có thể thực tập được. Ngoài ra, hãy hạn chế những thức ăn độc hại cho tâm hồn như báo chí, tin tức tiêu cực, bức xúc, các phim truyền hình đầy lưu manh, thủ thuật…
Lời kết
Cuốn sách nào của Thầy Thích Nhất Hạnh cũng đều có điểm chung là giọng văn êm đềm, nồng ấm, như lời tâm tình, chia sẻ. Khi bạn đọc cảm thấy rất nhẹ nhàng và thư thái cho tâm hồn. Giận cũng là một cuốn sách như thế mặc dù chủ đề nó nói đến khá căng thẳng. Giận không có quá nhiều từ ngữ chuyên sâu pháp tu nhà Phật nên nó rất dễ hiểu, đơn giản, mọi người ai cũng có thể đọc, tiếp nhận và thực hành theo.
Một vài nội dung được lặp lại nhiều lần trong sách mà mình nghĩ là không thực sự cần thiết. Ai có trí nhớ tốt mà phải đọc lại một ý tưởng có thể cũng hơi không thích. Nhưng với một người chóng quên như mình thì thấy cũng không có vấn đề gì quá lớn, hihi.
Nên tóm lại Giận là một cuốn sách hay mình recommend đến mọi người. Cuốn sách không những giúp ta hiểu và chuyển hóa cơn giận mà còn có thể chiêm nghiệm về hạnh phúc nữa.
Trên đây là toàn bộ review của mình về cuốn sách Giận của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nếu bạn thích bài viết, có thể like hoặc share để ủng hộ mình nhé. Và đừng quên tậu ngay một cuốn để có thể tự mình cảm nhận bạn nha.