Nối gót Patrick Modiano trong Những Đại Lộ Vành Đai và Éric Fottorino trong Những Nụ Hôn Điện Ảnh, nhà văn Pháp Sorj Chalandon để lại dấu ấn rất đậm nét trong lòng người đọc với cuốn tiểu thuyết Nghề Nghiệp Của Bố.
Tác phẩm của ông dịu dàng nhưng cũng đầy căm phẫn, chứa tình yêu, lòng thù hằn, niềm hy vọng và cả sự tha thứ. Được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh cùng tên năm 2020, Nghề nghiệp Của Bố mang đậm dấu ấn văn chương Pháp, khó có thể lãng quên.
Quá khứ biến động
Nếu Modiano và Fottorino thuộc tuýp nhà văn truy sâu vào ký ức với những dấu vết là làn sương mờ nhạt của trí nhớ đang dần suy kiệt, có thể thấy, Sorj Chalandon đầy hiện thực và sống động hơn thế với câu chuyện trong cuốn sách này.
Nghề nghiệp của bố là câu chuyện về cậu bé Émile giữa những đan xen lúc ấu thời và khi trưởng thành, trong mối quan hệ với người cha và gia đình dường như cách biệt khỏi xã hội của mình.
Ở đó, cha cậu, người dường như có lai lịch bất định, vừa là một mục sư lại vừa là lính nhảy dù, ca sĩ, mật vụ, thầy dạy judo, nhân viên bưu tá, thủ môn và nhiều ngành nghề khác, nếu ta có thể kể ra.
Người cha ấy được khắc họa với dáng vẻ nghiêm khắc cực độ. Ông đầy ý chí cách mạng và lòng kiêu hãnh thượng tôn Pháp quốc. Có thể nói ông mang trong mình ngòi bom nổ chậm, nóng nảy, ngạo mạn nhưng cũng đôi khi trầm lặng đến không ngờ.
Trong một khoảnh khắc nào đấy, Sorj Chalandon cho người đọc cảm giác nhân vật của mình đang mang căn bệnh tâm lý hay chứng rối loạn lưỡng cực. Đôi khi, đó là mong muốn cả nhà tụ họp đông đủ lắng nghe tướng de Gaulle phát biểu, nhưng cũng có lúc đầy căm phẫn với tiếng chửi rủa và ngôn ngữ tục tĩu dành cho vợ, hành động bạo lực con mình.
Nhưng bất ngờ hơn là cả người mẹ và chính bản thân Émile dường như chịu đựng điều đó. Mẹ cậu là người dịu dàng, đầy vẻ cam chịu, luôn mơ màng và hiếm khi lắng nghe những gì chồng nói. Bà u sầu và có nhiều bí mật cất giấu trong tim. Với một người chồng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, bà thì thào với những bước chân nhẹ bẫng, với tạp dề, món súp rau củ và luôn lo lắng, e ngại đám đông.
Bà không chỉ một lần can dự vào những trận đòn ông trút xuống Émile. Bà cũng là nạn nhân trong chính những trận bất đồng ấy. Thế nhưng, với câu cửa miệng “Rằng bố là như thế đấy” hay “Con biết thế mà phải không?” như những lời an ủi con mình sau những trận đánh, bà cho thấy ẩn sâu trong mình là một tình yêu. Nếu không yêu người đàn ông nhiều đến thế, có lẽ, bà không thể chịu được những năm tháng đó.
Về phía Émile, cậu như trang giấy trắng, chịu những ảnh hưởng từ phía bố mình. Cậu tin điều ông nói, lặp lại những gì ông làm với mình lên Luca – bạn vừa mới sang Pháp từ vùng chiếm đóng Algeria. Émile liệu có thật sự đáng trách hay không? Chắc hẳn là không, vì cậu là đứa trẻ và hơn hết cậu ngây thơ, tôn thờ cha mình.
Nỗi cô độc của Émile trong căn nhà dường như cách biệt khỏi xã hội khiến ta thương cảm cho sự mong manh và yếu ớt nơi cậu. Cậu làm bạn với những nét vẽ trước trận cuồng phong của cha mình.
Trong căn nhà mà không một ai gần gũi với nhau, cậu tự hào và đầy hạnh phúc trước lời khen nhưng cũng ám ảnh và sợ sệt với những lằn thắt lưng in trên da thịt, với cách trừng phạt trong “trại cải tạo” là tủ quần áo.
Hiện thực đứng yên
Câu chuyện được viết xen kẽ giữa hai dòng thời gian của quá khứ trong thời ấu thơ và hiện tại của những ngày người cha trong cơn lãng quên. Những ám ảnh tuổi thơ hiện về rõ nét với Émile, nhất là trong căn nhà mới nhưng thật quen thuộc mà cha mẹ cậu đã chuyển vào rất lâu trước đó.
Bỏ qua hết mọi sự phản kháng của khoảng thời gian trước đó, ngay cả khi Émile muốn quay trở về giới thiệu con trai Clément của mình cho hai ông bà, gia đình ấy tiếp tục dựng cho mình một vỏ bọc, nhưng nay không phải với người ngoài mà còn đối với chính cậu bé.
Lớp vỏ đau thương và mong manh ấy có thể được giải thích như sự đau khổ của người mẹ và cái nhợt nhạt của cha. Ông ngày càng cận kề tuổi già cũng là khi bà bắt đầu có tiếng nói. Trong căn nhà ám mùi chua gắt và đầy u tối ấy, bà chưa bao giờ giữ chân cậu lâu, dù là một bữa cơm hay cốc nước. Liệu bà e ngại về sự nhu nhược nơi mình, thấy có lỗi khi không bảo vệ được con ở tuổi ấu thời vì bất lực chăng? Dường như là vậy.
Bà luôn yêu thương và mong ngóng cậu, nhưng chắn trước tình cảm thiêng liêng ấy luôn là mặc cảm của sự tuyệt vọng. Émile hiểu và dường như chẳng bao giờ cậu cho Clément những gì mình đã trải qua.
Chính những ánh xạ trong khoảng thời gian có với cha mình đã khiến cậu hiểu, cảm thông và tha thứ cho ông. Cậu yêu thương con mình. Cậu vô thức lặp lại tên Ted trong lần thả diều và chính điều ấy cho thấy quá khứ chưa khi nào buông rời cậu.
Thế nhưng, chính ở đám tang, khi bà cố lừa để cần một cái ôm từ con trai, còn buổi viếng tang diễn ra chóng vánh trong sự lạnh tanh, đó dường như là tiếng thở hắt, niềm tự do, sự mong ngóng mà cả hai người họ đều cảm thấy.
Họ một mặt nào đấy đều yêu cha, chồng của mình nhưng với bóng ma mà ông ấy đã sống đầy ngông cuồng và bạo lực, cái kết là điều tốt nhất cho cả ba, như câu cuối Émile nhớ được về dáng hình bà, rằng: “Mẹ tôi, người thoát nạn chẳng chút nào giận dữ, không chua xót, cũng chẳng thù hằn. Bà bình thản xóa đi người chồng của mình”.
Nghề nghiệp của bố là cuốn sách rất cảm động và nhiều nút thắt. Sorj Chalandon đã không hiển hiện sự đồng cảm ấy ở những chi tiết hay câu từ. Nó chỉ đến sau những giây phút thinh lặng, có phần trống rỗng khi ta rời bỏ cuốn sách đến trang cuối cùng.
Ở đó, ta nghĩ về các nhân vật và hít thở vào bầu không khí mà tiểu thuyết này mang lại, để thấy Sorj Chalandon là nhà văn tài tình. Ông dẫn người đọc vào mê cung của mình, để mê hoặc họ, để phiến dụ họ đến một câu chuyện vừa nao lòng mà cũng đầy tổn thương về những mối quan hệ gia đình.
Theo ZingNews.