Người đọc Trung Quốc ví von Xuân Tóc Đỏ trong “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng có điểm giống nhân vật “Vi Tiểu Bảo” của truyện Kim Dung.
Tiểu thuyết do Nhà xuất bản Văn nghệ Tứ Xuyên phát hành hồi tháng 8, người chuyển ngữ là Hạ Lộ – phó giáo sư ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á, khoa Ngoại ngữ, Đại học Bắc Kinh. Cô cũng là người từng dịch Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh sang tiếng Trung.
Trên Douban – diễn đàn phim ảnh, sách, âm nhạc lớn nhất Trung Quốc, 64% độc giả chấm tiểu thuyết 5 sao (mức tích cực nhất). Hầu hết bình luận khen ngợi tác phẩm. Tài khoản Yểu Điệu Phi viết: “Thật sự rất hay. Xuân Tóc Đỏ như thể Vi Tiểu Bảo của Việt Nam? Tất cả nhân vật đều cực kỳ sinh động, câu chữ vừa sâu cay vừa trào phúng”. Địa cầu Minh Minh cho biết: “Lần đầu tiên tôi đọc tác phẩm văn học Việt. Tiểu thuyết vừa hoang đường vừa chân thực. Từ ngữ hiện đại của dịch giả làm tác phẩm gần với cuộc sống hiện nay. Sách rất thú vị”.
Các độc giả khác viết: “Đọc xong sách, tôi hiểu vì sao tác giả được gọi là Balzac của Việt Nam. Tác phẩm như một Tấn trò đời phiên bản Việt, đậm chất hài hước, châm biếm. Mỗi nhân vật và sự việc đều như một tấm gương phản ánh những hình hài của cuộc đời. Nếu tác phẩm được chuyển thể thành kịch sẽ rất hay”, “Tiểu thuyết hấp dẫn vượt qua tưởng tượng ban đầu của tôi, đọc một mạch hết luôn”, “Tôi rất tò mò Việt Nam còn những kiệt tác nào nữa. Các giảng viên ở Đại học Bắc Kinh đều là những dịch giả tuyệt vời”…
Trong phần Lời bạt của cuốn sách, phó giáo sư Hạ Lộ viết năm 2000, khi du học ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, cô thấy nhiều nhà sách đều bày bán Số đỏ, vì thế mua đọc. Sau khi về Trung Quốc làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, cô tổ chức các buổi thảo luận về Số đỏ cùng sinh viên, giảng viên ngành Tiếng Việt. Vì vậy, khi Bộ Giáo dục Trung Quốc triển khai hạng mục “Biên dịch, nghiên cứu văn học hiện đại và đương đại Đông Nam Á”, cô nghĩ ngay đến chuyển ngữ Số đỏ.
Hạ Lộ đánh giá tác phẩm mang phong cách nghệ thuật độc đáo, được dịch sang tiếng Anh và xuất bản ở Mỹ từ đầu thập niên 2000, là tác phẩm cần đọc của những người nghiên cứu về Đông Nam Á tại các trường ở Mỹ. Số đỏ còn được dịch sang tiếng Italy, Czech nhưng người Trung Quốc – vốn nhiều nét tương đồng văn hóa với người Việt – lại ít biết về tiểu thuyết. Vì vậy, phó giáo sư cho rằng chuyển ngữ tác phẩm là công việc giàu ý nghĩa.
Theo Hạ Lộ, Số đỏ ra đời từ năm 1936 nhưng đến nay, người đọc vẫn thán phục hành văn tân tiến của tác giả. Những điều Vũ Trọng Phụng phản ánh bấy giờ vẫn có giá trị thời đại, làm cô cảm thấy tác giả dường như đang sống cùng thời.
Tuy nhiên, vì ngôn từ độc đáo, Hạ Lộ gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển ngữ. Cô tìm đọc nhiều tư liệu từ thập niên 1930 để tìm hiểu bối cảnh, sự vật, sự việc được nhắc đến trong tiểu thuyết. Quá trình hiệu đính, Hạ Lộ còn đối chiếu bản tiếng Trung với bản dịch tiếng Anh của vợ chồng giáo sư Nguyễn Nguyệt Cầm và Peter Zinoman, từ đó phát hiện một số vấn đề trong bản tiếng Trung của mình. Ngoài ra, Hạ Lộ còn được nhiều đồng nghiệp, bạn bè người Việt giúp đỡ trong quá trình dịch thuật.
Viết lời tựa cho bản dịch là ông Bành Thế Đoàn, Tham tán văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Ông nhận xét các cuộc hội thoại, tình tiết và nhân vật trong Số đỏ sinh động, khó quên. Việc chuyển ngữ sang tiếng Trung mang ý nghĩa tích cực, giúp độc giả Trung Quốc hiểu thêm về sự phát triển của nền văn học Việt.
Số đỏ đăng trên báo trong nước lần đầu năm 1936 và được in thành sách năm 1938. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Xuân, biệt danh Xuân Tóc Đỏ. Từ một kẻ bị coi là hạ lưu, Xuân bước vào tầng lớp danh giá với các danh xưng như “giáo sư y khoa”, “giáo sư quần vợt”… Sau 85 năm ra đời, tiểu thuyết vẫn có sức sống mãnh liệt.
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là hiện tượng của văn đàn. Ông công bố truyện ngắn đầu tiên Chống nạng lên đường năm 18 tuổi. Từ 1930 đến 1939, Vũ Trọng Phụng viết được 28 truyện ngắn, chín tiểu thuyết, tám tập phóng sự, sáu vở kịch và dịch thuật cuốn Giết mẹ của Victor Hugo. Ngoài ra, Vũ Trọng Phụng viết hàng trăm bài tranh luận, phê bình về văn học, văn hóa và các vấn đề xã hội khác. Trong đó, ba tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ và Vỡ đê đều công bố vào năm 1936. Nhà văn từng lý giải vùi vào làm việc nhằm kiếm tiền nuôi bà nội, mẹ, vợ và con gái. Ông mất ở tuổi 27 vì bệnh lao phổi.
Theo Nghinh Xuân.