Những năm gần đây, nhiều cuốn sách địa chính trị đã được dịch sang tiếng Việt và được độc giả đón nhận nồng nhiệt.
Lâu nay, khi giới thiệu một vùng đất, một thành phố, người ta không thể không nhắc tới vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của vùng đất, thành phố ấy. Đó là những yếu tố định hình nên vùng đất, cả về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội. Thế nhưng, vai trò của vị trí địa lý lại thường bị bỏ qua trong các kiến giải về lịch sử. Nhận thấy tầm quan trọng của yếu tố địa lý, ngày càng nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu chủ đề này. Theo Robert D. Kaplan, tác giả cuốn sách Sự minh định của địa lý, vấn đề địa lý chưa từng bị bỏ qua, nhưng dường như nó đã bị lãng quên.
Làm nên sức hấp dẫn cho những tác phẩm này, ngoài chủ đề địa chính trị đang ngày càng được quan tâm thì còn là bởi lối viết dễ đọc, dễ tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả. Cùng Sách Yêu điểm qua những cuốn sách địa chính trị hay của Tim Marshall được bán chạy thời gian gần đây.
1. Những Tù Nhân Của Địa Lý
Trong cuốn sách Những tù nhân của địa lý, tác giả Tim Marshall đưa ra mười quốc gia, vùng địa lý lớn như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Tây Âu, châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ và Pakistan, Triều Tiên và Nhật Bản, châu Mỹ Latin và Bắc Cực, mà ở đó địa chính trị là nhìn vào “các vấn đề quốc tế có thể hiểu được thông qua các nhân tố địa lý; không chỉ là cảnh quan tự nhiên – như những rào cản tự nhiên của núi non hoặc sự kết nối của mạng lưới sông ngòi – mà còn cả về khí hậu, nhân khẩu, các khu vực văn hóa và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên”.
Theo tác giả, những nhân tố này có thể tác động quan trọng đến nhiều khía cạnh của nền văn minh, từ chiến lược chính trị và quân sự cho đến sự phát triển xã hội con người, bao gồm cả ngôn ngữ, thương mại và tôn giáo.
Có lẽ, góc nhìn của một nhà báo với hơn 25 năm kinh nghiệm về tin tức đối ngoại đã giúp cho tác phẩm của Tim Marshall có được sức cuốn hút lớn. Khi được dịch và giới thiệu tại Việt Nam, Những tù nhân của địa lý cũng là một trong những đầu sách được chú ý. Sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả là động lực đưa tác giả Tim Marshall tiếp tục ra mắt hai cuốn sách địa chính trị: Chia rẽ, Quyền lực của địa lý.
2. Chia Rẽ
Chia rẽ lý giải về thời đại của những bức tường khi mà trong thế kỷ XXI, hàng nghìn dặm tường và hàng rào đã được dựng lên dọc theo đường biên giới của ít nhất 65 quốc gia.
Trong Chia rẽ, tác giả không tỉ mỉ liệt kê và phân tích mọi vùng miền, và mọi sự chia rẽ, mà “tập trung vào những khu vực minh họa tốt nhất cho thách thức với bản sắc trong một thế giới đã toàn cầu hóa”. Trung Quốc hẳn là một ví dụ đặc sắc, một quốc gia khổng lồ tưởng chừng thống nhất dưới một chính thể và hệ tư tưởng, nhưng tiềm ẩn nhiều bất ổn tiềm tàng liên quan đến sự chia rẽ trong nội bộ. Hoa Kỳ là ví dụ thứ nhì, với sự kiện Donald Trump đắc cử tổng thống và ấp ủ kế hoạch xây một bức tường khổng lồ để ngăn dòng người nhập cư từ Mexico tràn vào. Vương quốc Anh “đã đứng vững trước những tình cảm dân tộc chủ nghĩa và sự chia rẽ giai cấp và tôn giáo trong quá khứ” nhưng nay một lần nữa lại bị thử thách. châu Âu là một ví dụ minh họa khá rõ cho một xu hướng rạn nứt đang dần thành hình trong một khối liên minh. Trung Đông vẫn sôi sục những tranh chấp xoay quanh vấn đề sắc tộc và tôn giáo. Châu Phi, có hơn 3.000 nhóm sắc tộc, với sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa, và “Bản sắc sắc tộc vẫn áp đảo ở hầu hết các quốc gia”.
3. Quyền Lực Của Địa Lý
Cuốn sách Quyền lực của địa lý tiếp tục bàn về địa chính trị qua khảo sát mười khu vực địa lý đang gia tăng ảnh hưởng đến nền chính trị toàn cầu như Australia, Iran, Hy Lạp…
Trong cuốn sách này, ông tiếp tục khẳng định: “Địa lý là một yếu tố chủ chốt quyết định giới hạn những gì nhân loại có thể và không thể làm. Đúng là các chính trị gia rất quan trọng nhưng địa lý còn quan trọng hơn. Những lựa chọn của con người đang và sẽ không bao giờ có thể tách rời bối cảnh tự nhiên. Xuất phát điểm trong câu chuyện của bất kỳ quốc gia nào luôn là vị trí của quốc gia đó trong mối quan hệ với các nước láng giềng, các tuyến đường biển và tài nguyên thiên nhiên”.
Bên cạnh các cuốn sách địa chính trị dịch từ nước ngoài, còn có một số đầu sách của tác giả Việt nhưng đa số là ở dạng giáo trình, sách nghiên cứu như Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia, Địa – chính trị thế giới… Hy vọng trong thời gian tới sẽ có những cuốn sách địa chính trị hay của tác giả trong nước để người đọc cùng thưởng thức.