Không cốt truyện ly kỳ, dồn dập, cũng không gây chấn động mạnh, bứt rứt cho độc giả, Giết Con Chim Nhại đề cập tới các vấn đề “nóng” cuả xã hội một cách nhẹ nhàng và tinh tế. Tác phẩm không tác động quá mạnh để cảm thấy đau thương hay thù hằn, nhưng vẫn đủ để mọi người xót xa, tự suy ngẫm và cảm nhận.
Xem thêm: Cây cam ngọt của tôi – Hành trình khám phá tình yêu và nỗi đau
Đôi nét về tác giả
Harper Lee tên đầy đủ là Nelle Harper Lee Harper Lee, sinh ngày 28/4/1926, là con út trong gia đình có 4 người con ở tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ.
Có thể nói, Nelle Harper Lee là một hiện tượng đặc biệt khi chỉ với 1 tác phẩm duy nhất đã đưa bà trở thành nữ nhà văn nổi tiếng thế giới. Và đặc biệt hơn nữa khi cả cuộc đời sáng tác văn học của Harper Lee chỉ có 2 tác phẩm, cách nhau tới 55 năm.
Đôi nét về tác phẩm Giết Con Chim Nhại
Harper Lee đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết Giết Con Chim Nhại (To Kill The Mockingbird) vào năm 1959 sau hai năm rưỡi miệt mài. Ngay sau khi được xuất bản năm 1960, cuốn tiểu thuyết đã khiến cả nước Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung phải “dậy sóng” bởi nội dung độc đáo, táo bạo của mình. Giết Con Chim Nhại đã trở thành cuốn sách best-seller, bán được hơn 30 triệu bản và sau đó còn bán được cả triệu bản mỗi năm cho đến tận ngày nay.
Tác phẩm này được đánh giá là một trong những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ hiện đại, đã mang về cho Harper giải thưởng Pulitzer danh giá vào năm 1961 cho hạng mục tiểu thuyết. Cũng với Giết Con Chim Nhại, Harper Lee được Tổng thống George W. Bush trao Huân chương Tự do của Tổng thống – Huân chương cao quý nhất dành cho công dân vì những đóng góp của bà cho nền văn học Mỹ.
Tóm tắt nội dung Giết Con Chim Nhại
Giết Con Chim Nhại viết về một gia đình người da trắng Finch tại thị trấn Maycomb, thuộc Albama tiểu bang miền nam nước Mỹ. Câu chuyện được dẫn dắt bởi Scout – cô con gái nhỏ của luật sư đáng kính Atticus Finch.
Phần mở đầu là những câu chuyện thường ngày của 2 anh em Jem 10 tuổi và Scout 6 tuổi. Dĩ nhiên song hành với những hoạt động này là những bài học ý nhị từ người cha được lồng vào khá tinh tế. Biến cố tiêu biểu phản ánh thực trạng xã hội Mỹ những năm thập niên 1930 đồng thời tạo nên giá trị của cuốn sách là việc ông bố Atticus bảo vệ cho một người da đen – Tom Robinson – người bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng và đối mặt với án tử hình. Việc Atticus Finch kiên quyết bảo vệ một người da đen đã gây nên những dị nghị, miệt thị nhất định cho ông và cả 2 con.
Cao trào nhất là cảnh phiên tòa diễn ra. Atticus Finch dùng hết mọi ngôn từ, lập luận, chứng cứ để chứng minh sự vô tội của Tom Robinson. Bất cứ ai ở phiên tòa cũng có thể nhận ra là người đàn ông da đen này vô tội. Tuy nhiên, ở cái xã hội đầy định kiến, phân biệt chủng tộc, tất cả lý lẽ cũng đều thua màu da. Cuối cùng anh chàng da đen vẫn bị kết tội tử hình. Vì quá hoảng sợ anh vượt ngục, cảnh sát phát hiện và anh bị bắn. Một cái kết đáng buồn.
Giá trị nhân văn của Giết Con Chim Nhại
Chim nhại là một hình tượng xuyên suốt tác phẩm. Chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược con người, chúng không làm gì khác ngoài hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Chúng là biểu tượng của sự trong sáng và tốt đẹp. Do đó, giết chim nhại là một tội lỗi. Hình ảnh này được tác giả xây dựng thành một biểu tượng cho sự thơ ngây, trong sạch và những con người thiện tâm nhưng bị hủy hoại, theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, vì cái xấu của xã hội. Trong tác phẩm, chim nhại được gắn với hình ảnh những nạn nhân vô tội trong thị trấn Maycomb, trong đó có Tom Robinson và Boo Radley.
Ông Underwood coi việc bắn chết Tom Robinson giống như giết chết những con chim ưa hót. Tom Robinson, người đàn ông da đen khuyết tật, hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng. Anh sẵn sàng giúp đỡ Mayella Ewell mà không kể công hay thù lao. Thậm chí anh còn thương xót, rất tiếc cho cô, một người da trắng vô ơn và cố tình gán họa đẩy anh vào chỗ chết. Tác giả cũng cất lên một tiếng thở dài tiếc nuối về cái kết bất hạnh cho cuộc đời Tom Robinson: “Bố Atticus đã sử dụng mọi công cụ sẵn có cho người tự do để cứu Robinson, nhưng trong tòa án bí mật của trái tim con người, bố Atticus không có cơ hội. Tom đã chết kể từ lúc Mayella Ewell mở miệng gào lên…” Hình ảnh của anh không khỏi khiến độc giả đau xót.
Hay Scout nghĩ việc đưa ông Authur (hay còn được gọi Boo Radley) sống khép kín ra trước công chúng giống như giết con chim nhại. Ông từng bị kết án tội gây rối trật tự công cộng và bị mang tiếng là chơi với bạn xấu khi còn trẻ. Vì nỗi xấu hổ đó, ông đã ở trong nhà trong suốt hơn mười năm qua. Bản thân Authur đơn thuần vì không muốn tiếp xúc với xã hội bên ngoài nữa nhưng ông lại bị mọi người biến thành một kẻ nguy hiểm, bí ẩn và xấu xa trong thị trấn.
Hay khi Jem rơi vào khủng hoảng sau khi chứng kiến bất công trong vụ xử Tom cũng là hình ảnh con chim nhại bị giết.
Điểm sáng trong cách xây dựng nhân vật
Hệ thống nhân vật đa dạng với những tính cách rõ nét cũng là một điều thành công của tác phẩm.
Đó là một cô bé Scout có phần hoang dại, không thích bị gò bó, thích tự do làm điều mình muốn, khá mạnh mẽ và hầu như chỉ sợ mỗi Bố Atticus của mình. Đối lập một cách hoàn hảo với nhân vật Scout là bà bác Alexandra – điển hình của một bà bác già, quá truyền thống, thích uốn nắn người khác và phân biệt chủng tộc rõ nét.
Bên cạnh đó, nhân vật Jem – anh trai của Scout – cũng là một cậu bé thú vị, và cùng với Dill, cả ba đã làm nên hình ảnh những đứa trẻ tuy còn bé nhưng đã biết đấu tranh, dù chỉ bằng miệng, cho những gì chúng tin tưởng; đã biết thế nào là đúng, sai trong cái thế giới mà người da đen ở miền Nam nước Mỹ vẫn còn bị xem như những kẻ dơ bẩn, xấu xa, không đáng tôn trọng; đã biết ủng hộ cho công bằng, lẽ phải, mặc dù lẽ phải ấy cuối cùng không thể trở thành hiện thực.
Bà Dubose được xây dựng trên hình ảnh con người già nua, bạo bệnh, khó chịu nhưng ẩn sâu bên trong là một nhân cách vĩ đại đầy can đảm. Atticus đã nói về bà một cách trân trọng như một lời nhắn gửi đến cô con gái bé nhỏ.
Hay đó là Calpurnia – người giúp việc da đen của gia đình Atticus. Vào thời điểm đó, người da đen được mặc định là những kẻ bần tiện, vô học nhưng Calpurnia chính là nhân chứng sống về một người da đen thông thái, tốt bụng. Nhân vật này không được đề cập nhiều nhưng chỉ thông qua một vài trang sách đã toát lên sự hiểu biết và cách cư xử khôn khéo của Calpurnia.
Atticus Finch – Người cha tuyệt vời – Người đàn ông nhân ái
Trong gia đình, Atticus là một người cha mẫu mực, luôn yêu thương và tôn trọng con cái. Ông luôn định hướng, chia sẻ quan điểm cùng các con nhưng không bao giờ gò ép chúng. Cảnh tượng thường ngày khi Scout trèo lên ngồi vào lòng ông và hai cha con xem tin tức thật đáng yêu làm sao. Ông quan niệm rằng “Trước khi Jem nhìn vào bất cứ người nào khác, nó sẽ nhìn vào tôi, và tôi cố sống để tôi có thể thẳng thắn nhìn lại nó…” “Tôi không thể ngoài thị trấn thì sống theo kiểu này còn ở nhà thì sống theo kiểu khác”. Đó cũng có thể là một phần lý do ông sống một cách ngay thẳng, chan hòa và chính trực. Những lời chỉ dạy của cha, cách cha sống đã ảnh hưởng rất lớn đến hai anh em Jem và Scout đang trong tuổi định hình nhân cách.
Xem thêm:
Ông luôn nhìn nhận mặt tốt và xấu của con người, luôn cảm thông và thấu hiểu cho họ, đứng trên quan điểm của họ mà suy xét mọi việc. Ông nhiều lần bảo “Chúng ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kểu của họ”.
Ông cũng là một người nhân ái, hướng đến một thế giới bình đẳng và tin vào khả năng cải thiện của con người. Atticus đã nhắn nhủ con gái một cách mạnh mẽ rằng “Khi con lớn hơn, con sẽ thấy người Da trắng lừa đảo người Da đen mỗi ngày trong cuộc đời con, nhưng hãy để bố nói con nghe điều này và con đừng quên: bất cứ khi nào một người da trắng làm điều đó với người Da đen, bất kể anh ta là ai, anh ta giàu cỡ nào, hoặc anh ta xuất thân từ một gia đình danh giá ra sao, thì người Da trắng đó vẫn là thứ rác rưởi.”
Cậu con trai Jem và cô con gái Scout đã phần nào hiểu được tư tưởng mà ông muốn truyền đạt. “Không, Jem, em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người… Nếu chỉ có một hạng người, tại sao mọi người không thân thiện được với nhau? Nếu tất cả đều giống nhau, tại sao họ lại mất công coi thường nhau?” Những câu hỏi dấy lên trong đầu những đứa trẻ sẽ là tiền đề cho những đấu tranh mạnh mẽ sau này để đưa tất cả mọi người về trạng thái cân bằng, bất kể màu da.
Lời kết
Giết Con Chim Nhại được đánh giá là một trong những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ hiện đại. Nếu bạn mong chờ một câu chuyện căng thẳng, dữ dội và mãnh liệt, sâu cay phản ánh về nạn phân biệt chủng tộc thì có lẽ sẽ hơi thất vọng. Như giới thiệu ban đầu, không cốt truyện ly kỳ, dồn dập, không gây chấn động mạnh cho độc giả nhưng Giết Con Chim Nhại vẫn tác động đủ để mọi người xót xa, tự suy ngẫm và cảm nhận.
Ngoài tính nhân văn của tiểu thuyết, tác phẩm còn cho mình cái nhìn đa chiều về giáo dục. Qua từng câu chuyện, từng tình huống hằng ngày, hoặc thậm chí qua những câu hỏi ngây thơ của con trẻ, bố Atticus luôn cố gắng dạy dỗ con những bài học về lương tâm, về công bằng, về lòng can đảm và về cách nhìn nhận xã hội. Người bố luôn rèn luyện mình để luôn là một tấm gương sáng cho con. Đúng là môi trường gia đình ảnh hưởng khá lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ.
Là một phụ huynh, mình thực sự khâm phục bố Atticus và sẽ phấn đấu như ông. Ở đây, mình cũng có thể thấy sự hạn chế trong giáo dục nhà trường khi giáo viên cứng nhắc, không quan tâm đến nhu cầu của học sinh và hơn cả là họ còn đầy thành kiến, khiến chính bản thân học sinh phải hoang mang. Điều này chắc các nhà giáo dục cũng nên lưu ý trong việc dạy và học hiện nay.