80.000 binh sĩ Kitô giáo ở châu Âu giương chiến kỳ hình thập giá với ý chí “giải phóng thành Thánh Jerusalem” theo hiệu triệu của Giáo hoàng Urban II.
Quyển Cuộc thập tự chinh thứ nhất – Tiếng gọi từ phương Đông (tên tiếng Anh The First Crusade – The Call from the East) của tác giả Peter Frankopan vừa ra mắt bạn đọc trong nước, nội dung về cuộc chinh phạt chấn động lịch sử, diễn ra từ 1095-1099, giữa Kitô giáo phương Tây với Hồi giáo phương Đông.
Peter Frankopan từng được độc giả biết đến với công trình biên khảo sử học đồ sộ – Những con đường tơ lụa. Cuộc Thập tự chinh thứ nhất tiếp tục cho thấy sự nhất quán trong lối tiếp cận lịch sử toàn cầu của ông. Vốn là giáo sư lịch sử tại đại học Oxford, Anh, Frankopan xem phương Đông là trung tâm, nơi khởi phát những biến động lớn của nhân loại trong quá khứ.
Ông trình bày rõ bối cảnh về sự trỗi dậy của người Thổ theo Hồi giáo – nguyên nhân dẫn đến những chao đảo của đế quốc Kitô giáo Byzantium dưới thời hoàng đế Alexios I Komnenos trị vì. Các thành phố cùng Tiểu Á, Constantinople và nhất là Đất thánh Jerusalem dần dần bị người Thổ Hồi giáo thâu tóm trong suốt 20 năm.
Quyển sách làm sống dậy một lịch sử thánh chiến
Ngày 27/11/1095, tại Clermont, Pháp, Giáo hoàng Urban II đọc bản phát động một cuộc hành quân đến Jerusalem để giành lại Thành Thánh, giải cứu những người Kitô giáo đang bị người Thổ Hồi giáo đàn áp.
Một chi tiết quan trọng được tác giả Frankopan chỉ ra cho thấy bản chất của lời hiệu triệu thực ra là đáp lại thông điệp xin viện trợ quân sự của hoàng đế Alexios I Komnenos. Phương Tây lập tức bị kéo vào một cuộc trường chinh mang màu sắc Thánh chiến để đáp lại tiếng gọi từ phương Đông.
Sau hơn 900 năm, qua trang viết của Peter Frankopan, Alexios I Komnenos một lần nữa được đặt vào vị trí trung tâm trong lịch sử cuộc Thập tự chinh. Ông tái hiện cảnh tượng những đạo quân phương Tây rơi rụng dần vì bệnh tật, đuối sức – nhiều người chết trên đường trước khi tận mắt chứng kiến thành Jerusalem, số khác rơi vào những cuộc tàn sát các cộng đồng Do Thái (vì cho rằng họ gây ra cái chết của Chúa Jesus) và giết nhầm cả những người đồng đạo. Sử gia cũng dành nhiều trang mô tả đạo quân của cuộc Thập tự chinh chia rẽ bởi tham vọng của những thủ lĩnh đến từ nhiều quốc gia. Họ không tìm thấy tiếng nói chung và quân đội Thập Tự chinh cũng rơi vào mâu thuẫn quyền lực với hoàng đế của Byzantium…
Các trận chiến Nicaea, Antioch và Jerusalem được Peter Frankopan tái hiện kịch tính. Quân Thập tự chinh tràn vào Jerusalem ngày 15-7-1099 được Peter Frankopan dẫn lại từ một tài liệu: “Gần như cả thành phố tràn ngập xác người chết, nhiều tới mức những người sống sót kéo người chết ra trước cổng thành và chồng lên thành gò cao bằng những tòa nhà”. Hay một mô tả khác bên trong thành: “máu những người bị giết ngập tới mắt cá chân”, có cả những cảnh như mổ bụng người chết để moi cho được những đồng vàng…
Theo Frankopan, sự kiện định nghĩa cho thời Trung cổ châu Âu. Cuộc chinh phạt của phe Kitô giáo đã thay đổi sâu sắc cấu trúc xã hội, dân tộc và kinh tế của Jerusalem – thành phố từng là nơi sinh sống của người Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo suốt nhiều thế kỷ. Cuộc Thập tự chinh thứ nhất với chiến thắng vang dội, nơi người ta nghe tiếng ngợi ca vang lừng bên cạnh tiếng kêu gào tang thương.
Xuất bản lần đầu vào năm 2012, sách mau chóng được bạn đọc, giới học giả thế giới đón nhận. Kênh BBC History nhận xét: “Frankopan có những phẩm chất của một nhà sử học và một nhà văn thực thụ… Thật hài lòng khi thấy quan điểm của người Byzantine về Cuộc Thập tự chinh thứ nhất được viết dưới ngòi bút uyên bác và tinh tế như vậy“. Còn John Julius Norwich, tác giả cuốn Byzantium cho rằng đây là: “Một cuốn sách đáng kinh ngạc, khi kết hợp học thuật với tính tiếp cận đại chúng một cách hoàn hảo. Sự bổ sung quan trọng nhất cho kho tài liệu về Thập tự chinh kể từ thời Steven Runciman”.
Cùng cuốn Những con đường tơ lụa (The Silk Roads), Cuộc thập tự chinh thứ nhất – Tiếng gọi từ phương Đông cho thấy biên khảo công phu từ hàng trăm sử liệu quan trọng. Frankopan thể hiện sách với ngôn ngữ sống động, giúp đại chúng dễ tiếp cận.
Theo Nguyễn An Nam