Với những ai yêu thích văn học Việt Nam thì chắc hẳn những gợi ý mà Sách Yêu giới thiệu dưới đây sẽ không xa lạ. Bởi tất cả đều là tác phẩm văn học Việt Nam kinh điển, mang tính mẫu mực, mang giá trị vững bền với thời gian,
1. Tắt đèn – Ngô Tất Tố
Có thể nói Tắt đèn chính là tác phẩm văn học Việt Nam được nhiều độc giả biết đến nhất. Tác giả đã thành công trong việc xây dựng nhân vật chị Dậu – một con người tiêu biểu cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ. Vì gia đình, chị Dậu sẵn sàng hi sinh tất cả. Dù biến cố cuộc đời luôn thường trực nhưng với ý chí kiên cường, chị vẫn ngời sáng dưới sự áp bức của xã hội nửa thực dân nửa phong kiến.
Cuộc đời chị được Ngô Tất Tố khắc họa bằng những nét đau thương nhất, cùng cực nhất. Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, người đọc khó có thể tìm thấy chút tia sáng nào le lói trong cuộc đời chị. Đến tận những trang cuối, cuộc đời chị vẫn chìm trong u tối. Có lẽ sẽ chẳng ai quên được cảnh chị bán đàn chó rồi phải rứt ruột bán cả đứa con mình đẻ ra chỉ vì cuộc sống quá túng quẫn. Tác giả đã lột tả được tất cả mọi điều bằng câu văn cảm động, nhưng không kém phần gai góc. Tác phẩm Tắt đèn đã biểu đạt được những ý nghĩa sâu xa của lịch sử, đồng thời nói lên tiếng nói đầy chất nhân văn.
2. Số đỏ – Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là ông vua phóng sự đất Bắc Kì, nên những tác phẩm của ông đều phản ánh hiện thực hết sức sâu sắc. Số Đỏ chính là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam kinh điểm nhất. Từ một tên lang thang, ma cà bông, Xuân tóc đỏ biến thành đốc tờ, tiến sĩ cho đến lấy được cô Tuyết tân thời, tố cáo vụ ngoại tình, hi sinh cho nước nhà và được nhận huân chương bắc đẩu bội tinh, anh hùng cứu quốc.
Giọng văn châm biếm sâu cay, tác giả phê phán lối sống, hành vi vô đạo đức lúc bấy giờ. Trải qua năm tháng, Số đỏ vẫn giữ được giá trị trong thời đại ngày nay, khi vấn đề về cách ứng xử, về đạo đức con người có dấu hiệu đi xuống.
3. Gió lạnh đầu mùa – Thạch Lam
Người ta nói: “truyện của Thạch Lam là truyện mà không có truyện”. Những tác phẩm của Thạch Lam cứ nhẹ nhẹ bằng bằng, mọi thứ êm đềm trôi theo dòng thời gian và theo mạch cảm xúc của nhân vật, không hề gọi là “kịch tính” hay “cao trào”.
Cái tài của Thạch Lam là thế, kể những câu chuyện thật bình thường, thật giản dị, để đôi khi vô tình người ta nhận ra hình ảnh cuộc sống quen thuộc quanh mình trong đó, để có thể lắng lòng mình trong một khoảnh khắc với cuộc đời. Gió Lạnh Đầu Mùa là một tác phẩm văn học Việt Nam hay, tuyển tập những truyện ngắn của Thạch Lam.
Những nhân vật chính trong tập truyện ngắn này có thể là một thanh niên tri thức đầy triển vọng nhưng cạn tình cạn nghĩa, mấy đứa bé dù sợ bị mẹ mắng nhưng vẫn chia sẻ cái dư thừa của mình cho người khác cần hơn… Thạch Lam luôn viết về các nhân vật của mình một cách trìu mến, thể hiện niềm thương xót của ông với cuộc đời đau khổ của họ, những người dưới tầng đáy xã hội, bị người đời khinh rẻ.
4. Đôi lứa xứng đôi – Nam Cao
Nói đến văn học Việt Nam thì không thể không kể đến tác phẩm Đôi Lứa Xứng Đôi hay còn được biết đến với cái tên Chí Phèo. Tác phẩm văn học kinh điển này đã được đưa vào chương trình học nên hầu hết mọi người đều biết.
Tác phẩm tái hiện bức tranh chân thực nông thôn Việt Nam trước 1945: nghèo đói, xơ xác, bần cùng, hết sức thê thảm. Người nông dân bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân, trái lại nhà văn đi sâu vào nội tâm nhân vật để khẳng định nhân phẩm và bản chất lương thiện ngay cả khi bị vùi dập, cướp mất cà nhân hình, nhân tính của người nông dân. Đồng thời kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo đó trước 1945.
5. Vợ nhặt – Kim Lân
Năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra tràn lan khắp nơi, người chết như rạ, người sống cũng dật dờ như những bóng ma. Tràng là một người xấu xí thô kệch, ế vợ, sống ở xóm ngụ cư. Tràng làm nghề kéo xe bò thuê và sống với một mẹ già. Một lần kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh, Tràng đã quen với một cô gái. Vài ngày sau gặp lại, Tràng không còn nhận ra cô gái ấy, bởi vẻ tiều tụy, đói rách làm cô đã khác đi rất nhiều. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô gái liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc. Sau một câu nói nửa thật, nửa đùa, cô gái đã theo anh về nhà làm vợ.
Việc Tràng nhặt được vợ đã làm cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, nhất là bà cụ Tứ (mẹ Tràng) đón nhận người con dâu trong tâm trạng vừa buồn vừa mừng, vừa lo âu, vừa hi vọng nhưng không hề tỏ ra rẻ rúng người phụ nữ đã theo không con mình. Đêm tân hôn của họ diễn ra trong không khí chết chóc, tủi sầu từ xóm ngụ cư vọng tới. Sáng hôm sau, một buổi sáng mùa hạ, nắng chói lóa. Bà cụ Tứ và cô dâu mới xăm xắn dọn dẹp, quét tước trong ngoài.
Trước cảnh ấy, Tràng cảm thấy mình gắn bó và có trách nhiệm với cái nhà của mình và thấy mình nên người, trông người vợ đúng là một người phụ nữ hiền hậu đúng mực, không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như lần đầu gặp nhau. Bà cụ Tứ hồ hởi đãi hai con vài bát cháo loãng và một nồi chè cám. Qua lời kể của người vợ, Tràng dần dần hiểu được Việt Minh và trong óc Tràng hiện lên hình ảnh đám người đói kéo nhau đi phá kho thóc Nhật, phía trước là một lá cờ đỏ bay phấp phới.
6. Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi
Tác phẩm văn học này mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu Đất rừng Phương Nam. Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.
Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang – Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Bối cảnh trong Đất rừng phương Nam là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài…
7. Giông tố – Vũ Trọng Phụng
Đây là một tác phẩm văn học xứng đáng có vị trí trong bộ Việt Nam danh tác. Nội dung châm biếm sâu cay, đủ để cho ta thấy cái xã hội thối nát nửa Tây nửa Ta, một xã hội đầy sự bần cùng của người nghèo và sự sa đọa của người giàu, giàu lên nhờ bốc lột những người khác, mà đại diện là nghị Hách. Bên cạnh đó, ta cũng thấy có những người lấy tiền người giàu để giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khổ, có thể kể đến tú Anh và khóa Hiền.
Hiện lên qua tác phẩm là một bức tranh của những sự bất công, cuồng dâm, tham ô, hối lộ… nhưng cũng đã có những người định hướng được cho mình đường lối đấu tranh để xóa bỏ chế độ “chó đểu” đó.
8. Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh
Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng. Tác phẩm văn học này đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người.
Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, “Nỗi buồn chiến tranh” có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.
9. Tuổi thơ dữ dội – Phùng Quán
Tuổi thơ dữ dội là tác phẩm văn học Việt Nam hay, phù hợp với tất cả mọi lứa tuổi, lấy đi không ít nước mắt bạn đọc. Đọc từng trang sách, ta cảm tưởng đang trở về với quá khứ xa xưa, dõi theo cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Cậu chuyện của những cậu bé nhỏ tuổi dũng cảm tham gia cách mạng đã gieo vào lòng người mọi cung bậc cảm xúc: có căm ghét, có yêu thương, có niềm vui, nỗi buồn,… Càng đọc ta càng bị cuốn theo những bước chân của “Vê – cu – đê”, để cảm nhận được hết những khó khăn, gian khổ mà nhân dân ta đã phải trải qua dưới ách thống trị thực dân Pháp.
Tuy nhiên, dù viết về thời chiến tranh nhưng Tuổi thơ dữ dội không hề mang âm hưởng u ám, trầm buồn. Tác phẩm vẫn rất hồn nhiên, hài hước, tươi vui bởi cách viết mộc mạc, giản dị và giàu tính chân thực của Phùng Quán. Nếu bạn chưa đọc Tuổi thơ dữ dội, hãy thử một lần đọc, chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng, và hơn thế để biết quý trọng cuộc sống hòa bình ngày hôm nay.
10. Vang bóng một thời – Nguyễn Tuân
Vang bóng một thời được xem như là một tác phẩm văn học gần như hướng đến sự toàn thiện toàn mỹ, làm người đọc cảm nhận được nếp sống cũ, những thứ nghệ thuật cổ thanh cao của một nền văn minh xưa cũ và có chút tiếc nuối cho những cái đẹp. “Đẹp” từ việc đo đếm được sức đi của “bút chì” của ông Lý Văn trong truyện “Ném bút chì”, với sức ngang tàng của cái “bút chì” ấy có thể lụy cả một cành tre đẩy cho đến cái nghệ thuật cầu kì trong việc lồng ghép cả một tích truyện vào trong chiếc đèn xẻ rãnh của ông Cử Hai làm cho cậu con Ngộ Lang.
Những cái nghệ thuật cầu kì phức tạp nhưng đầy ý nghĩa đó chẳng thể nào bắt gặp được ở giữa xã hội hiện đại bây giờ. Bạn đọc sẽ thấy được sự tôn vinh cái đẹp của Nguyễn Tuân với một giọng văn đôn hậu xen lẫn chút ngậm ngùi. Những người nghệ sĩ trong từng câu chuyện của ông đơn giản chỉ là tập trung hết sức trong chính cái công việc mà mình đã chọn, dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân hiện lên dưới cái ánh sáng mờ ảo, nhàn nhạt.
11. Cánh đồng bất tận – Nguyễn Ngọc Tư
Cánh đồng bất tận bao gồm những truyện hay và mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đây là tác phẩm đang gây xôn xao trong đời sống văn học, bởi ở đó người ta tìm thấy sự dữ dội, khốc liệt của đời sống thôn dã qua cái nhìn của một cô gái. Bi kịch về nỗi mất mát, sự cô đơn được đẩy lên đến tận cùng, khiến người đọc có lúc cảm thấy nhói tim…
12. Sống Mòn – Nam Cao
Sống mòn là tác phẩm văn học hoàn thành vào năm 1944, xuất bản ban đầu với tên gọi “Chết mòn” năm 1956. Trong tác phẩm, Nam Cao đã miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Họ là những người có ý thức rất cao về nhân phẩm và danh dự, có khát vọng – hoài bão văn chương lớn lao nhưng lại bị gánh nặng cơm áo gạo tiền bóp nghẹt sự sống. Rộng hơn vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục, trong đó, đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc.”
Cuốn tiểu thuyết chất chứa những suy nghĩ, trăn trở, ưu tư của Nam Cao về cách sống, về lối viết và nhiệm vụ của những người cầm bút. Không có những xung đột gay gắt, mâu thuẫn cao trào, chỉ đơn giản là những giằng xé đấu tranh nội tâm của mỗi phận người. Chỉ với giọng văn điềm đạm, cốt truyện đơn giản, thế nhưng, Sống mòn đã hội tụ đầy đủ tất cả sự điêu luyện, tinh tế của một ngòi bút truyện ngắn bậc thầy.
13. Chuyện Nhà Quê – Nguyễn Quang Lập
Chuyện Nhà Quê là tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Trong đó có 1/5 là những tạp văn có tính truyện ngắn, 1/5 là những truyện ngắn chưa in tập nào kể từ sau tập Tiếng gọi phía mặt trời lặn, 3/5 còn lại những truyện ngắn được nhiều người ưa thích nhưng chưa in tập nào như Hố xí hai ngắn, Xóm gái hoang, Quê choa chí dị…
Cách kể chuyện của Nguyễn Quang Lập trong Chuyện Nhà Quê cuốn hút lạ thường. Đúng như nhà văn Bảo Ninh đã nhận xét, bọ Lập đã rất thành công với thể loại “khẩu văn” qua tác phẩm này. Giọng văn giản dị, chân chất đúng như tính cách của người dân quê dường như đã thu hẹp giữa tác giả và người đọc. Giản đơn trong khắc họa tính cách của từng nhân vật nhưng lại rất cầu kì trong mạch cảm xúc. Có lẽ hiếm ai có khả năng khiến người đọc vừa giận vừa thương như Nguyễn Quang Lập.
14. Bến không chồng – Dương Hướng
Bến không chồng là một tác phẩm văn học Việt Nam đầu thập niên 90 đã góp một cái nhìn mới về bức tranh đất nước trong thời chiến và hậu chiến. Với gánh nặng không phải chỉ là chiến tranh, mà còn là những lầm lạc của con người, trong một bối cảnh có quá nhiều biến động và thử thách, mà tất cả những ai “do lịch sử để lại” đã không đủ tầm và sức để vượt qua.
Cuốn sách còn lan tỏa hơn khi đã được dịch ra tiếng Pháp, Ý cũng như được chuyển thể thành phim truyện cùng tên.
15. Thương Nhớ Mười Hai – Vũ Bằng
Trong số tác phẩm của Vũ Bằng, Thương Nhớ Mười Hai là tác phẩm đặc sắc nhất, tiêu biểu cho tình cảm và phong cách viết của ông. Tác phẩm được đặt bút từ Tháng Giêng 1960 và mất mười một năm mới hoàn thành vào năm 1971 với độ dày 250 trang.
Mười hai ở đây là mười hai tháng trong năm mà theo lời tác giả “mỗi tháng lại có những cái đẹp não nùng riêng, nỗi nhớ nhung riêng…”. Thông qua mười hai tháng ấy, Vũ Bằng đã gởi gắm những hồi ức đẹp đẽ của mình về Hà Nội, nơi chốn xa xôi ông luôn hướng về với những phong tục của người Bắc Việt, những thói quen sinh hoạt, những thú vui ẩm thực giản dị mà đầy tính nghệ thuật và trên tất cả là hình bóng người vợ đảm đang dịu hiền đang còn xa cách.