Bệnh lười đọc sách là căn bệnh khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Cùng với sự phát triển đa dạng của các kênh giải trí, chiếc điện thoại dần thay thế cho những cuốn sách, trở thành vật bất ly thân với đa số mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Vậy làm cách nào để chúng ta có thể điều trị căn bệnh lười đọc sách này và xây dựng thói quen tốt hàng ngày?
Lười đọc sách có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ mất hứng thú đến cảm giác mỏi mắt, mất tập trung, lại còn bị những trang giải trí trên mạng làm sao nhãng. Bài viết này sẽ chỉ bạn cách rèn luyện thói quen đọc sách, dễ dàng áp dụng với cả những người lười nhất.
1. Chọn sách đúng với chủ đề yêu thích
Nhiều người có suy nghĩ, đã đọc sách là “đọc cho đáng” nên có thể chọn những cuốn sách mang tầm vĩ mô, kỹ thuật chuyên sâu để bắt đầu. Đó có thể là một sai lầm khiến bạn từ bỏ việc đọc sách sau một thời gian vì không phù hợp. Do đó, để trị bệnh lười đọc sách, tốt nhất là nên đọc những cuốn sách phù hợp với bản thân. Tại từng thời điểm, bạn có thể có những sở thích khác nhau, hãy chọn lựa cuốn sách đúng với chủ đề yêu thích để gia tăng thói quen duy trì đọc sách. Ví dụ khi mới có con, bạn có thể sẽ quan tâm đến những cuốn sách nuôi dạy con. Lúc khó khăn, bạn có thể muốn vài cuốn sách nhẹ nhàng, hạnh phúc để cổ vũ tinh thần. Hoặc khi làm việc, bạn có thể quan tâm đến những cuốn sách về marketing, quản trị kinh doanh…. Còn nếu bắt đầu chưa biết mình thích gì, bạn có thể thử vài tác phẩm văn học ngắn chẳng hạn. Bạn không cần phải đọc những cuốn sách review cao hay đạt giải Nobel văn học gì cả, chỉ cần là cuốn sách phù hợp với bạn mà thôi.
2. Bỏ qua những phần bạn không thích
Nói thật với bạn là không phải cuốn sách nào cũng hay đâu. Và trong một cuốn sách hay cũng có những đoạn nhạt nhẽo. Vì thế, hãy mạnh dạn bỏ qua những phần bạn không thích trong một cuốn sách. Đọc sách không nhất thiết phải đọc từ đầu đến cuối, phải đọc hết cuốn sách thì mới là đọc đúng. Không có định nghĩa nào cả. Để duy trì thói quen đọc sách và chữa bệnh lười đọc sách thì nhất thiết phải “đọc sách với bạn là một niềm vui”. Nếu cứ cố gắng ép gượng mà đọc thì càng ngày bạn sẽ càng cảm thấy chán nản, và cuối cùng dẫn đến bệnh lười đọc sách mà thôi.
3. Chọn thời điểm đọc sách phù hợp
Thời điểm đọc sách tốt nhất là khi bạn có tâm trí thoải mái và không bị phân tâm bởi những công việc khác. Buổi sáng sớm theo mình đánh giá thường tốt nhất. Không khí tĩnh mịch, không gian trong lành sẽ làm bạn thư thái hơn. Hoặc nếu không thì buổi tối trước khi đi ngủ, sau khi bạn đã làm hết những công việc thường ngày và chỉ còn lại sự nghỉ ngơi.
Bạn tuyệt đối nên tránh thói quen vừa đọc sách vừa để smartphone bên cạnh, hễ chốc chốc lại xem thông báo, trả lời tin nhắn. Đây thực sự là một thói quen tệ hại ảnh hưởng đến việc rèn luyện thói quen đọc sách. Smartphone là nguyên nhân khá phổ biến phá vỡ thói quen duy trì đọc sách của đại đa số mọi người nên chúng ta hãy tỉnh táo nhé.
4. Nghe sách nói
Đối với một số người thì việc đọc một trang giấy kín chữ đã là điều vô cùng khó khăn, nguyên nhân là do mắt kém, hoặc do họ đã rời xa việc đọc quá lâu. Lúc này, sách nói là một giải pháp hữu dụng.
Bạn có thể bắt đầu với việc nghe thay vì đọc, nghe vào thời gian rảnh hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi ngày nghe một ít. Đã từng có rất nhiều người nhờ nghe sách nói mà trở nên yêu sách, rồi từ sách nói chuyển sang đọc sách giấy, và cuối cùng họ thoát khỏi căn bệnh lười đọc sách.
5. Tìm bạn đọc sách
Người ta thường nói “buôn có bạn, bán có phường”. Và để tránh bệnh lười đọc sách thì chúng ta cũng nên thực hành câu châm ngôn trên. Tìm bạn đọc sách chung hoặc tham gia các câu lạc bộ đọc sách để có thêm động lực và tạo ra một môi trường đọc sách tích cực. Việc có thêm người đồng hành làm gia tăng sự ảnh hưởng lên chính bạn. Ngoài ra, việc cùng trao đổi, trò chuyện về những cuốn sách vừa giúp bạn ghi nhớ nội dung sách lâu hơn, vừa cung cấp thêm kiến thức với những góc nhìn đa chiều hơn.
6. Nhắc nhở bản thân phải đọc mỗi ngày.
Dù làm việc gì cũng vậy, đều đặn và thường xuyên tốt hơn là tích cực trong một thời điểm. Bạn hãy nhắc nhớ bản thân mỗi ngày duy trì thói quen đọc sách, cố gắng trị căn bệnh lười đọc sách dễ sinh sôi nảy nở. Trong văn hóa Nhật Bản, có một phương pháp mà dù lười đến mấy bạn cũng có thể vận dụng để hoàn thiện bản thân, nó được gọi là Kaizen hay Nguyên tắc 1 phút.
Cốt lõi của nguyên tắc này là để tạo dựng một thói quen tốt, hãy làm nó trong 1 phút tại cùng một thời điểm mỗi ngày.
7. Bắt đầu hoặc quay lại từ những cuốn sách nhỏ
Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi đọc các cuốn sách dày và nặng, hãy bắt đầu từ các cuốn sách nhỏ và dễ đọc. Hoặc bạn bỏ bê việc đọc sách một thời gian vì bệnh lười, hãy quay lại cũng từ những cuốn sách nhỏ. Khi bạn đã quen với việc đọc sách hơn, bạn có thể chuyển sang những cuốn sách đa dạng chủ đề và độ dài hơn. Đơn giản thì làm trước bạn nhé. Đó cũng là một cách hiệu quả đề duy trì hành trình đọc sách của bản thân.