Năm 2021 là thời đại của công nghệ kỹ thuật số, kỷ nguyên mà những người trẻ vẫn thường gọi là “thời đại 4.0”. Sự phát triển của công nghệ mang lại vô vàn tiện ích, làm thay đổi cả những thói quen, trong đó bao gồm cả việc đọc sách. Chúng ta không còn xa lạ với khái niệm sách điện tử. Ở trường học, quán cà phê… thật dễ dàng bắt gặp ít nhất một, hai người sử dụng Kindle.
Và nên đọc sách giấy hay sách điện tử? Câu hỏi này đã gây không ít tranh cãi và băn khoăn trong cộng đồng những người yêu sách. Mình đều sử dụng cả 2 phương thức đọc sách này nên xin đưa ra một vài đánh giá để mọi người tham khảo.
Sách điện tử – Ebook
Khi nói đến sách điện tử, phải kể ra rất nhiều tiện ích như sau:
Tính tiện dụng
Thiết bị nhỏ gọn, bạn có thể đọc mọi lúc, mọi nơi từ nhà đến cơ quan, trường học, công viên… mà không cần phải mang theo những cuốn sách dày cộm.
Tính năng tìm kiếm và tra từ điển là điều không thể làm với sách giấy. Nhưng với sách điện tử thì không vấn đề gì.
Sử dụng kho sách khổng lồ với chi phí tiết kiệm
Tất nhiên là mình không nói đến các kho sách lậu. Có rất nhiều kho sách có bản quyền miễn phí hoặc trả phí tùy bạn lựa chọn.
Mình đang sử dụng với chi phí khoảng 30.000đ một tháng mà đã có thể đọc được hơn 10.000 đầu sách. Quá rẻ đúng không nào?
Tính riêng tư khi đọc sách điện tử
Bạn có bao giờ rơi vào trường hợp ở chỗ đông người, cầm một cuốn sách lên đọc và tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn vào bạn? Ở nước ngoài thì không biết như thế nào nhưng ở Việt Nam chắc sẽ gặp trường hợp đó. Mình đi khám bệnh và muốn tranh thủ thời gian chờ để đọc xong cuốn sách. Thế là hầu hết các ánh mắt xung quanh đều nhìn mình như kiểu lạ đời hoặc làm màu hay sao ấy. Tự nhiên cũng làm mình ngại quá trời, hic.
Còn với một thiết bị điện tử trên tay, điều ấy là quá bình thường. Hơn nữa bạn sẽ tránh đươc sự tò mò của người khác về cuốn sách mà bạn đang đọc.
Sách giấy truyền thống
Qua những ưu điểm trên, thì hẳn bạn cảm thấy một tương lai sáng lạn cho sách điện tử rồi đúng không? Tuy nhiên, sách giấy cũng có những thế mạnh mà sách điện tử không có được.
Cảm giác khi đọc sách giấy
Đọc sách giấy mang lại cảm giác thích thú cho người đọc. Mùi của sách tác động đến khứu giác của chúng ta. Tiếng sột soạt khi bạn lật giở từng trang tác động đến thính giác. Và còn cảm giác lúc bạn chạm tay vào mặt giấy nữa…Đó là những trải nghiệm mà một thiết bị điện tử lạnh lẽo không thể nào mang lại.
Tính phổ biến của sách giấy
Không phải ai ai cũng đủ điều kiện để mua một thiết bị điện tử hay máy đọc sách. Vì vậy, nguồn tiếp cận thông tin và tri thức vẫn là giấy và mực.
Hơn nữa, không phải đối tượng nào cũng dễ dàng học cách sử dụng một thiết bị điện tử cho việc đọc sách. Ví dụ những em bé từ 0-10 tuổi hoặc những người cao tuổi. Do đó, sách giấy vẫn làm một phương tiện phổ biến đối với hầu hết mọi người.
Tính sưu tầm của sách giấy
Đây là điều mà chắc chắn sách điện tử không thể làm được. Những cuốn sách đầy màu sắc, lớn bé dày mỏng đủ thể loại nằm trên kệ sách nhà bạn, vừa đẹp đẽ lại vừa hữu ích. Bạn sẽ nâng niu, trân trong, giữ gìn hơn những cuốn sách mà mình đã cất công sưu tầm. Nếu nhà có trẻ em thì càng tuyệt hơn. Việc để sách ở những nơi chúng có thể dễ dàng tìm thấy cũng khuyến khích trẻ ham đọc và trân quý sách hơn.
Và hơn thế nữa
Còn nhiều điều thú vị khác khi đọc sách giấy. Ví dụ bạn có thể đề tặng vài dòng yêu thương vào trang bìa cuốn sách và tặng cho bạn bè, người thân mình. Hoặc trao đi, quyên tặng sách cho những vùng xâu, vùng xa…
Đánh giá cá nhân
Trên đây mình đã nêu những đánh giá chung về sách điện tử và sách giấy. Tùy theo điều kiện và quan điểm của mỗi người mà bạn có thể chọn phương thức đọc nào cũng được. Không có đúng và cũng không có sai, chỉ là phương thức nào phù hợp với bạn hơn thôi. Nói chung, bạn yêu thích đọc sách đã là một điều tuyệt vời rồi.
Còn đối với mình, mình vẫn thích dùng sách giấy hơn vì những cảm giác sách giấy mang lại cho mình rất chân thật. Hơn nữa, mình đã có gia đình nên muốn xây dựng một nếp văn hóa đọc trong gia đình nhỏ.
Một kệ sách đầy màu sắc và ba mẹ thường xuyên đọc sẽ giúp con mình yêu sách và hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ. Những cuốn sách mình đã từng đọc sau này bé con cũng sẽ đọc được. Vì thế, cũng tiết kiệm mà, hihi.
- Những tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển không nên bỏ qua
- Top 20 cuốn sách hay nên đọc trước tuổi 30