Chiến binh cầu vồng là câu chuyện có thật ở một vùng quê nghèo Indonesia, nơi 10 đứa trẻ phải vật lộn với cuộc sống để được đến trường. Nhiều câu chuyện đáng nhớ được kể lại suốt quãng đời đi học, và cái kết cay đắng khiến nhiều độc giả phải suy ngẫm.
Xem thêm: Totto-chan bên cửa sổ – Kí ức tươi đẹp về một ngôi trường
Đôi nét về tác giả Andrea Hirata và tác phẩm
Andrea Hirata là nhà văn Indonesia ăn khách nhất từ trước đến nay. Tác phẩm đầu tay của ông, Chiến Binh Cầu Vồng, dựa trên câu chuyện có thực về thời thơ ấu của chính nhà văn. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên, năm 2005, cuốn sách đã thành công vang dội.
Chiến binh cầu vồng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, nhạc kịch và phim truyền hình. Bộ phim Chiến Binh Cầu Vồng đạt doanh thu cao kỉ lục ở Indonesia. Đồng thời giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế.
Câu chuyện bắt đầu
Câu chuyện bắt đầu vào buổi sáng đầu năm học mới tại một ngôi làng cũ kỹ Muhammadiyah ở hòn đảo Belitong. Thông thường, trong hình dung của chúng ta, ngày đầu nhập học sẽ là một ngày nhộn nhịp, rộn ràng với bao tiếng cười đùa vui vẻ. Trời trong xanh, mây trắng bồng bềnh. Hàng trăm học sinh cùng với phụ huynh, giáo viên quây quần trong khuôn viên trường. Chúng ta bỡ ngỡ và chút hồi hộp làm quen với bạn bè mới, lớp học mới…
Thế nhưng, tại thời điểm này, ở sân trường Muhammadiyah chỉ là sự căng thẳng, bồn chồn trên gương mặt tất cả 9 học sinh cùng thầy hiệu trưởng Harfan và cô Mus. Bởi vì nếu không đủ 10 học sinh thì ngôi trường duy nhất của bọn trẻ con nhà nghèo sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn. Đó là một cái án treo lơ lửng trên đầu ngôi trường này qua biết bao năm tháng.
Sự căng thẳng tột độ khi đã thầy hiệu trưởng Harfan đã cố gia hạn thêm thời gian khai giảng đến mười một giờ để hy vọng có thêm một học sinh duy nhất nhưng vẫn không thấy bóng dáng ai xuất hiện. Cái sự học hiện lên ngay từ đầu đã khó khăn vất vả biết chừng nào.
Thầy Harfan đã bắt đầu đến bên các bậc phụ huynh và chào lần lượt từng người một. Nhưng ngay giây phút tuyệt vọng nhất thì Harun- cậu bé thiểu năng từ bé xuất hiện. Harun đã cứu ngôi trường khỏi nguy cơ đóng cửa một cách tuyệt vời. Từ đây cũng bắt đầu những giây phút học hành và đấu tranh đầy khó khăn của 10 đứa trẻ nghèo trong cuộc chiến bảo vệ quyền lợi được học, được đến trường của mình.
Những chiến binh cầu vồng
10 học sinh – 10 chiến binh cầu vồng – đều là con gia đình cu li, những người nghèo nhất đảo. Cha mẹ chúng chỉ biết làm việc từ sáng đến khuya để nuôi sống gia đình. Ngay từ đầu chẳng ông bố bà mẹ nào hào hứng đưa con đến trường. Nếu không đi học, chúng có thể làm thêm vài việc kiếm tiền phụ gia đình. Một sự thật cay đắng mà tác giả thừa nhận: bọn con trai làm cu li đốn trầm hương còn mua được một cái xe đạp, trong khi thầy Harfan đường đường là hiệu trưởng chật vật lắm mới mua được sợi xích hay ruột xe đạp mà thôi.
Lingtang – chiến binh không thể quên
Bạn không thể nào quên Lintang – một chiến binh đặc biệt trong nhóm. Hằng ngày cậu đạp xe tổng cộng 80 cây số tới trường, băng qua 4 khu rừng đầm lầy cá sấu. Cái xe đạp tả tơi tới mức dây sên đã tháo xích ngắn không gắn lại được. Có lần cậu phải bán nhẫn cưới kỉ niệm của cha mẹ để mua ruột và xích xe mới.
Khó khăn là vậy nhưng Lintang là đứa chăm chỉ và thông minh nhất. Nó thực hiện lời hứa với cha nó, điền bảng kí thông tin phụ huynh khi mới học chữ- vì ông không biết đọc. Và năm học nào, Lintang cũng đứng nhất. Bạn cũng sẽ không thể nào quên được giây phút căng thẳng, hồi hộp trong cuộc thi học sinh giỏi mà Lintang đã chiến thắng và mang vinh dự về cho ngôi trường nhỏ. Giây phút đó căng thẳng tột độ đến nỗi mình không thể rời mắt khỏi cuốn sách một xíu nào. Và từ đó, mình cũng tin rằng học tập sẽ dẫn đến con đường tương lai tươi sáng cho Lingtang và cả những chiến binh còn lại.
Mahar – chiến binh mơ mộng, giàu chất tưởng tượng mang hơi hướng siêu linh
Nếu Lintang như Issac Newton lúc nhỏ thì Mahar chẳng khác gì Salador Dali. Nó thông minhtheo một kiểu “đặc biệt”. Hai đứa nó giàu không thể tưởng tượng nổi. Lingtang và Mahar bổ sung cho nhau, giúp lớp học cân bằng và làm bọn nhóc không bao giờ biết chán. Nhờ hơi hướng siêu linh mà Mahar có rất nhiều đệ tử, thành lập được cả một hội nhóm “bao đồng”. A Kiong là một đứa tin sái cổ và thần bái nhất. Bạn cũng sẽ không quên được tiết mục tại Lễ Hội Hóa Trang mà Mahar đã dày công dàn dựng. Đọc đoạn này mà mình cười không ngậm mồm lại được. Đúng là thiên tài dù có hơi mánh khóe trẻ con một xíu.
Bạn cũng sẽ gặp gỡ những chiến binh khác – những người bạn thơ ấu của tác giả. Mỗi đứa một tính cách, không ai giống ai. Trong từng mảnh chuyện nhỏ kể lại, có thể bạn sẽ tự cười khúc khích, lâng lâng về những ký ức thời niên thiếu. Những khờ dai, những niềm tin trẻ con, những tiếng cãi nhau chí chóe, rồi tụm năm tụm bảy trò chuyện…. Những kỷ niệm không thể nào quên!
Hai chiến binh kiên cường nhất
Ngoài 10 chiến binh can trường nhỏ tuổi, ngôi trường Muhammadiyah còn có 2 chiến binh nữa là thầy Harfan và cô Mus- những giáo viên nghèo khổ tận tâm đã mang hơi thở giáo dục đến trẻ em nghèo đảo Belitong.
Hai con người xem nghề giáo là nghề cao quý. Một người thầy 50 năm làm giáo viên mà không nhận được một rupi tiền lương nào, đến tận khu làm việc của cu li để động viên từng trẻ đến trường. Thầy cống hiến hết mình cho giáo dục và chết ngay trên bàn làm việc, lặng im, không ai biết.
Hình ảnh cô giáo trẻ Mus tận tâm yêu nghề, từ bỏ công việc mơ ước, bước vào nghiệp nhà giáo với nhiều tâm huyết. Cô là thủ lĩnh tinh thần đáng tự hào của nhóm chiến binh cầu vồng.
Sau khi thầy Harfan mất, một mình cô Mus đương đầu với tất cả khó khăn, đến mức gần như tuyệt vọng và suýt bỏ ngôi trường. Nhưng nhìn vào sự kiên trì và quyết tâm của Lingtang, cô dần vực lại tinh thần, chiến đấu bảo vệ ngôi trường cũ kỹ 120 năm tuổi trước thế lực hùng mạnh nhất hòn đảo – tập đoàn PN. Cuốn sách này theo tác giả là một lời tri ân đến cô và thực hiện lời hứa lúc nhỏ, viết một cuốn sách về cô Mus.
Những kỷ niệm ngọt ngào thuở ấu thơ
10 chiến binh cầu vồng ngoài thời gian học tập là quảng thời gian nghịch ngợm, vui chơi hồn nhiên như bao đứa trẻ khác. Bạn sẽ không thể nào quên những trò ngịch như quỷ xứ của chúng trong trận mưa đầu mùa. Và cái lần giả chết hết hồn hết vía của Syahdan.
Rồi những cảm xúc dạt dào, ngọt ngào như mía lùi trong tình yêu đầu đời của Ikal. Những bức thư trao đổi, những sự hụt hẫng hay niềm lâng lâng trong tình yêu ấy khiến độc giả cũng hồi hộp, bùi ngùi chẳng kém.
Rồi biết bao nhiêu trò ma quỷ được bày ra bởi pháp sư nhỏ tuổi Mahar. Cái lần mà cả bọn đến Đảo Hải Tặc và quay về với một thông điệp bí ẩn của pháp sư nổi tiếng Tuk Bayan Tula giúp Mahar có thể thi đậu mà không cần học. Buổi mở thông điệp diễn ra trịnh trọng với nhiều khách mời danh dự đến để chứng kiến giây phút trọng đại. Và kết quả là….
Mình không thể nhịn cười được nữa, cười haha sảng khoái. Bạn hãy tự mình khám phá bí mật này nha.
Cầu vồng đời thực đã không xuất hiện sau cơn mưa
Giá như mà không đọc những trang cuối thì chúng ta sẽ đỡ xót xa hơn. Cái kết viên mãn đã không đến. Ngôi trường đứng vững vài năm sau khi những chiến binh cầu vồng ra trường nhưng nó đã không thể nào chiến thắng được “chủ nghĩa thực dụng” bấy giờ. Còn với những đứa trẻ, ước mơ thuở 12-13 tuổi đã không bao giờ thành hiện thực.
Kết cục của Lingtang là một điều đau lòng với mình nhất. Mình đã hy vọng tương lai tươi sáng biết bao nhiêu thì hụt hẫng bấy nhiêu. Tác giả xót xa, người đọc xót xa, chỉ ước giá như. Nếu như Lintang lớn lên ở xã hội khác, 1 thời điểm khác, có lẽ thế giới đã có thêm 1 nhà khoa học thiên tài.
Tuy nhiên, khi bình tĩnh hơn, ngẫm nghĩ lại mình thấy rằng, ở đất nước nào cũng vậy, thời kỳ nào cũng vậy, cuộc sống của ai cũng vậy, đều sẽ có những khó khăn nhất định. Nhưng nếu bản thân mình không bỏ cuộc thì cuối cùng cố gắng của mình sẽ được đền đáp. Đó chính là điều mà Ikal đã làm, nhưng Lintang không làm được. Mình thấy thấp thoáng trong đó là một sự đầu hàng số phận. Mình biết cuộc sống rất khắc nghiệt, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Nhưng điều này mình tự rút ra cho bản thân cũng như để phấn đấu hơn.
Lời kết
Chiến binh cầu vồng là cuốn sách viết về thiếu nhi nhưng lại dành cho người lớn. Chưa có cuốn sách nào mà mình vừa đọc vừa cười khúc khích khi tuổi thơ dạt dào ùa về. Nó cũng lấy đi của mình nhiều nước mắt, ngậm ngùi khi thấy cuộc sống quá khó khăn, cái sự học quá vất vả. Nó gợi lòng biết ơn, ngưỡng mộ các thầy cô chân chính và sự tiếc thương vô cùng đến thầy hiệu trưởng Harfan trong giây phút cuối đời.
Chiến binh cầu vồng cũng là nỗi xót xa, ngẹn ngào khi giáo dục đã không thể xua tan số phận nghèo khổ. Mong mỏi của thầy Hafan và cô Mus đã không thành hiện thực. Hy vọng đổi đời của lũ trẻ hóa ra thật xa vời. Nhưng quyển sách chí ít vẫn khiến người ta ấm lòng. Ít nhất họ đã có nững năm tháng rực rỡ, dám hy vọng, dám ước mơ.