Đắc Nhân Tâm là một cuốn sách không xa lạ gì với hầu hết mọi người. Ai cũng điều biết đây là cuốn sách được mệnh danh là hay nhất và ảnh hưởng sâu rộng nhất trên thế giới về thuật đối nhân xử thế. Và vì là một cuốn sách nổi tiếng nên việc người khen kẻ chê là điều không tránh khỏi. Bạn hãy cùng mình review về cuốn sách kinh điển này nhé.
1. Đôi nét về tác giả Dale Carnegie
Dale Carnegie sinh ngày 24/11/1888 tại Missouri, Mỹ trong một gia đình nông dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vào những nổ lực vượt lên hoàn cảnh, cuối cùng ông đã trở thành một nhà thuyết trình nổi tiếng tại Mỹ. Năm 1912, ông đã xây dựng một hệ thống huấn luyện mang tên Dale Carnegie, một tổ chức đến nay vẫn hoạt động và phát triển rộng khắp trên toàn thế giới và đã có mặt tại Việt Nam từ 2007.
Các quyển sách của ông chủ yếu xoay quanh các vấn đề về nghệ thuật giao tiếp, về các kỹ năng trước đám đông, về kỹ năng bán hàng… cũng như những tố chất để chúng ta có thể thành công trong cuộc sống.
Xem thêm: Top 11 cuốn sách hay nên đọc một lần trong đời
2. Đôi nét về tác phẩm Đắc Nhân Tâm
Đắc nhân tâm (How to Win Friends and Influence People) là một quyển sách thuộc thể loại self-help bán chạy nhất từ trước đến nay. Quyển sách được xuất bản lần đầu vào năm 1936. Đến nay đã bán trên 15 triệu bản khắp thế giới. Tác phẩm được đánh giá là cuốn sách đầu tiên và hay nhất trong thể loại này, có ảnh hưởng thay đổi cuộc đời đối với hàng triệu người trên thế giới.
Tính đến nay cuốn sách đã trên 80 năm tuổi nhưng nó vẫn không hề lỗi thời. Những bài học và triết lý trong sách vẫn áp dụng được trong cuộc sống ngày nay và cả những thế hệ sau nữa. Đồng thời, qua mỗi lần tái bản, Đắc Nhân Tâm được những người con của Dale chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thời đại mới. Rất nhiều ví dụ, dẫn chứng quá cũ đã được thay bằng những câu chuyện mới, mang tính thời đại và ý nghĩa hơn. Đó chính là lý do cuốn sách Đắc Nhân Tâm luôn mang trong mình một sức sống hợp với thời đại và ngày càng lan tỏa, phát triển hơn.
3. Nội dung sơ lược Đắc Nhân Tâm
Toàn bộ nội dung Đắc Nhân Tâm được truyền tải trong 4 phần. Mỗi phần trong cuốn sách sẽ tương ứng với một bài học và các bí quyết khác nhau. Các luận điểm này được dẫn chứng bằng nghiên cứu cụ thể, bằng kinh nghiệm hoặc thông qua những ví dụ thành công điển hình không thể chối cãi.
Thứ nhất là những nghệ thuật ứng xử cơ bản nhất mà mỗi chúng ta cần có.
Nếu như nằm lòng và thực hành được toàn bộ những nguyên tắc trong Đắc Nhân Tâm, chắc bạn sẽ có được hết thiên hạ mất (^^). Nhưng muốn nâng cao, trước hết phải có căn bản đã. Vì thế, bạn hãy và nên nắm vững 3 nguyên tắc cơ bản trong phần này trước, áp dụng không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống hàng ngày, đối với tất cả mọi người có mặt xung quanh ta.
- Nguyên tắc 1: Không chỉ trích, oán trách hay than phiền
- Nguyên tắc 2: Thành thật khen ngợi và biết ơn người khác
- Nguyên tắc 3: Gợi cho người khác ý muốn thực hiện điều bạn muốn họ làm
Thứ hai, sáu cách tạo thiện cảm đối với người khác.
Tiếp theo, trong phần 2, Đắc nhân tâm còn giúp bạn có thêm những cách thức để tạo được thiện cảm với người khác. Đây hoàn toàn là những điều mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng ngay lập tức, từ việc thật lòng quan tâm đến người khác hay luôn mỉm cười, ghi nhớ tên người đối diện, tập trung vào chủ đề mà người khác quan tâm…
Với những điều được tác giả gợi ý, bạn có thể sử dụng mỗi ngày mỗi giờ, mọi lúc mọi nơi để những điểm tốt này trở thành thói quen.
Thứ ba, cách để “lôi kéo” suy nghĩ người khác theo mong muốn của bạn.
Làm chủ được những suy nghĩ và hành động của mình là đã bước đầu thành công trên con đường giao tiếp. Tuy nhiên, để chinh phục và dẫn dắt suy nghĩ của người khác, bạn nên tận dụng những bài học mà tác giả nêu ra trong phần 3 này.
Một số cách này bao gồm:
- Bạn không cần tìm hiểu về cách giải quyết tranh cãi. Thay vào đó, bạn nên hạn chế để những cuộc cãi vả xảy ra.
- Hãy biết tôn trọng ý kiến của tất cả mọi người. Dù đó là ý kiến sai thì cũng không nên sử dụng cụm từ “bạn đã sai”. Bạn nên đưa ra quan điểm cá nhân của mình chứ không nên phản bác lại những ý kiến của người khác. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng của bạn.
- Biết nhìn nhận những điểm sai của bản thân. Thừa nhận những điểm chưa đúng của mình và đối diện thẳng với vấn đề.
- Luôn biết đặt bản thân vào vị trí của người khác, khi đó, bạn sẽ biết cách nhìn vấn đề của nhiều khía cạnh khác nhau. Đây cũng là cách để hạn chế có những mâu thuẫn xảy ra khi giao tiếp.
Thứ tư, cách để người khác nhìn nhận được những điều họ cần thay đổi một cách dễ dàng.
Để người khác công nhận về những điểm chưa tốt của họ và để họ chấp nhận thay đổi là một điều không dễ dàng. Thậm chí trong một số trường hợp họ còn chống đối với những góp ý và không tiếp nhận. Phần cuối cùng của quyển sách sẽ giúp bạn biết cách đưa ra các cách thức làm đối phương phải chấp nhận một cách nhẹ nhàng nhất. Nó đặc biệt hữu ích nếu bạn là một lãnh đạo hoặc một người quản lý.
4. Cảm nhận về Đắc Nhân Tâm
Trước đây
Mình mua cuốn sách này lúc mới ra trường, khoảng 22 tuổi. Lần đầu tiên đọc, mình thấy rằng Đắc Nhân Tâm toàn nói những điều đương nhiên. Ví dụ như ai không biết là không nên than phiền, chỉ trích hay oán trách. Điều đó chỉ làm cuộc sống mệt mỏi thêm. Hay ai không biết rằng, nên đứng trên quan điểm lập trường của người khác để xem xét hành vi và khuyến khích họ hay ai không biết là nên tôn trọng ý kiến người khác, vân vân và mây mây.
Vì vậy, mình cảm nhận đây giống là một cuốn bách khoa tổng hợp các nguyên tắc hành xử, mà theo mình là nó khuôn khổ và máy móc, giống như bắt mình sống hơi giả tạo, cố tạo dựng một hình ảnh tốt đẹp hơn trong mắt người khác thay vì là tự rèn luyện bản thân. Mình nghĩ một phần các đánh giá tiêu cực về cuốn sách chắc cũng có điểm tương đồng như quan điểm của mình.
Nhưng vẫn có một điểm mình thấy khá thích là lập luận của tác giả rất chặt chẽ, lời văn hoàn chỉnh, chứng cứ khoa học. Mình cảm nhận người viết cuốn sách là một người dày dạn kinh nghiệm, đáng học hỏi chứ không chỉ là lời nói suông. Tuy nhiên, thực hành theo thì lúc đó mình thấy cũng chẳng cần thiết lắm.
Và bây giờ
Qua thời gian, mình đã học lối sống tích cực, bớt kêu ca phàn nàn, sống đơn giản và an yên mỗi ngày. Mình cũng đã đọc qua vài quyển sách về cách sống vui vẻ hạnh phúc. Đó là điểm đến của mình hơn so với việc học cách thu phục lòng người. Và mình đọc lại Đắc Nhân Tâm nhưng trong một tâm thế khác. Mình chợt nhận ra cảm nhận của mình lúc trẻ thật thiển cận.
Thứ nhất, Đắc Nhân Tâm là một cuốn sách hay
Đắc Nhân Tâm không phải là một cuốn thánh kinh tẩy nảo lừa dối đầy giả tạo như một số người nhận xét hay như chính bản thân mình từng cảm nhận như vậy khi còn trẻ. Rõ ràng trong lời giới thiệu, tác giả có nói cuốn sách giúp bạn cư xử sao cho đẹp lòng người nhưng không thiệt phần mình. Ứng xử cho đẹp lòng người rất dễ, bạn có thể giả dối và qua quýt vài câu nịnh hót trúng tim đen của đối phương là đã thành công rồi. Nhưng phàm điều đó có làm bạn thoải mái và sống vui vẻ? Hoặc nếu bạn là một ngừơi luôn lấy phần thiệt về mình, chiều chuộng để đối phương vui lòng thì liệu có ổn?
Chính vì vậy, việc làm sao để không thiệt phần mình mới là khó. Và đó là cả một nghệ thuật. Không phải tự nhiên ai sinh ra đã là một người hoàn hảo như thế cả, nó đòi hỏi quá trình tôi luyện, thực hành và thực hành liên tục. Vì vậy, thay vì bạn phải tốn qua những năm dài vấp váp nhiều lần để nghiệm ra một nguyên tắc hiệu quả trong giao tiếp, thì tác giả, người đã có một đời kinh nghiệm chia sẻ đến bạn những nguyên tắc đó. Công việc của bạn chỉ là trau dồi thêm mà thôi. Và việc bạn có tự rèn luyện hay không là do chính bản thân bạn quyết định chứ nó không đồng nghĩa với việc cuốn sách không có giá trị.
Thứ hai, nền tảng nguyên tắc là chân thành
Tất cả các nguyên tắc trong Đắc Nhân Tâm mình nhận thấy tác giả đều nêu bật trên một nền tảng tinh thần là “chân thành”. Bạn học cách không chỉ trích, không oán giận một cách thành tâm. Bạn khen ngợi người khác nhưng lời khen phải chân thành. Bạn cố gắng nhớ tên người khác, nhưng nếu không được thì có thể chân thành xin lỗi và ghi nhớ vào lần sau cũng được mà… Chân thành ở đây chính là thành tâm với chính mình. Không cần phải cố gắng gượng ép theo nguyên tắc, theo khuôn mẫu khi mà bản thân mình chưa sẵn sàng. Và nếu thực hành gượng ép như thế, có lẽ bạn đã sai ngay từ đầu.
Thứ ba, phạm vi áp dụng Đắc Nhân Tâm là rộng lớn
Nếu đọc qua loa có thể dễ nhầm tưởng Đắc Nhân Tâm ứng dụng trong việc chinh phục lòng người trong các mối quan hệ làm ăn, giao tiếp xã hội. Nhưng Đắc Nhân Tâm không bó hẹp trong khuôn khổ nhỏ gọn ấy. Nó là tập hợp tất cả những nguyên tắc ứng xử đạt được thành công win-win trong cuộc sống, công việc, gia đình, bạn bè… Bạn hãy thử nghiền ngẫm cuốn sách 1,2 lần nữa, đặc biệt trong một vài lần va vấp trong một mối quan hệ nào đó, bạn sẽ càng cảm nhận sâu sắc điều này.
Thứ tư, cách áp dụng Đắc Nhân Tâm vào cuộc sống
Sau lời mở đầu, tác giả dành hẳn 7 trang để nói về việc làm sao quyển sách này mang đến kết quả tốt nhất. Bạn hãy dành thời gian để đọc kỹ phần này nhé. Tác giả cũng biết rằng, không phải lúc nào cũng có thể ứng dụng hết những cách mà tác giả đã nêu, nhưng nếu bạn có ước mong thay đổi, cư xử cho đẹp lòng người mà không thiệt phần mình, muốn những thành công win-win trong cuộc sống thì hãy cố gắng. Cố gắng hết sức nhất có thể để làm theo. Vì nếu không, chỉ đọc qua và gấp lại, cuốn sách này chẳng có giá trị gì ngoài 68.000đ giá bìa cả.
Trên đây là những review của mình về cuốn sách kinh điển Đắc Nhân Tâm. Hy vọng những chia sẻ của Sách Yêu sẽ hữu ích cho bạn. Nếu bạn thích, hãy ủng hộ mình bằng cách share bài hoặc mua ngay sản phẩm nhé.