Đường Xưa Mây Trắng là một câu chuyện vô cùng lý thú về cuộc đời của Bụt được kể lại dưới ngòi bút hùng hồn đầy chất thơ của tác giả. Với văn phong nhẹ nhàng, giản dị, với lối kể chuyện sinh động lôi cuốn, tác giả đã đưa chúng ta trở về tắm mình trong dòng sông Nguyên thỉ cách đây gần 2.600 năm, để được hiểu và gần gũi với một bậc giác ngộ mà cuộc đời của Ngài tỏa rạng nếp sống tuệ giác và từ bi.
Đó chính là những lời giới thiệu đầu tiên của Tiki về một trong những cuốn sách được xếp vào hàng những quyển sách hay nhất của thế kỷ 20. Rất hấp dẫn đúng không các bạn? Và quả thật đúng như thế, sẽ không uổng hoài uổng phí thời gian bạn trải nghiệm cuốn sách tuyệt vời này đâu.
Đôi điều về cuốn sách Đường Xưa Mây Trắng
Đường Xưa Mây Trắng quả thật là một cuốn sách dài và dày. Cuốn sách hơn 700 trang với tổng cộng 81 chương, kể toàn bộ về cuộc đời của bậc giác ngộ – Đức Phật. Nếu bạn nào chưa có thói quen đọc sách thì đây có thể là một thách thức khá lớn. Bản thân mình lần đầu tiên cầm cuốn sách cũng hơi nghi ngại, không biết khi nào mới đọc xong đây. Nhưng bạn đừng quá lo lắng về vấn đề đó. Cuốn sách khá lôi cuốn, nhẹ nhàng và đầy chất thơ. Trang này sẽ dẫn đến trang khác và bạn sẽ hoàn thành nó vào một ngày không xa.
Đường Xưa Mây Trắng có cả 2 phiên bản là bìa cứng và bìa mềm. Giá cuốn sách cũng khá chát đấy ạ. Nếu bạn là người cẩn thận, bảo quản sách tốt thì có thể mua cuốn bìa mềm, giá cả phải chăng. Nhưng nếu bạn mong muốn sưu tầm và lưu trữ thì mình khuyên nên mua cuốn bìa cứng. Tuy giá thành cao hơn một xíu nhưng bìa cứng giữ cuốn sách tốt, không bị rách, nhăn, gấp nếp.
Đường Xưa Mây Trắng cũng có cả phiên bản ebook nữa. Nếu chi phí hạn hẹp, bạn có thể đọc ebook nhé. Hoặc giả sử nếu với bạn, Phật Giáo hay những gì liên quan đến giác ngộ, tâm linh… còn khá xa vời và không biết cuốn sách có phù hơp với mình không thì có thể tham khảo qua một vài trang trên ebook trước khi quyết định mua sách.
Cảm nhận sau khi đọc Đường Xưa Mây Trắng
Thông thường, khi review sách, mình hay tóm tắt lại nội dung chính để mọi người có thể nắm bắt, hình dung. Tuy nhiên, với Đường Xưa Mây Trắng, mình hy vọng các bạn sẽ tự đọc và trải nghiệm toàn bộ câu chuyện. Mình chỉ chia sẻ những cảm nhận của bản thân sau khi đọc xong thôi.
Chung quy lại, Đường Xưa Mây Trắng như một thiên tình sử nhẹ nhàng, gần gũi mà sâu lắng. Nó là cuốn sách dành cho tất cả mọi người chứ không riêng gì cho giới phật tử hoặc ai cảm tình Phật. Nó giúp ta lắng đọng, thư thái và yêu quý hiện tại hơn.
Dưới đây là một vài ấn tượng sâu đậm của mình về Đường Xưa Mây Trắng.
Bụt là một con người giác ngộ toàn giác chứ không phải là một vị thần linh nào đó.
Và chủ tâm của tác giả đã thành công mỹ mãn. Trong suốt chặng đường của Ngài, bạn sẽ không bao giờ thấy một Bụt thần thông, đi mây về gió với bao nhiêu phép biến hóa cao cường.
Bụt là một con người chính hiệu, không thể thật hơn. Bụt cũng có cha mẹ, vợ con, anh chị em, đồng đạo như bao người. Bụt cũng có những lúc gặp khó khăn. Bụt cũng có những trăn trở trên con đường tìm kiếm đạo giải thoát. Bụt cũng phải đối mặt và xử lý với những chia rẽ trong giáo đoàn…
Chỉ khác một điều là tất cả những suy nghĩ, hành động của Ngài đều quán chiếu theo con đường tỉnh thức, chánh niệm mà Ngài đã tìm ra. Bụt có rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi. Chính sự an lạc, ung dung, tự tại, hiền hòa tỏa ra từ Bụt như những vầng hào quang mà bất cứ người nào có cơ hội được tiếp xúc với Bụt cũng đều tự động vái lạy.
Bụt thu phục nhân tâm nhờ vào tài trí và con đường chánh pháp của mình chứ không hề bằng phép thần thông nào. Ví dụ như đoạn Bụt độ cho ba anh em ông Ca Diếp. Những đạo lý, giác ngộ của Ngài hoàn toàn chinh phục được ba anh em. Chính bản thân mình cũng bị thuyết phục về những luận điểm của Ngài.
Hay đoạn Bụt về thăm lại gia đình sau khi đã thành Phật, thành bậc giác ngộ toàn giác rồi. Tuy giờ Ngài đã là lãnh đạo của một giáo đoàn, nhưng với gia đình, Ngài vẫn là một đứa con của cha, của mẹ, vẫn là một người anh của các em. Ngài về thăm nhà vẫn rất tự nhiên. Ngài vẫn là một con người. Bạn sẽ thấy cách Bụt nắm tay vua cha, cách Ngài đối xử với em gái, với Yahodhara và Rahula rất tự nhiên. So sánh những hình ảnh này với các cảnh trong các phim Việt Nam, kiểu như một người nương tựa vào chùa, đi tu sau những biến cố sẽ không nhận người thân, có những câu thoại đại loại “giờ đây bần tăng đã là một kẻ tu hành, xin thí chủ hãy về đi, mọi chuyện đã là quá khứ rồi…” làm mình hiểu sai lệch một cách nghiêm trọng về vấn đề xuất gia, về Phật giáo, giống như việc tu hành là để chạy trốn khỏi quá khứ vậy.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh để Bụt xuất hiện như một con người, gạt bỏ đi hết những hào quang thần dị mà người ta đã choàng lên cho Bụt vừa đúng với giáo lý nhà Phật “các đệ tử chỉ nên tập trung vào sự tỉnh thức và giải thoát của bản thân và giúp đỡ người khác chứ không nên bỏ phí thời gian luyện tập những phép biến hóa sẽ có thể làm nguy hại đến suy nghĩ vô ngã”, vừa khiến Bụt trở nên gần gũi và thân thuộc với chúng ta.
Con đường tìm ra đạo giải thoát và hoằng hóa của Bụt cũng rất nhiều chông gai, thách thức.
Để có thể tìm được Đạo Lớn cho mình, thái tử Siddhatta đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, vương giả, đi từ nước này đến nước kia, qua rừng này núi nọ. Hễ ở đâu nghe tiếng đạo sĩ nổi danh, giáo lý tu tập là Siddhatta tìm tới để được thọ giáo. Tuy nhiên, khi tu được tới trạng thái cao nhất của mỗi đạo, Siddhatta vẫn không tìm được con đường giải thoát hằng mong muốn. Chàng tự tu khổ hạnh và suýt nữa đã chết đói trong rừng nếu không có sự giúp đỡ của cô bé Sujita. Cũng từ đây, dưới gốc cây bồ đề, Ngài đã tìm ra con đường sâu kín và màu nhiệm: con đường tỉnh thức.
Khi số lượng môn đệ và cư xá ngày càng tăng thì càng có nhiều vấn đề cần được giải quyết. Bụt cùng những đệ tử lớn của Ngài vừa hướng dẫn tu tập, vừa đưa ra giới luật dựa trên những sự việc phát sinh để duy trì giáo đoàn. Bụt cũng đối mặt với những thế lực chống đối, những thù hằn môn phái khác khi thanh thế ngày càng cao. Cũng có những cá nhân không tin tưởng và gây điều tiếng xấu cho Giáo đoàn. Tu viện và chính Bụt cũng đã có những lúc bị vu cáo. Đỉnh điểm nhất là sự chia rẻ và âm thầm chống đối trong nội bộ, phát sinh từ đại đức Devadatta. Bụt vô tình dính vào những vòng xoáy tranh giành quyền lực của con người và 3 lần bị ám sát. Tât cả những sự việc ấy cho chúng ta thấy rằng, con đường Bụt đã đi vốn cũng có khó khăn, thử thách như bất cứ người nào.
Nhưng nhờ những ánh sáng chân lý như an trú trong hiện tại, thản nhiên trước cuộc thịnh suy, ba cánh cửa nhiệm màu…Bụt và giáo đoàn vẫn tồn tại bền vững qua thời cuộc và tiếp tục con đường hoằng hóa chúng sinh.
Đường Xưa Mây Trắng nêu bật con đường giải thoát dựa trên sự thực nghiệm và giác ngộ của bản thân.
Giáo sĩ Kassapa (trước khi làm đệ tử của Ngài) đã từng hỏi Bụt rằng “Vậy tất cả những lễ nghi, thờ phụng và lời khấn nguyện đều là hoàn toàn vô ích hay sao?” Bụt không trả lời trực tiếp mà hỏi lại rằng, giả sử một con người bên bờ này muốn qua bên kia sông thì người ấy phải làm gì? Kassapa đáp: “Người ấy phải lội qua sông, nếu mực nước sông rất thấp. Trong trường hợp nước đầy như hôm nay, người ấy phải dùng thuyền bè để chèo qua. Nếu bơi giỏi, người ấy cũng có thể bơi sang bên kia sông”. Bụt đáp “Đúng rồi, tôn giả Kassapa. Nhưng giả dụ có người muốn qua sông mà không muốn lội, không muốn bơi, cũng không muốn chèo, trái lại, chỉ đứng bên này sông mà cầu khẩn bờ bên kia, hy vọng bờ bên kia sẽ qua tới bên này cho mình bước lên, thì tôn giả nghĩ sao?”. “Tôi sẽ nói rằng đó là một người không thực tế”. Cũng như vậy thôi, tôn giả Kassapa. Nếu không tu tập quán chiếu để diệt trừ vô minh và các phiền não khác thì ta không đạt tới bến bờ giải thoát được, dù ta có tế lễ khẩn cầu suốt cuộc đời ta”.
Thật tuyệt vời, bản thân mình cũng như bừng tỉnh và sáng ngộ. Thì ra đây là giáo lý chính thống của đạo Phật. Đọc tới đây mình đã biết lý do tại sao trước đây không có cảm tình với đạo Phật. Có lẻ do mình nghe sai lệch hoặc những giáo lý Phật pháp đại thừa ở nước ta đã ít nhiều biến đổi và không phù hợp với quan điểm bản thân mình.
Con đường giải thoát là dựa trên sự tu tập và thực hành của bản thân cũng được Bụt nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đời.
Tôi (tức Bụt) cần nói rõ giáo pháp của tôi là một phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như ngón tay chỉ lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả. Giáo pháp của tôi là để thực tập chứ không phải là để cất giữ mà thờ phụng và ca ngợi. Chiếc bè là để giúp ta qua sông chứ không phải để ta vác trên vai mà tự hào.Này các bạn, giáo pháp tôi dạy cũng như một chiếc bè. Phải sử dụng nó để đi sang bờ bên kia, bờ giải thoát.
Bụt cũng không bao giờ trả lời những câu hỏi triết học, vấn đề siêu linh, vô hình kiểu như thế giới này còn mãi hay sẽ bị hoại diệt, thế giới là có biên giới hay là không biên giới, thân thể và linh hồn là một hay là hai, sau khi chết, con người còn hay mất… Bụt bảo rằng thà để cho người ta nghĩ là mình không biết còn hơn là họ bị kẹt vào kiến chấp. Bụt chỉ trả lời những câu hỏi về đạo pháp có liên hệ tới công phu tu tập nhằm gạn lọc thân tâm, vượt thắng lo âu và sầu khổ mà thôi.
Đường Xưa Mây lý giải rất nhiều đạo lý, sự kiện Phật pháp một cách đơn giản, sống động.
Qua Đường Xưa Mây Trắng, độc giả phần nào hiểu được tại sao lại có những giới luật trong đạo Phật. Tại sao lại có mùa an cư, tại sao Đức Phật được gọi là Bụt, Như Lai, tại sao Ni phải thỉnh thoảng đến tỷ kheo Tăng xin chỉ giáo… Tất cả được giải thích trong một bối cảnh có nguyên nhân và kết quả. Rất là dễ hiểu.
Đồng thời, những đạo lý của đạo Phật được giảng giải thông qua một sự kiện, câu chuyện nào đấy. Việc này rất có lợi ích cho những người mới bước đầu tiếp xúc với đạo Phật. Ví dụ như con đường tỉnh thức được cắt nghĩa qua việc ăn một quả quýt. “Này các con, ăn quýt trong tỉnh thức có nghĩa là trong khi ăn quả quýt ta thực sự tiếp xúc với quả quýt, óc ta không nghĩ vẩn vơ đến những chuyện khác, chuyện của ngày hôm qua, chuyện của ngày mai, vì ta an trú trong giờ phút hiện tại cho nên trái quýt mới thật sự có mặt. Như vậy, sống tỉnh thức là sống trong giây phút hiện tại, thân và tâm an trú trong giây phút hiện tại”.
Hay “Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn tâm tư lớn, rộng rãi không có bờ bến và cũng đẹp đẽ khôn cùng. Đó gọi là Tứ Vô Lượng Tâm. Tu tập theo pháp này thì mình trở nên một nguồn suối mát đem lại sinh lực và niềm vui cho tất cả vũ trụ” được thể hiện thông qua câu chuyện Ngài dạy Rahula.
Còn rất nhiều, rất nhiều bài kinh nữa đều được tác giả khéo léo lồng vào từng câu chuyện, giúp độc giả nhìn nhận đúng đắn và hiểu hơn những quan điểm, pháp tu mà Bụt đã giảng dạy.
Văn phong gần gũi, nhẹ nhàng, giản dị và lôi cuốn của thiền sư Thích Nhất Hạnh
Như tác giả viết ở lời tựa, mỗi ngày viết mấy giờ cũng như được ngồi uống trà với đức Thế Tôn. Đọc Đường Xưa Mây Trắng mấy giờ cũng giống như được ngồi từng ấy thời gian nghe thiền sư kể chuyện. Giọng nhẹ nhàng, sâu lắng, từ tốn, đầy chất thơ đưa ta từ câu chuyện này đến câu chuyện khác, giúp tâm hồn ta rộng mở, an vui.
Đường Xưa Mây Trắng rất thú vị với cách mở đầu và kết thúc. Câu chuyện dẫn dắt bắt đầu từ cậu bé chăn trâu Svastika và kết thúc cũng bằng cảm nhận của đại đức Svastika sau 40 năm.
“Đường xưa còn đó, những đám mây trắng còn đó, nếu mình (đại đức Svastika) bước một bước trên con đường này, bước với tâm trạng an hòa và tỉnh thức, thì con đường xưa và những đám mây trắng cũ nhiệm màu sẽ biến thành con đường hôm nay và những đám mây trắng trong hiện tại”. Như vậy đó, đạo pháp của Bụt sẽ vẫn còn và lưu mãi đến ngàn năm sau.