Dấu Chân Trên Cát là tiểu thuyết dã sử hấp dẫn, đặt trên nền bối cảnh là đất nước Ai Cập cổ đại, huyền bí được GS. John Vũ (Nguyên Phong) phóng tác. Đây là cuốn tiểu thuyết không thể bỏ qua với những người đam mê tìm hiểu văn hóa, tâm linh và ý nghĩa cuộc đời.
Dấu Chân Trên Cát mình đã được nghe giới thiệu khá lâu và có nhiều nhận xét tích cực nhưng vẫn chưa có dịp được thưởng thức. Gần đây, do nhu cầu tìm hiểu về các cuốn sách tâm linh cùng với niềm yêu thích lịch sử Ai Cập cổ xưa đã dẫn bước mình quay lại đọc cuốn sách này.
Dấu Chân Trên Cát là một cuốn sách cũng khá dày, thực sự hấp dẫn và lôi cuốn. Mình đọc một lèo trong khoảng 2 ngày là hết và nhanh chóng review lại để mọi người tham khảo. Do đây là một cuốn sách phóng tác nên mình sẽ cung cấp thêm vài thông tin liên quan để bạn có thể rõ hơn thể loại này. Bạn cùng mình theo dõi nhé.
1. Tác giả của cuốn sách The Egyptian
Đầu tiên, mình muốn giới thiệu sơ lược đến các bạn tác giả cuốn sách gốc mà GS. John Vũ (Nguyên Phong) phóng tác.
Mika Waltari (1908 – 1979) là tác giả chính cuốn “The Egyptian” (tạm dịch: Dấu Chân Trên Cát) được xuất bản năm 1945. Mika Waltari là nhà văn nổi tiếng người Phần Lan, được xem là một trong những nhà văn viết nhiều nhất trong thời đại của mình. Ông đã sáng tác rất nhiều thể loại khác nhau từ tiểu thuyết (29 tác phẩm), truyện vừa (15), kịch (26 vở), thơ (6 tập), truyện ngắn (4 tuyển tập), đến truyện trinh thám (7 tập).
Waltari đã 5 lần nhận được giải thưởng văn học của Nhà nước: 1933, 1934, 1936, 1949 và 1953. Huân chương Pro Finlandia đã được trao cho ông vào năm 1952.
The Egyptian được xem là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên và thành công nhất của Waltari. Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới, làm nền tảng cho bộ phim Hollywood cùng tên năm 1954.
2. GS. John Vũ (Nguyên Phong)
Giáo sư John Vũ-Nguyên Phong là một người Mỹ gốc Việt có những đóng góp rất lớn về nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Ông là một nhà khoa học nổi tiếng, đứng trong Top 10 người sáng tạo nhất thế giới (đứng đầu là Bill Gates và Steve Jobs). Ông cũng có hơn 10.000 bài viết về khoa học công nghệ được đăng trên blog Science-Tecnology. Hiện nay, Giáo sư John Vũ-Nguyên Phong là Viện Trưởng Viện nghiên cứu phần mềm của Đại học Carnegie Mellon, Nghiên cứu viên kĩ thuật và Kĩ sư trưởng Công nghệ Thông tin tại Boeing. Trước khi công tác tại Tập đoàn Boeing, ông làm việc tại Teradyne Semiconductor, Hewlett Packard, Litton Industries, Motorola và GTE.
Ngoài ra, ông còn là một dịch giả nổi tiếng với nhiều tác phẩm hay, nổi bật là Hành Trình Về Phương Đông – một trong những tác phẩm hay nhất về phương Đông từ trước đến nay. Một số tác phẩm khác do GS John Vũ biên dịch là “Bên rặng tuyết sơn”, “Đường mây qua xứ tuyết”, “Minh triết trong đời sống”, “Ngọc sáng trong hoa sen”…
“Dấu Chân Trên Cát” là tác phẩm phóng tác của ông từ The Egyptian. Bằng cảm nhận sâu sắc và kiến thức uyên thâm về văn hóa, tâm linh, Nguyên Phong đã mang đến cho mọi người một tác phẩm tuyệt vời với muôn màu cảm xúc.
3. Cảm nhận sau khi đọc cuốn sách Dấu Chân Trên Cát
Cuộc đời nhiều biến động của Sinuhe
Dấu Chân Trên Cát được viết dưới ngôi thứ nhất, là góc nhìn và lời tự thuật của nhân vật chính Sinuhe – một y sĩ sống ở Ai Cập vào thế kỷ thứ XIV trước Công Nguyên. Bạn chắn chắc sẽ không thể quên được cuộc đời nhiều thăng trầm, sóng gió và cả những bài học mà Sinuhe đã học suốt cả cuộc đời mình.
Theo lời kể, Sihune là con nuôi của một cặp vợ chồng y sĩ Sen Moot. Từ nhỏ, ông đã được tiếp cận y thuật nhờ quan sát cha – người y sỹ tài năng, đức độ. Cha của Sinuhe rất giỏi trị bệnh, mổ xẻ, trong đó có cả kỹ thuật mổ sọ. Sinuhe được cha mẹ dạy rằng: “Những tài sản tình cảm, những tài sản tinh thần, những tài sản tâm linh, mới là những tài sản vô giá, mới là những tài sản bền lâu, thanh cao”. Ông quyết tâm đi theo con đường của cha mẹ, trở thành y sĩ của người nghèo.
16 tuổi, Sinuhe được gửi vào trường y khoa Abydos – một trong những trường y khoa nổi tiếng nhất Ai Cập thời bấy giờ. Tại đây, Sinuhe được học môn Khoa học của Sự sống – môn khoa học về việc chữa trị bệnh tật và sống thuận hòa với tự nhiên. Sinuhe được đạo trưởng Akhanuxem tiết lộ, có những căn bệnh quái ác vượt ngoài tầm nghiên cứu của Khoa học của sự sống và nguyên nhân gây bệnh thuộc về cõi giới bên kia cửa tử, xuất phát một kiếp sống khác. Đó cũng là đối tượng nghiên cứu của Khoa học của sự chết.
Tưởng đâu cuộc đời êm đẹp nhưng anh lại đánh mất tất cả – sự tự tôn, tính lương thiện, cả gia sản và sự kỳ vọng của cha mẹ bởi mối tình đầu của mình – cô kỹ nữ xinh đẹp Nefer. Sinuhe cũng mất tới 10 năm lưu lạc tại Palestine, chìm ngập trong hiểu lầm, oán hận, và đau khổ. Để rồi mãi về sau anh mới nhận ra không có tình yêu nào trường tồn, vĩnh viễn. Anh trở lại cố hương khi biết Ai Cập đang đứng trước nguy cơ bị xâm lược.
Là một y sĩ nhưng Sinuhe lại vướng phải vào những biến cố hoàng gia, những âm mưu và tính toán của những con người tham vọng, độc tài. Liên tục, liên tục, Sinuhe lại trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong cuộc đời. Kể cả thân thế của anh cũng là một ẩn số thú vị. Cuối cùng, nhờ sự tính toán của Pharaol Akhenaten, ông chọn con đường bị lưu đày khỏi Ai Cập để hướng tới theo đuổi những giá trị lớn hơn. Nhưng dù đã “phát dương quang đại” những tư tưởng minh triết như thế nào, cuộc đời huyền thoại của Sinuhe cuối cùng giống như “dấu chân trên cát”, huy hoàng rực rỡ rồi quay trở về ẩn chứa, tiềm tàng trong lớp cát bụi của thời gian.
Akhenaten – vị Pharaol minh triết trong lịch sử Ai Cập
Pharaol Akhenaten là nhân vật yêu thích nhất của mình trong cuốn sách. Bạn có thể bắt gặp những triết lý của Đức Phật qua hình ảnh và chặng đường 17 năm trị vì của Pharaol Akhenaten. Thật thú vị, vượt không gian và thời gian, những tư tưởng tiến bộ, giác ngộ này lại xuất hiện hai ở hai nơi, trong hai con người khác nhau nhưng có sự giống nhau về nguồn gốc xuất thân.
Xem thêm: Đường Xưa Mây Trắng – Theo gót chân Bụt (Đức Phật)
Pharaol Akhenaten là người có trí thông minh và tầm nhìn xa trông rộng. Trong mắt mọi người, Akhenaten là người mơ mộng hão huyền, làm việc thiếu thực tế.Nhưng tất cả những điều mà ông làm đều có lí do riêng của nó. Hơn ai hết, ông hiểu rõ những sai lầm của đời trước đã gây ra những cảnh khổ đau khiến nhân dân phải gánh chịu. Vị Pharaol này thực hiện ba cái không: không chiến tranh, không lăng tẩm, không mê tín dị đoan để mà dành thời gian cho giáo dục, tình thương yêu. Bạn sẽ không thể không khâm phục cách thức ông đã dùng để dẹp bỏ chiến tranh với nước Hitte, cách ông thu phục nhân tâm kẻ thù. Nếu những triết lý, quan niệm của Pharaol Akhenaten được thực hành, phổ biến ở mọi quốc gia thì làm gì còn chiến tranh, đói khổ nữa.
Tiếc thay, chỉ có Sinuhe như người bạn tâm giao, hiểu và chia sẻ cùng ông. Tư tưởng của ông có quảng đại bao nhiêu cũng không thể vượt qua những tầm thường, tranh đấu hiện có trong xã hội. Một kết cục buồn cho một vị Pharaol minh triết.
Dấu Chân Trên Cát tái hiện giai đoạn xa xưa của nền văn minh Ai Cập cổ đại
Nếu bạn yêu thích nền văn minh Ai Cập cổ đại thì Dấu Chân Trên Cát sẽ giúp bạn khám phá phần nào lịch sử bí mật của quốc gia này. Lâu nay, mọi người hầu như chỉ biết đến Ai Cập với những kim tự tháp hùng vĩ, thuật ướp xác thì qua Dấu Chân Trên Cát giúp bạn hiểu biết thêm về quan điểm tôn giáo của người Ai Cập cổ, về khoa học vũ trụ và chiêm tinh học hay những triết lý sâu xa nghiên cứu Khoa học của sự chết.
Ngoài ra, Dấu Chân Trên Cát có rất nhiều câu quote (triết lý) sâu sắc thông qua các đoạn đối thoại, trao đổi giữa các nhân vật. Nếu mọi người đã yêu thích những triết lý nhân sinh trong cuốn Nhà giả kim thì Dấu chân trên cát cũng mang lại những điều tương tự. Hơn nữa, đây còn là những quan niệm, góc nhìn về sự sống và cái chết, về sự tuần hoàn của vũ trụ, về sự tương thích giữa con người và vạn vật…
Một vài trích dẫn yêu thích
“Phương pháp trị bệnh là một nghệ thuật thiêng liêng; vì là một nghệ thuật có thiêng liêng nên việc chữa trị bệnh phải bao gồm cả phần thể xác lẫn phần linh hồn. Không có bất cứ một con người nào có thể gọi là khỏe mạnh, nếu như tâm hồn của họ què quặt, linh hồn của họ ốm đau.”
“Nếu con nhìn đời sống này như là một phần nhỏ của một hành trình kéo dài rất lâu, qua các cõi giới, các kiếp sống khác nhau thì con sẽ thấy việc sống trái với các định luật tự nhiên có thể gây ra những hậu quả, không hẳn trong kiếp này mà còn có thể ảnh hửng đến những kiếp sống khác nữa.
“Để giải quyết bất đồng, những dị biệt, những tranh chấp, những hận thù, chiến tranh, người ta cần phải thay đổi chính mình, chứ không thể đòi hỏi kẻ khác thay đổi được”.
“Sự thay đổi chính mình là một sức mạnh vô cùng lớn lao, một quyền năng phi thường, rất ít người có thể có, không phải ai cũng có thể có được, không phải ai cũng có thể làm được; chỉ có những con người minh triết, giác ngộ mới làm được.”
“Thiếu tình thương thì sẽ thiếu hiểu biết, và một khi không hiểu biết thì con người không thể cảm thông nhau, hậu qủa là con người chỉ thấy những khác biệt, sai trái của nhau; những quan điểm bất đồng sẽ nảy sinh thù hận, và thù hận thì nảy sinh chiến tranh – những điều tất yếu.”
Dấu Chân Trên Cát còn lôi cuốn bởi những tình tiết drama kinh điển
Nếu bạn thường hay xem những bộ phim cung đấu của Trung Quốc thì Dấu Chân Trên Cát cũng có những tình tiết drama chẳng kém cạnh.
Khi được vào cung, trực tiếp chứng kiến mọi việc diễn ra, Sinuhe nhận thấy rằng lòng tham con người là không giới hạn. Đó bà mẹ của Pharaoh, bởi khát vọng muốn được cai trị đất nước mà không từ một thủ đoạn nào. Bà ta tìm mọi cách để từng bước leo lên ngôi vị cao nhất: tiêu diệt các phe phái chống đối, tráo đứa con mới sinh của hoàng hậu cũ để con mình được làm vua, nhưng khi đứa con trai không làm theo ý mình, bà ta liền có ý định giết hại và thay đứa con gái là công chúa Baketamon vào ngôi vị. Cuối cùng, bà ta phải trả giá bằng một cái chết vô cùng bi thảm.
Hay như tướng Smenkere và Homremheb-người bạn thân của Sinuhe, những tưởng họ sẽ là người trung thành với Pharaol Akhenaten nhưng vì ngôi vị Pharaoh mà họ đã bán đứng người tin tưởng mình. Rồi đến các phe nhóm trong triều, họ luôn luôn bất mãn, đối đầu nhau, diệt trừ nhau nếu ai đó động đến quyền lợi của mình. Biến cố thay đổi liên tục, bất ngờ chẳng khác gì một thước phim quay chậm. Đây cũng có thể xem như một điểm lôi cuốn của cuốn sách này.
Một vài ý kiến trái chiều về Dấu Chân Trên Cát
Vì khá yêu thích cuốn sách Dấu Chân Trên Cát nên sau khi đọc xong, mình cũng tìm hiểu thêm một vài thông tin liên quan, xem bộ phim chuyển thể của Hollywood. Mình thấy có một số ít độc giả không hài lòng về bản phóng tác và phong cách làm việc của nhà xuất bản hay lời dẫn của Nguyên Phong dễ gây nên hiểu lầm.
Đầu tiên, mình đồng ý rằng có một vài giới thiệu sai lệch về tác giả Mika Waltari trong những trang đầu cuốn Dấu Chân Trên Cát. Nguyên Phong giới thiệu rằng Mika Waltari là “một nhà soạn kịch nổi tiếng” và “Cho đến nay, dù đã soạn hơn tám mươi vở kịch nổi tiếng nhưng The Egyptian vẫn là cuốn tiểu thuyết đầu tay và duy nhất của ông.” là chưa chính xác. Do đó, mình đã giới thiệu sơ lược về tác giả Mika Waltari trong phần đầu tiên để các bạn nắm thông tin. Mình hy vọng rằng, nhà xuất bản và GS John Nguyễn sẽ có những cải biên, đính chính trong thời gian tới để độc giả được tiếp cận với thông tin đúng nhất.
Thứ hai, mình cũng đồng ý rằng, trên bìa cuốn sách chỉ in mỗi thông tin Nguyên Phong phóng tác sẽ dễ gây hiểu lầm rằng cuốn sách do Nguyên Phong sáng tác. Vì thế, mình hy vọng rằng tên của Mika Waltari cũng sẽ được in trên trang bìa, thể hiện sự tôn trọng tác giả, tác phẩm gốc.
Cuối cùng, mình không đồng ý rằng vì vài sai sót ở phần giới thiệu tác giả mà phủ nhận giá trị của cuốn sách Dấu Chân Trên Cát. Bạn phải hiểu rằng Dấu Chân Trên Cát là phóng tác của Nguyên Phong và người phóng tác vẫn được hưởng quyền tác giả với tác phẩm của mình.
Phóng tác là sự mô phỏng theo nội dung của một tác phẩm đã có trước đó, chuyển tác phẩm từ thể loại này sang một thể loại khác nhằm tạo ra một tác phẩm có hình thức thể hiện khác so với hình thức thể hiện của tác phẩm ban đầu. Phóng tác được hiểu nôm na là diễn đạt lại bằng lối văn của mình, và cũng không có yêu cầu bắt buộc phải giống nguyên bản 100%. Do đó, mình đánh giá rằng, bằng giọng văn sâu lắng và kiến thức uyên thâm về văn hóa, tâm linh, Nguyên Phong đã mang đến cho chúng ta một tác phẩm phóng tác tuyệt vời, lôi cuốn và hấp dẫn với nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc.
Lời kết
Dấu Chân Trên Cát là một cuốn sách rất đáng nên đọc. Dấu Chân Trên Cát mang đến cho mình rất nhiều cảm xúc, càng đọc càng lôi cuốn bởi những tình tiết thú vị, những mâu thuẫn được đẩy lên cao và nút thắt dần được tháo gỡ. Không chỉ nói về văn hóa Ai Cập, Dấu Chân Trên Cát còn là một cuốn sách sâu sắc về giá trị tinh thần, tâm linh và cuộc sống.
Nếu bạn yêu thích cuốn sách này, còn chần chừ gì nữa mà chưa đặt ngay cho mình một cuốn.