Để cùng con lớn lên mà không áp lực, cha mẹ cần chấp nhận nhu cầu phát triển tự nhiên của trẻ, đồng thời chấp nhận sự không hoàn hảo của chính mình.
Hai cuốn sách Đừng ép con phải ngoan và Đánh bại kẻ cắp niềm vui, giành lại nụ cười của mẹ gửi thông điệp khiến cha mẹ nhìn lại những kỳ vọng đã đặt lên con, cũng như chính mình, từ đó trân trọng khoảng thời gian hạnh phúc bên con.
Loại bỏ áp lực “con phải ngoan”
Đôi khi, tâm lý “phải dạy con để không bị người khác chê trách” của cha mẹ trở thành gánh nặng đè lên con cái.
Dưới đánh giá của hàng xóm, ánh mắt của mọi người nơi công cộng, cha mẹ tự đặt ra cho mình nhiệm vụ khó khăn. Ví dụ, phụ huynh phải dạy trẻ 2 tuổi phải chào khi gặp người lớn, không được tranh đồ chơi của bạn, phải biết xin lỗi khi làm bạn khóc.
Trong cuốn sách Đừng ép con phải ngoan, tác giả Shibata Aiko cho rằng những điều này chỉ là sự huấn luyện để làm thỏa mãn người lớn. Bởi sự phát triển của trẻ có thứ tự trước sau. “Trước khi trẻ nói được lời xin lỗi, cần có bước trẻ nhận ra được cảm xúc của mình và cảm xúc của người khác”.
Với trẻ hai, ba tuổi, cha mẹ không thể kỳ vọng sẽ luôn ngồi yên trên máy bay, xe buýt mà không đòi hỏi gì hay la khóc. Bởi ở giai đoạn này, trẻ chỉ biết đến cảm xúc của bản thân. Việc cha mẹ dạy trẻ “không làm phiền người khác” là không thể.
Đôi khi, cha mẹ lấy “con ngoan, trò giỏi” làm mục tiêu nuôi dạy. Khi con ăn lâu, vứt rác ra nhà, không chịu đi tắm, chọn quần áo chậm, không đạt điểm cao, không giành giải thưởng… có thể bị cha mẹ trách mắng.
Nhưng theo tác giả Shibata Aiko, trách mắng là vô ích đối với trẻ ở mọi lứa tuổi. Bà khuyên rằng cha mẹ thay vì trách cứ theo mong muốn của mình, hãy để con tự tích lũy kỹ năng.
Trong hành trình nuôi dạy con, nhất là giai đoạn trẻ ở tuổi mầm non, điều cần thiết là cha mẹ kiên trì với sự phát triển theo trình tự của trẻ. Cha mẹ phải bỏ qua sự đánh giá từ bên ngoài để không gây sức ép với trẻ.
Trở thành người mẹ hạnh phúc
Nếu Đừng ép con phải ngoan giúp bạn đọc thấy điều quan trọng trong hành trình nuôi dạy con là lắng nghe trẻ, thì Đánh bại kẻ cắp niềm vui, giành lại nụ cười của mẹ (tác giả Rebecca Eanes) sẽ hướng dẫn những người mẹ chấp nhật sự thật rằng, không tồn tại một người mẹ hoàn hảo nhưng bạn luôn có thể trở thành một người mẹ hạnh phúc.
Sách trích dẫn: “Trong những ký ức tuổi thơ hạnh phúc nhất của mình, cha mẹ chúng ta cũng đều rất hạnh phúc”. Điều đó có nghĩa đứa trẻ chỉ hạnh phúc khi có một người mẹ hạnh phúc.
Sách Đánh bại kẻ cắp niềm vui, giành lại nụ cười của mẹ cho thấy rằng bạn đã là một người mẹ tuyệt vời giữa bộn bề công việc và gia đình. Bạn cũng nhận ra hạnh phúc không nằm ở việc bạn dành đủ hai giờ để thực hiện danh sách “thực hành hạnh phúc”.
Thực tế, khi bạn vừa phải làm việc, vừa phải dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm, vừa phải loay hoay với lịch sinh hoạt của con, bạn không đủ hai giờ và không gian riêng để tập yoga, để thiền hay đọc sách.
Vì vậy, đừng xếp lịch trình quá dày đặc, hãy thực hiện từng bước nhỏ và bắt đầu bằng chiến lược “mười phút của niềm vui”. Hãy dành sự hiện diện và hoàn toàn chú tâm trong mười phút vào việc kết nối cùng con, tận hưởng niềm vui và hạnh phúc khi cùng con chơi lego hay đọc to cho con nghe.
Và hạnh phúc là một thói quen, với mười phút như thế mỗi ngày, bạn sẽ có 36.500 phút của những ký ức hạnh phúc cùng con trong 10 năm thơ ấu của con.
Có thể bạn quan tâm:
Trong hành trình làm mẹ, có lúc, bạn dễ rơi vào trạng thái lo lắng. Theo tác giả Rebecca Eanes, nếu bạn luôn có hàng triệu lý do khiến bạn thấy tội lỗi khi làm mẹ, thì “bạn cũng có một triệu lý do để bạn cảm thấy mình là một người mẹ tuyệt vời”. Vì vậy, đừng để gánh nặng trong tâm trí đánh cắp đi hạnh phúc người làm mẹ.
Đồng thời, cuốn sách gợi ý người mẹ viết nhật ký bằng cách trả lời những câu hỏi liên quan thói quen hạnh phúc, giúp người mẹ nhìn thẳng vào nội tâm mình và những vấn đề đang gặp phải, từ đó điều chỉnh cảm xúc, hành vi.
“Làm mẹ chính là việc khó khăn nhất và tuyệt vời nhất mà bạn từng làm và việc đó sẽ khiến bạn thay đổi mãi mãi”. Thời gian trôi đi rất nhanh, “hãy tận hưởng hết mức có thể. Hãy chậm lại. Hãy nghỉ lấy hơi. Hãy để những điều nhỏ nhặt trôi đi. Hãy cho con ngồi trong lòng mình. Hãy ở bên nhau nhiều hơn một chút và chơi đùa cùng nhau lâu hơn một chút. Hãy kết nối với nhau. Hãy tạo nên thật nhiều ký ức”, trích nội dung sách.
Nguồn: Zingnews