Nhà báo Lưu Đình Long cho ra mắt tác phẩm Bình An Mà Sống, Tuổi Trẻ Online có cuộc trò chuyện cùng anh về tác phẩm mới nhất cũng như những chia sẻ về cách ‘bình an mà sống’ giữa tình hình dịch bệnh hiện nay.
Lưu Đình Long nhiều năm nay là cái tên quen thuộc xuất hiện trên các chuyên trang Văn hóa, Sống đẹp, Tổ ấm… của các báo. Anh cũng là tác giả của nhiều đầu sách về sống an lạc.
Xử lý khó khăn của mình mỗi ngày một cách tích cực
PV: Trước Bình An Mà Sống, anh đã có những tác phẩm như Lắng Nghe Hơi Thở, Tâm Kinh Mình Thuyết Cho Mình, Như Mây Thong Dong, Như Gió An Lành. Tác phẩm mới nhất này có những điều gì đặc biệt so với những tác phẩm trước không?
– Bốn tác phẩm trước là những đối thoại bên trong. Tôi gọi là “làm việc với chính mình” về những suy nghĩ, lời nói, việc làm hằng ngày tôi trải, tôi gặp, tôi nghe. Đến Bình An Mà Sống tôi “làm việc” với những người thật, việc thật bên ngoài, đa số là vấn đề thời sự, chẳng hạn như từ thiện, anh hùng bàn phím, COVID và nỗi bất an, nghề giáo và lương tâm với lương tháng, cách dạy con hay của một người chị người em từ ứng dụng “con vào dạ mạ đi tu” của người xưa… Đó là những câu chuyện có thật về cuộc đời những con người bình dị hay những người nổi tiếng, họ đã làm những việc mà tôi gọi là “Bồ Tát giữa đời thường”. Khi đọc, bạn có thể va chạm với những điểm nhìn của tôi nhưng không sao, tôi tin dù có nghĩ khác nhưng chúng ta luôn mong điều tốt đẹp. Nên tôi sẽ tôn trọng và trân trọng lắng nghe chia sẻ, góp ý…
- Những cuốn sách giúp cân bằng tinh thần trong mùa dịch
- Triết lý ‘con rùa’ – Câu chuyện hay đáng suy ngẫm
PV: Cái tên Bình An Mà Sống trái ngược với tâm lý bất an của nhiều người dân, nhất là người dân Sài Gòn hiện tại. Anh nghĩ độc giả sẽ đón nhận thông điệp này của anh thế nào?
– Trước dịch bệnh, suy thoái kinh tế… bủa vây, nỗi lo sợ, bất an là bình thường. Ở bài pháp đầu tiên, Đức Phật có nói đến khổ và con đường diệt khổ để đạt đến an vui, niết bàn. Theo đó, Ngài có nhắc đến bệnh, xa người mình thương, cầu bất đắc ý là những cái thuộc “bát khổ” (8 cái khổ của con người). Khi nhận rõ, đây là những cái khổ chung của kiếp nhân sinh thì thay vì chống lại, mình nên học cách chấp nhận.
Những ai đã có cái thấy nhân – duyên – quả, xử lý khó khăn của mình mỗi ngày một cách tích cực thì đến lúc khó khăn hơn, họ đã có kỹ năng để vượt qua. Những người như vậy họ có thể sống bình an trong mọi hoàn cảnh.
Còn người chưa có kỹ năng nào, cần phải thực tập ngay, nỗ lực mỗi ngày để bình an mà sống. Nếu trong bất an mà ta còn tạo thêm nỗi bất an thì cũng giống như người đang đi trong bóng đêm lại từ chối ánh sáng.
Thông điệp của Bình An Mà Sống, tôi nghĩ đến việc thắp sáng lòng mình (bình an) để vượt qua bóng tối (nỗi lo sợ, dịch bệnh, bất an) để sống một cách có chất lượng. Một cái cây khi qua giông bão sẽ mạnh mẽ hơn, con người cũng thế.
Sống trọn vẹn ngày hôm nay
PV: Tuy tên sách có vẻ “thoát tục” nhưng các vấn đề trong sách khá thời sự, anh có thể chia sẻ cách bản thân tìm lại sự cân bằng trong một thế giới bấp bênh như hiện nay?
– Là một Phật tử, mỗi ngày tôi đều dành thời gian cho thời khóa (thiền tập, niệm Phật, tụng kinh). Ngoài ra, tôi vẫn làm việc tại nhà, ở yên, kết nối chia sẻ với người khó khăn hơn.
Hiện tôi đang thực hiện chương trình “Tình người nơi xóm trọ” để giúp phần nào khó khăn của những người dân tứ xứ về Sài Gòn mưu sinh, sống ở những khu trọ gần nơi mình ở. Rất may, tôi đã nhận được sự yểm trợ từ nhiều người, là bạn bè, những người thương quý mình qua sách, báo.
Như tôi nói ở trên, trong lúc khó khăn chung này, mỗi người phải trở lại nương tựa chính mình (qua đời sống tinh thần, tâm linh); làm được gì tích cực, giúp ai được gì thì hết lòng. Ngoài ra, khi tiếp nhận thông tin cũng cần tỉnh thức, cần có “bộ lọc” tin giả, tin đồn để tránh hoang mang. Trong giãn cách nếu không đi được ra bên ngoài, bạn hãy đi vào bên trong.
PV: Trước tình hình hiện tại, theo anh chúng ta phải làm thế nào để “bình an mà sống”?
Theo tôi, hãy nghĩ, nói và làm những điều tích cực. Có thể xem đó là những hạt giống của bình an. Đồng thời, chuẩn bị mọi tình huống xấu nhất có thể xảy đến với mình và người thân – thương của mình, để dù có thế nào mình cũng không suy sụp. Chỉ có tinh thần tốt ta mới cứu được mình và giúp người khác, tự nhắc mình như thế, xem đó là “thần chú” tụng niệm.
Sáng nay thức dậy, bạn còn sống, còn khỏe mạnh đã là một hạnh phúc mà mình phải trân quý rồi. Giữ nguyên tắc phòng dịch (5K), tuân thủ chỉ thị trong giãn cách xã hội cũng là cách bình an mà sống.
Nếu được, có thể mở lòng sẻ chia với người yếu thế, để nỗi khổ lo vơi bớt, đồng nghĩa với năng lượng an lành tăng lên. Hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay, an lành ngay hiện tại, quá khứ đã qua rồi, tương lai còn chưa tới…
Theo TTO.