Những Người Đẹp Say Ngủ đến với mình vì bìa thiết kế đẹp của Nhã Nam và sự tò mò về một tác phẩm đạt giải Nobel Văn học. Sách bìa cứng như một cuốn sổ nhỏ xinh, cầm tay rất thích. Cuốn sách cũng khá mỏng nên không tốn quá nhiều thời gian của bạn đâu. Cùng mình review về tác phẩm Những Người Đẹp Say Ngủ này nhé.
- Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất
- Ông Già Và Biển Cả – Ông lão mạnh mẽ kiên cường luốn theo đuổi quyết tâm
Vài nét về tác giả Kawabata Yasunari
Kawabata Yasunari là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt Giải Nobel Văn học (1968) với lời nhận xét của Viện Hàn Lâm Thụy Điển “Văn chương của Kawabata Yasunari thể hiện cốt lõi tâm hồn Nhật Bản với những rung cảm tinh tế tuyệt vời, gây ấn tượng sâu sắc đến mọi người trên thế giới”.
Ông sinh ngày 14/6/1899 tại thành phố Osaka, Nhật Bản. Tuổi thơ của Kawabata đã phải chứng kiến nhiều cái chết và sự ra đi. Mồ côi khi mới được 2 tuổi, ông và chị sống cùng ông bà ngoại. Khi ông lên 7 thì bà ngoại mất, 9 tuổi chị qua đời, đến năm 14 tuổi thì mất cả ông ngoại. Có lẽ vì thế mà trong văn của Kawabata luôn chất chứa nhiều u uẩn, cô đơn, đề cao vẻ đẹp hư ảo, mong manh trong đời sống thiên nhiên và định mệnh con người.
Ông mất năm 1972, để lại người đời sau nhiều sáng tác văn chương, phê bình văn học, tiểu luận mỹ học xuất sắc, có sức hấp dẫn với những ai đam mê văn hóa Nhật. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: Xứ Tuyết, Âm Thanh Của Núi, Ngàn Cánh Hạc, Cố Đô, Những Người Đẹp Say Ngủ…
Đôi nét về tác phẩm
Lấy cảm hứng từ vở kịch Những Mỹ Nữ Của Eguchi, Kawabata Yasunari đã xây dựng nên Những Người Đẹp Say Ngủ, một cuốn sách có cốt truyện vô cùng kỳ dị, buồn và đậm “chất Nhật”. Eguchi, một ông lão gần 70 tuổi, qua lời giới thiệu của một người bạn, tò mò mà ghé thăm ngôi nhà của “những người đẹp say ngủ”. Đêm đến, ông sẽ tới nằm cạnh các cô gái trẻ đương độ tuổi 20 bị làm cho “say ngủ”, trong trạng thái khoả thân.
“Nàng được biến thành một đồ chơi sống, để các cụ già đã mất năng lực đàn ông không bị cảm thấy xấu hổ. Không, không phải một đồ chơi: đối với các cụ, nàng chính là cuộc sống. Một cuộc sống người ta có thể sờ mó được một cách tự tin.”
Cuốn sách xoay quanh 5 lần ông lão Eguchi đến với căn nhà “mật thất” này. Trên bề mặt là miêu tả một ông già suy kiệt hy vọng tìm mọi cách để có lạc thú, thực ra là thể hiện việc tìm ra cách cứu vớt và tĩnh hóa tâm linh trước những bủa vây của phiền não thế tục.
Tác phẩm khắc họa chân thật tâm trạng của ông lão Eguchi trong năm đêm ông ngủ cùng những người đẹp. Eguchi lúc đầu đến với ngôi nhà chỉ vì sự tò mò nhưng lại không ngờ ở một nơi đầy mê hoặc như thế lại mang đến cho ông những nỗi suy tư về một thời tuổi trẻ, chìm sâu vào những niềm ký ức xưa cũ và đôi lúc cảm thấy buồn tủi cho thân phận già nua của mình. Chuyện cứ như vậy, cho tới khi các sự cố liên tiếp xảy đến như tiếng sóng ngoài khơi dấy lên muốn nhấn chìm Eguchi cùng căn nhà nhỏ.
Cảm thức về nỗi cô đơn và cái chết lẩn quất trong Những Người Đẹp Say Ngủ
Tuổi già, là độ tuổi con người ta dễ hoài niệm. Đặc biệt khi ở bên một vẻ đẹp trẻ trung thì người ta lại càng nhớ về quá khứ nhiều hơn. Từ nỗi buồn sâu thẳm trong những hoài vọng đã xa mà bao ẩn ức cô đơn ập về trong tâm trí ông lão. Nếu không cô đơn, ông đã không quay trở lại căn nhà lần thứ hai. Nếu không cô đơn, ông lão đã không khao khát được giao tiếp với người con gái bên cạnh bằng bất kỳ phương thức nào đến thế. Nếu không cô đơn, một con người gần đất xa trời đã chẳng nhớ về bóng hình của mẹ. Và nếu không đơn độc, một ông lão vốn ở độ tuổi vui vầy cùng gia đình đã chẳng tìm về một nơi an ủi tâm hồn theo cách thức đặc biệt như căn nhà nhỏ này. “Phải chăng đối với những ông già không còn được đàn bà coi là đàn ông nữa, thì một cô gái ngủ li bì, miệng không nói, tai không nghe lại dường như là kẻ sẵn sàng chuyện trò và lắng nghe mọi thứ?”
Bên cạnh cảm thức về nỗi cô đơn, cái chết cũng là điều trở đi trở lại trên văn chương của Kawabata nói chung và trong tác phẩm này nói riêng. Ông lão Eguchi không dưới ba lần muốn kiểm chứng sự sống của cô gái nằm cạnh bằng cách thử sát hại cô rồi sau đấy tự sát: “Dù bóp cổ đến chết, cô gái cũng không tình dậy sao?/ Tôi nghĩ vậy/ Thế thì còn gì hợp hơn cho việc tự sát cùng nhau.” Để rồi cuối cùng, cái chết đã hiện hữu thành hình khi có những sự cố xảy ra khiến liên tiếp hai người chết: một ông lão và một cô gái say ngủ.
Cảm nhận sau khi đọc Những Người Đẹp Say Ngủ
Tình tiết kì lạ có vẻ dung tục trong Những Người Đẹp Say Ngủ đã mang lại những tranh luận cho tới nay vẫn chưa chấm dứt. Ở Trung Quốc phần lớn học giả đều cho rằng tác phẩm là đồi trụy hư vô không lành mạnh, bộc lộ tâm lí bệnh hoạn của tác giả. Ngay trên quê hương Nhật Bản, cũng có không ít tiếng nói phê phán tác phẩm này từ nhiều góc độ khác nhau.
Nhưng theo mình thì tác phẩm không dung tục theo tình tiết của những sắc tình ướt át, mặc dù khi đọc đôi lúc cũng ngại ngùng. Những ông già trong tiểu thuyết cơ bản thể hiện nỗi luyến tiếc về sức sống tràn trề đã từng có của đời người trong những năm tháng xa xưa, là sự hưởng thụ khoái lạc về thể xác cũng như khoái cảm tinh thần hết sức thuần khiết phiêu diêu và hư vô. Qua những dòng miêu tả, độc giả còn cảm nhận những nỗi cô đơn, buồn tủi của tuổi già khi đặt cạnh tuổi xuân mơn mởn của các cô gái. Trong diễn ngôn, trước sau tác giả đều hết sức cẩn thận bảo toàn sự trong sạch cho các cô gái, đồng thời ra sức truyền cảm sự hồn thuần cao khiết hết sức đáng yêu của những cô gái này.
Vậy nên đánh giá chung lại mình cảm nhận tác phẩm thiên về nghệ thuật hơn. Có lẻ vì thế mà tác phẩm đạt giải Nobel chăng?