Những Tấm Lòng Cao Cả là tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của nhà văn người Ý – Edmondo De Amicis. Cuốn tiểu thuyết viết dưới dạng nhật ký của một cậu bé học sinh lớp ba – Enrico. Những mẫu chuyện nhỏ về bạn bè, gia đình, trường học, cuộc sống… sẽ làm bạn đọc cảm động thật sự.
Giới thiệu tác giả
Edmondo De Amicis được sinh ra tại Oneglia, thành phố biển Imperia của xứ Liguria, Italia. Khi trưởng thành, ông vào trường quân đội của Modena và trở thành sĩ quan quân đội Ý. Ông đã tham gia chiến đấu đánh Custoza trong cuộc chiến giành độc lập lần thứ 3 của quân đội Italia chống lại đế quốc Áo.
Khi nước nhà độc lập, ông quyết định rời bỏ quân ngũ và trở thành tác giả, nhà văn. Các tác phẩm của ông mang đậm dấu ấn chủ nghĩa quốc gia yêu nước sâu sắc, về sau lại trộn lẫn thêm với xu hướng dân chủ xã hội.
Những Tấm Lòng Cao Cả là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng của ông.
Nội dung tác phẩm Những Tấm Lòng Cao Cả
Cuốn sách được trình bày theo hình thức một cuốn nhật kí. Chủ nhân của cuốn nhật kí ấy cậu học trò lớp ba người Ý, Enrico Bottini. Trong khoảng thời gian mười tháng là học sinh lớp ba, Enrico đã quan sát và ghi lại những chuyện lớn nhỏ đã xảy ra xung quanh, ở trường học, ngoài đường phố và ở nhà. Không chỉ ghi chép đơn thuần, cậu còn ghi lại suy nghĩ và cảm tưởng của chính mình.
Những trang sách đầu tiên nói về ngày khai trường của Enrico. Ở đó cậu đã gặp lại thầy giáo dạy mình hồi lớp hai, người thầy có mái tóc hung, bù xù và tính tình vui vẻ hài hước. Thầy giáo năm nay của cậu tên là Pecboni, là một người cao lớn, không có râu, tóc dài đã hoa râm hết, tiếng nói rất to. Thầy Pecboni rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân hậu. Chính vì vậy mà rất nhiều học trò cũ đều mến yêu người thầy này.
Ở trong lớp học đó, Enrico đã được tiếp xúc với những cậu bé đủ mọi tính cách như Garone – một người bạn cao lớn, hào hiệp, luôn giúp đỡ mọi người, bênh vực kẻ yếu thế. De Rossi – một chú bé rất thông minh, luôn đứng đầu lớp nhưng không hề kiêu căng. Trong khi đó, Votini lại luôn ganh tị với De Rossi. Và những người bạn như Precossi, Crossi, Coretti thì xuất thân từ gia đình nghèo nhưng vẫn luôn cố gắng vươn lên trong học tập và lao động. Ngoài ra trong lớp học còn có những nhân vật có tính cách đặc biệt như Stacdi lầm lì, ít nói, thậm chí bố cậu đã nói với thầy phải thật kiên nhẫn vì con ông “đầu đất”. Vậy mà kết quả là Stacdi trở thành một trong những học sinh giỏi nhất lớp. Còn cả Franti hư đốn luôn bắt nạt bạn bè và hỗn cả với thầy.
Tuyến nhân vật người lớn cũng được xây dựng nhiều tính cách khác nhau như bố mẹ Enrico luôn chăm sóc yêu thương con hết mực, dạy cho con nhiều bài học qua những lá thư. Trong khi đó bố Precossi lại luôn say rượu và đánh đập cậu, phải đến khi cậu nhận được huy chương xuất sắc của lớp thì ông mới tỉnh ngộ…
Nhân vật trong cuốn nhật kí rất đa dạng, phong phú. Mỗi người mang một đặc điểm, một tính cách khác nhau. Tất cả tạo thành một xã hội thu nhỏ trong con mắt của cậu bé.
Đánh giá và cảm nhận về Những Tấm Lòng Cao Cả
Như mình đã giới thiệu ở trên, những mẫu chuyện nhỏ trong tác phẩm xoay quanh nhà trường, gia đình và xã hội. Tác giả như muốn truyền đạt thông điệp rằng: Nếu trường học là nơi các em được tiếp xúc với tri thức, nhân văn; thì đường phố sẽ là nơi các em được tiếp xúc với con người ở mọi tầng lớp trong xã hội. Gia đình là nơi để yêu thương và sẻ chia những điều đã thấy. Nhà trường, xã hội và gia đình, tựu chung lại, giúp định hình tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
Những lời dạy qua mỗi câu chuyện rõ ràng là không có gì đáng bàn cãi về tính giáo dục của nó đối với trẻ con. Ví dụ như thông qua câu chuyện về cô giáo lớp một trên của cậu, thầy giáo lớp ba Pecbôni, thầy hiệu trưởng, cô giáo của em trai và cả người thầy ngày xưa của bố, ta thấy toát lên một sự cao thượng của nghề trồng người. Với mỗi cá nhân, không ai thành đạt mà chưa một ngày được dạy dỗ bởi thầy cô. Vì vậy, hãy kính trọng và biết ơn thầy cô giáo của mình.
Có thể bạn quan tâm:
- Top 10 tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển nhất
- Review sách Những Chiến Binh Cầu Vồng
- Harry Potter và Hòn Đá Phù Thủy
Thông qua những lời dạy bảo của cha mẹ dành cho Enrico, chúng ta càng thấy được giáo dục gia đình quan trọng như thế nào trong việc hình thành nhân cách trẻ. Enrico thật may mắn khi có được cha mẹ vô cùng yêu thương mình, không những thế lại còn tâm lý và tinh tế nữa. Ông bà Bottini viết thư cho cậu con trai mỗi tháng không phải vì ở xa gửi về, mà đơn giản là ông bà muốn khuyên nhủ và chia sẻ với con một cách nhẹ nhàng, nhưng vẫn nghiêm nghị. Lời nói thì dễ dàng quên ngay trong khi một bức thư thì có thể lưu giữ mãi. Có lẽ vì lí do đó mà ba mẹ Enrico đã chọn hình thức nói chuyện với con đặc biệt như vậy khi cần trao đổi những vấn đề nghiêm túc. Đây cũng là một phương pháp mà các bậc cha mẹ hiện nay có thể học hỏi và áp dụng.
Tuy nhiên, tác phẩm xây dựng hình tượng nhân vật theo hướng hình tượng hóa và gán cho mỗi nhân vật một nét tính cách đặc trưng rất rõ ràng là xấu và tốt. Vì thế, đôi lúc tạo cho độc giả cảm giác không hiện thực. Nhưng điểm này mình thấy chỉ hợp lý nếu độc giả là người lớn đọc thôi. Còn đối với trẻ em, nên để cho con có những góc nhìn nhân văn như thế.
Một vài trích đoạn hay trong Những Tấm Lòng Cao Cả
“Các con ơi ! Các con hẳn được vui lòng vì hôm nay mới vào trường ta một người học trò quê ở xứ Calabria cách đây xa lắm, ở mãi tận miền cực nam nước ta… Các con ơi! Các con hãy yêu quý bạn con cho bạn con khuây nổi nhớ quê. Các con hãy tỏ cho bạn con biết rằng một đứa trẻ nước Ý đi đến trường nào trong nước là cũng gặp được bè bạn, gặp được anh em ở trường ấy.”
“Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn ! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào ! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường.”
“Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. Enricô ơi ! Lần sau không được thế nữa ! Thái độ hỗn hào của con đã xuyên thấu trái tim cha như một mũi dao. Cha còn nhớ mấy năm trước đây, mẹ con đã thức suốt đêm ở cạnh giường con, nghe hơi con thở, mẹ con đã lo lắng võ người và mỗi khi nghĩ đến nỗi phải “bỏ” con thì lại sụt sùi. Con ơi ! Con nên nghĩ đến những lúc ấy và không nên tệ với mẹ con, một người mẹ sẽ sẵn lòng đem một năm hạnh phúc của mình để chuộc một giờ đau đớn cho con, một người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống ! Con ơi ! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là ngày con mất mẹ con.”
“Enricô ơi ! Con van mẹ con đi, để mẹ con hôn con cho cái hôn ấy xoá sách vết vô ơn ở trên trán con. Con ơi ! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quý báu nhất đời của cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ!”