Phải rất lâu rồi mới có một quyển sách mang lại cảm giác muốn đọc chầm chậm, đọc nhín nhín, kiểu như đang thưởng thức một món ngon nên phải ăn dè: Hạnh Phúc Phải Giấu Kín của tác giả Trịnh Văn Sỹ.
Nhan đề sách mới trông thấy cũng bình thường. Chỗ chú ý là thông tin bên lề cho biết tác giả này là một “phát hiện” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thế thôi.
- Top những cuốn sách hay về mục đích sống giúp bạn cảm nhận ý nghĩa cuộc sống
- Những cuốn sách hay của Thiền sư Thích Nhất Hạn giúp bạn sống an yên
Nhưng ngay những dòng đầu tiên trong Hạnh Phúc Phải Giấu Kín, một cảm giác rùng mình đã xuất hiện nơi người đọc. Cảm giác như mình đang có cơ duyên được thâm nhập vào tận cõi lòng của một con người đang thay mặt cho nhiều thế hệ người đời trong nhiều mối quan hệ thuật lại bằng câu chữ những đoạn trường cuộc sống mà ông đã trải qua.
Câu chữ ở đây như trào lên từ chiều kích sâu thẳm nào đó trong tâm hồn mà tác giả đã đem ra để thù tiếp cùng cuộc sống, đón đỡ cùng số phận và thủ thắng trước biến động thời cuộc… Có lẽ cung cách ấy đã mang lại cho Trịnh Văn Sỹ một đời sống “nhiều hơn hẳn” so trong quỹ thời gian chung của mọi người.
Đau đớn trước thực trạng mất làng, mất văn hóa, mất giềng mối gia đình đang diễn ra, Trịnh Văn Sỹ không viết địa chí, không chép phong tục làng mình.
Ông kể từng câu chuyện như những mảnh ghép có sức ám ảnh khiến người đọc thấm thía giá trị của thói ăn nết ở từ người dân trong một cộng đồng – để từ đó làm nên phong tục.
Lại mường tượng hiểu ra rằng con người vốn dĩ có mối liên hệ vô ngôn với mảnh đất mình gửi gắm một quãng đời không kể dài hay ngắn.
Và chọn vùng đất nào để hình thành nơi sinh sống từ những người đầu tiên cho đến lớp lớp cháu con “đông đàn dài lũ”… lại chính là một phần trong tinh hoa trí tuệ của những cá nhân đi tiên phong.
Thành ra ngôi làng Đa Sĩ của ông độc đáo ngay từ thuở mới hình thành, ngay cái tên làng do vua đặt cho cũng khái quát được phần nào nội lực và chiều sâu phong hóa ở đây.
Nhưng mải theo những câu chuyện ly kỳ mà rất thật, xa xưa nhưng gần gũi, người đọc không để ý thấy nước mắt mình ứa ra theo nhiều tình tiết. Tác giả kể chuyện bình dị về cái ăn cái mặc của người làng, mà khái quát cả mấy giai đoạn thăng trầm trong lịch sử:
“Người mẹ còn đắn đo may cho đứa con nào trước, đứa nào sau. Đứa nào may quần, đứa nào may áo, đứa nào chỉ mua dép. Đứa không có gì, dỗ nó thế nào để nó đồng ý đợi sang năm… Tôi còn chứng kiến một bà mẹ khác ngồi trên bậc cửa nhà.
Nước mắt bà chảy ra, nhìn những đứa con tranh nhau xem, tranh nhau thử chiếc quần mới. Để rồi chỉ một đứa được mặc, được vui. Những đứa khác lặng lẽ nhìn mẹ, nhìn chiếc quần, lẳng lặng ra cổng ngõ ngồi…”.
Đọc đến nửa quyển sách, hoàn cảnh riêng của tác giả mới được tiết lộ… Người đọc nhận ra thêm: Hai chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ, nuôi nhau từ tuổi lên 10 trong hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh cơ cực đỉnh điểm… Những tình thế ấy chắc chắn đã góp vào cho tác giả một phần vốn sống đáng kể.
Những vốn sống độc đáo như thế bàng bạc trong khắp tập sách này của Trịnh Văn Sỹ. Có bài học đắt đến không ngờ, chính là trong câu chuyện được lấy tên làm nhan đề sách:
Hạnh phúc phải giấu kín. Nó là cách đối nhân xử thế, là cách hành xử tế nhị mà bất ngờ, nhân ái vượt qua lễ nghĩa, cảm động lòng người không chỉ một vài thế hệ… Chuyện ấy, xin mời bạn đọc tự tìm cho mình qua quyển sách này.
Theo TTO