Dám Bị Ghét đích thực là một cuốn sách self-help. Đọc tiêu đề một phần cũng xuất hiện ẩn ý của cuốn sách. Và nếu bạn là một người theo trường phái kỳ thị dòng sách self-help vì những câu từ cổ động phù phiếm, sáo rỗng, thì cũng hãy từ từ xíu đã. Cuốn sách này mang đến nhiều điều ý nghĩa hơn thế.
Dám Bị Ghét mang hình bóng của một tác phẩm văn học mới lạ, hấp dẫn và lôi cuốn thông qua cuộc đối thoại cực kỳ nghiêm túc giữa Triết gia và Chàng thanh niên nhiều khúc mắt. Cuốn sách kinh điển này thẳng thắng, trực diện, như một cú tát vào mặt những con người trẻ tuổi. Bạn sẽ đi từ ngạc nhiên, phản đối, thừa nhận rồi bị thuyết phục và có thể thay đổi cả nhân sinh quan của bản thân mình. Rất hấp dẫn đúng không? Hãy tiếp tục cùng mình review về cuốn sách Dám Bị Ghét này nhé.
Đôi nét về tác giả và tác phẩm Dám Bị Ghét
Dám Bị Ghét được viết bởi bộ đôi tác giả Nhật Bản Kishimi Ichiro và Koga Fumitake. Một người là nhà triết học chuyên nghiên cứu thuyết tâm lý của Alfred Adler, một người là nhà văn có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Chính vì sự kết hợp của bộ đôi tác giả này mà Dám Bị Ghét có một nét rất riêng.
Dám Bị Ghét được phát hành vào tháng 12 năm 2013. Tính đến nay đã xuất bản được gần 2 triệu bản và là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thị trường Nhật trong những năm qua.
Cuốn sách dành cho mọi đối tượng, những ai đang chông chênh hay có cảm giác tự ti, so sánh, chán ghét bản thân, áp lực và dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Bạn sẽ dần khám phá ra con đường dẫn tới hạnh phúc, tự do qua 05 đêm trò chuyện đầy thân mật nhưng cũng rất gay gắt giữa Triết gia và Chàng thanh niên dựa trên tóm tắt tư tưởng của tâm lý học Adler.
Con người có thể thay đổi – Cuộc sống là do mình tạo ra
Trong cùng một hành tinh, một bầu khí quyển, tại sao lại có người hạnh phúc, thấy cuộc sống thật giản đơn, trong khi một số khác lại bi quan và mắc kẹt trong cuộc sống hỗn độn của mình? Đó là bởi vì chúng ta không sống trong thế giới khách quan mà sống trong thế giới chủ quan do chính mình tạo ra. Do đó, nếu bản thân thay đổi thì thế giới sẽ trở lại hình hài đơn giản. Vấn đề không phải là thế giới như thế nào mà là bản thân mình như thế nào. Đó là thông điệp sâu sắc đầu tiên mà mình cảm nhận được. Cứ theo như lập luận này thì cuộc sống là do chính mình quyết định. Nó buồn, vui, hạnh phúc… hay mang hình hài như thế nào là do chính ta mà ra.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với điều đó. Chúng ta sẽ phản bác rằng, con người không thể thay đổi. Cuộc sống của chúng ta đâu có ai muốn bị khổ, bi quan, sợ hãi. Nhưng chúng ta không lựa chọn được gia đình, hoàn cảnh hay những biến cố xảy đến. Những sự kiện trong quá khứ liên tục xảy ra và kết quả dẫn đến con người chúng ta hiện tại. Đó chính là THUYẾT NGUYÊN NHÂN của Sigmund Freud.
Nhưng hãy nghe Triết gia nói (quan điểm của tâm lý học Adler): Chúng ta ban đầu đã có mục đích về một sự vật hay sự việc nào đó dẫn đến những hành động sau này để củng cố những mục đích ấy. Một quan niệm về THUYẾT MỤC ĐÍCH. Ông không nói rằng những tai nạn hay ngược đãi nghiêm trọng hồi nhỏ không ảnh hưởng chút nào tới việc hình thành nhân cách. Nhưng điều quan trọng là bản thân trải nghiệm ấy không phải điều quyết định. Chúng ta quyết định cuộc đời mình bằng cách gán “ý nghĩa nào đó” cho những trải nghiệm trong quá khứ. Quá khứ không quyết định hiện tại. Cuộc đời không phải là thứ được kẻ khác định đoạt mà do chính mình lựa chọn. Chỉ có CHÍNH CHÚNG TA mới quyết định và chịu trách nhiệm cho hiện tại mà thôi.
Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người và người
Theo Triết gia, mối quan hệ giữa người với người là căn nguyên của phiền muộn. Thoạt đầu, có thể bạn sẽ thấy thật khó hiểu và vô lý bởi hầu như chúng ta chỉ hay phiền muộn với chính bản thân mình, về những thiếu sót của mình mà thôi. Nhưng càng phân tích bạn sẽ càng ngộ ra nhiều điều. Chúng ta tự ti, mặc cảm hay mong muốn được công nhận, khen thưởng cũng chỉ bởi chúng ta quá sợ bị tổn thương, phủ nhận trong mối quan hệ với người khác mà thôi.
Tất nhiên, không thể xóa bỏ mối quan hệ giữa người với người nên để xóa bỏ muộn phiền cũng chỉ có thể bản thân chúng ta thay đổi góc nhìn và hành động mà thôi. Ông quan niệm “chúng ta không giống nhau nhưng lại bình đẳng với nhau”. Vì thế, hãy cư xử với mọi người theo mối quan hệ “hàng ngang” và rõ ràng trong phân công nhiệm vụ.
Sống cho chính mình, bỏ qua nhiệm vụ của người khác
Có một thực tế là con người dù có nổ lực đến đâu thì cũng sẽ có người không thích mình, chế giễu mình. Nếu chúng ta cứ chạy theo nhu cầu được người khác thừa nhận, suốt đời để ý đến đánh giá của người khác, cuối cùng sẽ thành ra sống cuộc đời của người khác. Sống để đáp ứng mong đợi của người khác và phó mặc cuộc đời mình, đó là cách sống lừa dối bản thân, lừa dối cả những người xung quanh.
Như đã chia sẻ ở trên, những phiền muộn về cuộc đời đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người nên trước hết hãy vạch ra ranh giới riêng “Từ đây trở đi không phải là nhiệm vụ của mình”. Sau đó bỏ qua nhiệm vụ của người khác, cũng như không để người khác can thiệp vào nhiệm vụ của mình. Đó là bước đầu tiên để giảm gánh nặng cuộc đời, khiến cuộc sống trở nên đơn giản.
Về lý trí chúng ta có thể chấp nhận điều đó nhưng vẫn còn một áp lực vô hình nào đó từ xã hội, từ các quan điểm văn hóa, truyền thống đè nén chúng ta. Do đó, để thay đổi, mỗi chúng ta điều cần một “lòng can đảm” rất lớn. Đó cũng có thể là một phần lý do mà tâm lý học Adler được gọi là tâm lý học của lòng can đảm.
Sống hết mình “Ngay tại đây, Vào lúc này”
Nếu coi cuộc đời là hành trình leo núi và đích đến là đỉnh núi thì đến quá nửa đời là ở trên đường rồi. Nếu lúc đặt chân lên đỉnh núi, “cuộc đời thực sự” mới bắt đầu thì quãng đường trước đó là “cuộc đời tạm” của một “tôi sống tạm”. Bạn có muốn một cuộc sống tạm bợ như thế không?
Và quan điểm của Adler cũng không ủng hộ đều đó. Theo ông, cuộc đời là những khoảnh khắc tiếp nối, những chấm liên tục chứ không phải là một vạch liền. Cuộc đời là những sát-na tiếp nối mà ta khiêu vũ không ngừng trong từng phút giây. Và khi vô tình nhìn quanh, ta chợt ngỡ ngàng nhận ra “Sao? Mình đã tới được đây rồi cơ à?” Ví dụ trong số những người nhảy điệu viết lách, có lẽ sẽ có người trở thành nhà văn. Tất nhiên, cũng có khả năng có những kết quả khác. Nhưng, không cuộc đời nào kết thúc “trên đường”. Chỉ cần ta khiêu vũ hết mình “ngay tại đây, vào lúc này” là được.
Lời kết
Ngoài những thông điệp chính mình đã review ở trên, cuốn sách còn có khá nhiều điều ý nghĩa khác mà bạn có thể tự khám phá thêm. Ví dụ như có một điều mình khá ấn tượng là con người dường như lại có xu hướng biến bất hạnh của mình thành một vũ khí để thao túng người khác. Họ khiến người xung quanh lo lắng, bó buộc lời nói, hành động của người khác bằng cách tỏ ra mình đau đớn, bất hạnh đến mức nào. Dĩ nhiên, trong câu nói của người bị tổn thương “Cậu không hiểu được cảm xúc của tôi đâu” có một phần là sự thật. Không ai có thể hiểu hoàn toàn cảm xúc của một người đang đau khổ. Nhưng một khi họ còn sử dụng bất hạnh của mình làm vũ khí để trở nên “đặc biệt” thì người đó sẽ mãi cần nổi bất hạnh. Quan điểm này mình thấy khá giống lời khuyên của Osho trong Hạnh Phúc Tại Tâm: “Không nên thông cảm quá nhiều với những người đau khổ. Nếu có ai đó đang đau khổ, bạn hãy giúp họ nhưng đừng tỏ ra thông cảm. Đừng mang đến cho họ cái ý niệm rằng đau khổ là quý giá”.
Một số bạn lo ngại cuốn sách có phải chỉ toàn là những khái niệm lý thuyết suông hay không thì hãy an tâm nhé. Với mỗi quan điểm đều có những dẫn chứng, phân tích ví dụ chi tiết từng trường hợp để bạn có thể cảm nhận được. Các ví dụ rất gần gũi, rất thực tế như chính cuộc đời thường của chúng ta. Và có thể bạn sẽ thấy một vài hình ảnh mình trong đó.
Tóm lại, Dám Bị Ghét nói về lòng can đảm, dám sống một cuộc đời mà mình mong muốn để tự do, tự tại, giải thoát bản thân khỏi những đau khổ do các mối quan hệ xã hội gây ra. Đọc xong cuốn sách chắc chắn ít nhiều sẽ tác động đến tư duy của bạn. Tuy nhiên, giống như việc Triết gia đã nói “Dẫn con ngựa đến bên bờ suối là nhiệm vụ của ta, còn uống nước hay không là nhiệm vụ của nó”. Ở đây, tác giả đã cung cấp cho bạn những nguyên lý tuyệt vời để thay đổi bản thân, sống cuộc đời hạnh phúc, còn có thay đổi hay không là nhiệm vụ của bạn đó.
Cảm ơn và chúc bạn ngày mới tốt lành!