Lại là một cuốn sách đạt giải Nobel nữa mình đọc trong thời gian này, sau cuốn Những Người Đẹp Say Ngủ. Có lẻ với một tâm hồn đơn giản như mình thì giới phê bình càng ca ngợi bao nhiêu thì mình lại càng thấy cuốn sách đơn thuần bấy nhiêu, đôi khi không hay bằng những tác phẩm văn học khác nữa. Có lẻ đó cảm nhận của mỗi người mỗi khác. Nhưng đánh giá chung thì Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối là một cuốn sách hay nên chiêm nghiệm về tuổi trẻ.
Đôi nét về tác giả Patrick Modiano
Patrick Modiano (sinh ngày 30 tháng 7 năm 1945) là một nhà văn Pháp. Ông có gần 30 tác phẩm. Năm 2014, ông được trao Giải Nobel Văn chương với tác phẩm Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối.
Trước đó ông từng đoạt giải Nhà nước Áo về Văn học châu Âu vào năm 2012 và Prix Mondial Cino Del Duca từ Institut de France cho thành tựu trọn đời của ông trong năm 2010.
Nội dung của tác phẩm
Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối lấy bối cảnh Paris những năm 1960. Câu chuyện không chia rõ các phần mà chủ yếu liên kết với nhau qua bốn ngôi kể là bốn người hoàn toàn khác nhau ở mọi phương diện. Một cựu sinh viên trường mỏ, một cô gái trẻ Jacqueline – Louki, người tình của cô Roland và một thám tử xa lạ Caisley vô tình cuốn vào cuộc sống của họ. Cả 4 nhân vật trong tác phẩm đều kể về những ký ức xoay quanh Louki nhưng dường như lại kể về chính cuộc đời của mình cho nhau nghe, một thời tuổi trẻ đã qua, lạc lối và đánh mất chúng.
Quyển sách sẽ là một lựa chọn hoàn hảo cho những người trẻ đang cô đơn và lạc lối giữa cuộc sống này.
Tuổi trẻ vô định, lạc lối và đánh mất
Tất cả bốn nhân vật đều gặp nhau tại quán cà phê Le Condé. Ở Le Condé, chúng ta gặp được những người trẻ hay tụ tập cà phê và dường như chỉ nói chuyện phiếm. Có người là sinh viên, có người là bác sĩ, có người chẳng có nổi một thân phận. Khi đọc xong quyển sách này, tất cả đều để lại trong chúng ta những ấn tượng khó phai.
Đầu tiên là anh cưu sinh viên trường Mỏ. Không ai trong chúng ta biết anh ấy tên là gì, chỉ biết anh hay đến quán Le Condé và quen biết Louki. Một người vô danh, sống không mục đích, dù học trong một ngôi trường danh tiếng nhưng anh ấy lại không hứng thú. Cuộc sống của anh ta khi đó giống rất nhiều người trẻ tuổi khác, họ bị rơi vào “vùng trung tính”, lang thang vô định, không ước mơ, không tương lai. Họ chán nản, không thích học hành và bế tắc. Và thông tin cuối cùng khi nghe về anh sinh viên ấy là anh ta đã bỏ học ở trường Mỏ, có thể là một kết thúc cho những tháng ngày tăm tối nhưng cũng có thể là mở đầu cho những tháng ngày vô định khác…
Qua lời dẫn truyện của anh sinh viên trường Mỏ, Louki dần dần thể hiện mình là nhân vật chính trong chuỗi mờ mịt này. Cô được nhắc đến với sự bí ẩn như một người bạn xã giao ta vô tình hay gặp ở quán cà phê và chẳng biết gì về họ. Cô có vẻ xinh đẹp và tri thức, cô hay ngồi một vị trí quen thuộc và có vài quyển sách để nhâm nhi. Hay chí ít đó là tất cả những gì “người đầu tiên” phát hiện được về cô.
Đến ngôi kể chuyện tiếp theo, một thám tử. Hắn đã ngoài 40 và có nhiệm vụ giúp chúng ta khám phá Louki một cách cụ thể hơn. Với những kinh nghiêm của mình, Caisley đã tìm thấy Louki và biết được tên thật của cô ấy Jacqueline. Ngay cả tội danh thuở thiếu thời của Louki cũng được ông biết đến. Ông chắc là một người từng trải, có lẽ ông cũng có một tuổi trẻ lạc lối. Chính vì thế mà ông nhận ra Louki đã lang thang dọc theo những khu phố như thế nào, những suy đoán của Caisley đúng đến kỳ lạ như thể ông từng biết Louki từ khi cô còn nhỏ.
Đến lời tự thoại của nhân vật trung tâm Jacqueline – Louki, tự nhiên cảm thấy một phần tuổi trẻ của mình cũng từng trong đó. Là một người trẻ lạc lối, sống khép kín, mờ nhạt và vô định. Đã từng có những khoảng thời gian như thế, giữa những đám bạn ồn ào náo nhiệt thì mình chỉ trầm lặng, mỉm cười lắng nghe, cố gắng không nổi bật và vẫn cảm thấy tách rời.
Có lẻ chúng ta ai cũng đã từng trải qua những dấu mốc cuộc đời một cách mờ nhạt và chẳng có gì đáng nói như thế. Với Louki cũng thế. Ngay cả việc kết hôn cũng vậy, đó là cái vỏ bọc an toàn để trốn tránh quá khứ, là cái cớ tuyệt vời cho sự từ chối gặp mặt những bạn bè xưa cũ. Louki cô đơn, hoang mang, sống tạm bợ và thực sự không tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.
Qua dòng tự sự của Louki và người tình Roland, chúng ta sẽ chính thức bị cuốn vào trong cuộc sống của họ và sẽ nảy ra những cảm xúc khó gọi tên, kiểu cảm xúc giống như có gì đó lấn cấn và nghẹn ngào. Roland cũng giống như Louki, một người vô danh và lang thang khắp nơi. Khi mọi chuyện về Louki đã trôi về dĩ vãng nhưng Roland không thể nào quên được, cứ như nó chỉ vừa xảy ra mới đây thôi. Anh quay về những con phố quen thuộc mà anh và Louki đã từng đi qua, quay về thời gian gặp Guy de Vere ở quãng trường Lowendal, quay về quán cà phê Le Conde…
Và tác phẩm kết thúc với cái chết của Louki như để chứng minh rằng, tất cả đã kết thúc rồi, tuổi trẻ lạc lối đã qua rồi, hết thật rồi, vậy nên hãy “để mặc đi” …. Có thể sẽ buồn và hụt hẫng với vài người nhưng sau tất cả, ta dường như hiểu được rằng đây là kết thúc thực tế và quen thuộc nhất đối với những người trẻ như Jacqueline thường nhận được.
Cảm nhận sau khi đọc xong Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối
Cảm giác của mình sau khi đọc xong câu chuyện này là sự ướt lạnh và buồn. Nỗi đau cảm thông, tiếc nuối cho một kiếp người lạc lối. Lạc lối trong lòng và lạc lối trong đời. “Người sống một cuộc đời lưu đãng, không phép tắc và cũng không đoái hoài tới ngày mai”.Và đúng là tuổi trẻ thì rất dễ lạc lối, nhất là khi không có sự định hướng của phụ huynh và được trao quyền tự do quá nhiều. Đôi lúc khuôn khổ cũng tốt. Điều đó sẽ giúp mình bớt chênh vênh và đi đúng đường hơn.
Một điều ấn tượng nữa trong tác phẩm là những khung cảnh thơ mộng của thành phố Paris tráng lệ. Từng nhân vật đưa chúng ta lang thang khắp nơi từ những bến tàu điện ngầm, sông Seine, lối đi Thiên Nga, Quảng trường Respublique, phố Saigon… cho đến những quán cà phê như Le Conde, Le Montana, Le Chien qui fume, những khách sạn, những dãy nhà… nhiều đến mức không thể nào phân biệt được. Điều này giúp chúng ta thỏa sức tưởng tượng và phiêu lãng tâm hồn theo từng câu chữ của tác giả.
Tóm lại, Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối là một quyển sách khá tinh tế khi nói về tuổi trẻ – một khoảng thời gian lạc lõng ở lưng chừng; vô định và u uất. Nó sẽ rất phù hợp để đọc vào một ngày chênh vênh, bên cạnh có một tách cà phê nhỉ! Nếu bạn thích bài viết thì có thể chia sẻ giúp mình nhé!