1. Giới thiệu tác giả
Totto-chan Bên Cửa Sổ là cuốn tự truyện của nhà văn Tetsuko Kuroyanagi. Bà sinh năm 1933 ở Tokyo. Bà đồng thời cũng là một diễn viên, một ngôi sao truyền hình kiêm vận động viên Nhật Bản nổi tiếng. Bên cạnh đó, bà còn đảm nhiệm vai trò là cố vấn của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) và Đại sứ thiện chí cho UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF), được nhận giải Nobel vì hoà bình.
Bà nổi tiếng trong những công tác từ thiện, là một trong những nhân vật Nhật Bản đầu tiên được quốc tế công nhận. Năm 2006, tác giả Donald Richie mô tả về Tetsuko trong cuốn Chân dung Nhật Bản: “Hình ảnh những con người khác biệt”. Bà còn được người đời biết đến với danh hiệu cao quý “Người phụ nữ nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất tại Nhật Bản.”
2. Giới thiệu tác phẩm
Totto-chan Bên Cửa Sổ là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai. Tác phẩm là những kỉ niệm đẹp thời thơ ấu của chính tác giả khi được học tập, được lớn lên dưới ngôi trường Tomoe xinh đẹp.
Với những tình huống dở khóc dở cười của cô bé hiếu động Totto-chan, tác phẩm không chỉ đem lại cho chúng ta tiếng cười vui thích thú, làm sống lại trong ta cả một thời học sinh tươi đẹp mà hơn thế “Totto-chan bên cửa sổ” còn đem lại cho bạn những bài học cuộc sống ý nghĩa, đưa bạn đến với ngôi trường của một nền giáo dục hiện đại, một phương pháp giảng dạy tuyệt vời.
3. Totto-chan bên cửa sổ – Ý nghĩa nhan đề
Theo tác giả, bà có ý định chọn nhan đề tiếng Nhật này từ một thành ngữ phổ biến, đề cập đến những con người ở bên lề của sổ, có nghĩa là người ta đang ở trên mép cửa hay sắp bị đẩy ra ngoài giá lạnh. Đó đồng thời cũng chính là tâm trạng của Totto-chan trong những ngày em ở lại ngôi trường cũ, trước khi em chính thức bị đuổi khỏi trường. Không chỉ là sự bắt đầu cho những câu chuyện về Totto-chan, nhan đề còn muốn truyền tải tới bạn đọc một ý nghĩa sâu xa: Kết thúc ấy chỉ là kết thúc của Totto-chan tại ngôi trường cũ thôi, kết thúc sẽ mở ra một cánh cửa mới cho em, một chiếc cửa sổ của hạnh phúc – trường tiểu học Tomoe!
4. Nội dung và cảm nhận về tác phẩm
Khởi đầu của việc chuyển trường
Totto-chan nghĩa là “bé Totto”, tên thân mật hồi nhỏ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko. Mới sáu tuổi, vừa mới đi học nhưng Totto-chan đã bị đuổi học ở trường tiểu học vì em quá năng động và lạ lùng so với các bạn. Em gây ra một mớ rắc rối khiến cả lớp hỗn loạn. Khi bạn đọc đến những đoạn này, mình chắc chắn bạn không thể không buồn cười. Totto-chan tinh nghịch nhưng theo cách thật đáng yêu của con nít.
Mẹ của Totto-chan biết rằng mình cần phải làm một điều gì đó. Hành động của con gái bà như vậy là không hay đối với những học sinh khác. Bà sẽ phải đi tìm một ngôi trường nào đó, nơi người ta có thể hiểu được cô con gái bé nhỏ của bà. Và trường Tomoe của hiệu trưởng Kobayashi Sosaku đã được lựa chọn. Đây chắn chắn là một trong những quyết định sáng suốt và đúng đắn nhất của bà.
Tại trường Tomoe, Totto-chan đã được học tập và tự do phát triển như tính cách tự nhiên của mình. Totto-chan không biết tại sao mình lại phải chuyển trường và trong tâm trí non nớt kia, em dường như không quan tâm đến điều đó nữa. Giờ đây, điều em mong chờ nhất là trời sáng thật nhanh để được đến trường, để được học tập và vui chơi cùng các bạn.
Totto-chan – Cô bé hiếu động, dũng cảm và đầy lòng yêu thương
Totto-chan là một cô bé nhân hậu, tràn đầy tình yêu thương. Totto-chan luôn dùng hết sức để che chở, bảo vệ cậu bạn kém may mắn Yasuaki. Với cơ thể bị teo liệt cả tay và chân nên cậu chưa bao giờ trèo cây hay nhận một cái cây nào đó cho riêng mình. Đó chính là lí do khiến Totto-chan mời bạn lên ngôi nhà cây của em. Thật bao khó khăn để leo lên cây nhưng Totto-chan không mảy may quan tâm. Em chỉ cố hết sức để đẩy Yasuaki lên nấc thang cao nhất. Và với sức mạnh nhỏ bé của mình nhưng lòng quyết tâm to lớn, em đã giúp Yasuaki leo lên cây. Đó cũng là lần đầu tiên và cuối cùng Yasuaki-chan leo cây.
Xem thêm: Cây Cam Ngọt Của Tôi – Cuộc đời có đáng sống?
Totto-chan tốn 20 xu để mua vỏ cây đoán sức khoẻ theo lời rao của anh thanh niên bán hàng rong bên vệ đường. Em chia sẻ vỏ cây ấy với tất cả những người mà em gặp, kể cả con chó, con mèo trên đường. Em vui sướng khi biết tất cả những người nếm vỏ cây đều không thấy đắng, tức là họ đều đều khỏe mạnh cả. Sự quan tâm đó còn là giọt nước mắt khi hai con gà của em bị chết, sự lo lắng cho Rocky khi cả 2 chẳng may gặp tai nạn khi chơi đùa.
Totto-chan cũng vô cùng hiếu động, tinh nghịch. Không những váy mà quần lót của Totto-chan hầu hết lúc nào cũng rách bươm khi đi học về. Cô bé thơ ngây nghĩ ra một lý do thật chính đáng cho “chuyện bị rách là không thể tránh khỏi” để mẹ không quở phạt: “Ban nãy, con đang đi ngoài đường thì bị bọn trẻ con phi dao vào lưng nên rách hết cả váy rồi ạ”. Thật buồn cười và đáng yêu!
Cô bé Totto-chan cũng sẵn sàng nhảy “phốc” vào bất cứ thứ gì hay ho và mới mẻ mà không cần biết chuyện gì xảy ra sau đó. Có lần cô bé nhảy “phốc” vào tờ báo và rơi ngay xuống bể phốt mà bác quản trường đang dọn dở. Hoặc cô bé có thói quen lạ đời là sau khi đi vệ sinh xong thì hay nhòm xuống dưới ấy, đến nỗi làm rớt cả chiếu ví quan trọng xuống bồn cầu.
Tomoe – Ngôi trường có thật, xinh đẹp và đặc biệt của Totto-chan
Tomoe là ngôi trường Totto-chan chuyển đến sau sự cố bị đuổi học. Trường có khá ít học sinh, có lẽ chỉ bằng một hoặc hai lớp ngôi trường đầu tiên. Những học sinh ở đây có thể có những số phận khác nhau nhưng giữa các em không có sự phân biệt về hoàn cảnh gia đình, khiếm khuyết thân thể hay bất kì điều gì khác.
Học sinh được tự do phát triển bản thân. Các em tự thực hành nghiên cứu trong giờ học với sự hỗ trợ của giáo viên. Mỗi em lựa chọn học môn học mình yêu thích. Thầy hiệu trưởng cùng các thầy cô luôn quan sát và hướng dẫn các em hoàn thành bài tập cũng như những vướng mắc cuộc sống.
Trường học không theo bất kỳ một khuôn khổ nghiêm nghặt nào. Các em được học trong một toa tàu hỏa cũ sạch sẽ và dễ chịu. Cả lớp có thể dùng phấn vẽ xuống nền một cách thoải mái. Hoặc các em có thể tự chọn chỗ ngồi yêu thích và luân phiên thay đổi đều được. Trong giờ ăn trưa các em được ăn những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và với tên gọi đơn giản “Món của đất, món của biển”, nghĩa là có đủ hải sản và nông sản. Cha mẹ vì thế mà không phải cầu kì, đắn đo suy nghĩ nên cho con mặc gì. Trường luôn khuyến khích mặc đồ bình thường để các em tự do vui chơi khám phá mà không ngại dơ, ngại bẩn.
Khi thế chiến thứ hai xảy đến, ngôi trường bị ngập chìm trong biển lửa. Tất cả mọi người, cả thầy hiệu trưởng, cả những giáo viên và tất cả các học sinh cũng như phụ huynh đều buồn biết mấy. Nhưng ai cũng có niềm tin sẽ xây lại trường và họ sẽ gặp lại nhau vào một ngày không xa!
Sosaku Kobayashi – thầy hiệu trưởng kính mến của Totto-chan.
Trong lần đầu tiên gặp Totto-chan, ông đã kiên nhẫn lắng nghe em kể tất tần tật mọi chuyện em có thể nhớ từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Những chuyện tưởng chừng như vặt vãnh, trẻ con không đáng quan tâm – những chuyện mà ngay cả mẹ em cũng chưa chắc đủ bình tĩnh để nghe em nói hết. Vậy mà thầy Kobayashi lại có thể ngồi với em trong một thời gian dài như vậy đủ biết ông tôn trọng và quan tâm đến những mầm non tương lai của đất nước đến nhường nào.
Ông dùng phương pháp của mình để truyền kiến thức, tạo động lực, niềm tin cho những đứa bé trong ngôi trường Tomoe. Và ông đã thành công với phương pháp ấy. Với Totto-chan, ông thường nói “Em biết đấy, em thật là một cô bé ngoan”. Chỉ một câu nói đơn giản thôi nhưng nó lại là nguồn động viên tinh thần to lớn với Totto-chan. Em luôn vì câu nói đó mà cố gắng nỗ lực, trưởng thành và tin tưởng vào bản thân. Ngay chính tác giả cũng đã viết trong cuốn sách:
“Nếu không học ở Tomoe… Nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác ‘đứa bé hư’ mà mọi người gán cho”.
Người thầy vĩ đại ấy luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục trồng người. Bằng kinh nghiệm, lý tưởng của mình, thầy đã mang đến cho ngôi trường những phương pháp giáo dục hiện đại và đầy triết lý sâu xa.
Cha mẹ – Người bạn đồng hành, tài sản vô giá của Totto-chan.
Cha mẹ luôn yêu thương con cái vô điều kiện nhưng để thấu hiểu chúng thì không phải ai cũng làm được. May mà Totto-chan có một người mẹ tuyệt vời, bà hiểu và sẻ chia những băn khoăn của em bất kì lúc nào. Tình yêu của mẹ giúp Totto-chan luôn yêu đời, yên ổn trải qua những ngày tháng vui vẻ nhất.
Bà không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Bà luôn lắng nghe, luôn thông cảm cho mọi vấn đề em gặp phải, ngay cả việc em chơi đùa khiến quần áo rách bươm hay khi em có những hành động khác thường. Thay vì nói em bị nhà trường đuổi học, bà khéo léo kể với em về việc chuyển đến một ngôi trường mới. Bà không bao giờ kể cho em nghe về chuyện buộc thôi học mãi đến sinh nhật lần thứ 20 của Totto-chan. Nếu như trước kia bà trách mắng Totto-chan thì em sẽ cảm thấy bất hạnh và lo lắng biết nhường nào. Và nếu vậy thì cổng trường với những bóng cây cùng những phòng học toa tàu kia liệu có làm em phấn khởi?
5. Lời kết
Totto-chan bên cửa sổ là tác phẩm viết về thiếu nhi nhưng lại phù hợp với tất cả mọi người. Từ trẻ em đến người lớn, từ tri thức đến nông dân, ai cũng có thể đọc. Ai cũng sẽ thấy hay, thú vị, chỉ là cảm nhận của mỗi đối tượng, mỗi giai đoạn sẽ khác nhau mà thôi.
Có thể bạn quan tâm: Review sách Chiến Binh Cầu Vồng
Nhưng mình nghĩ, trong tình hình giáo dục hiện nay, tác phẩm này dành cho người lớn nhiều hơn. Bởi có vị phụ huynh nào đọc nó, biết đâu sẽ cứu được một đứa trẻ, có vị giáo viên nào đọc nó sẽ cứu được một lớp và có vị bộ trưởng nào đọc nó sẽ cứu được một thế hệ.
Totto-chan Bên Cửa Sổ thực sự là bức thông điệp từ thế giới trẻ thơ đến với các bậc phụ huynh và nền giáo dục vốn quá nặng tính hàn lâm, phán xét. Mình tin rằng cuốn sách nhỏ nhắn, với những câu chuyện đáng yêu nhưng sức mạnh bên trong nó sẽ thức tỉnh bạn ngay ở những trang mở đầu.