Hành Trình Về Phương Đông mở ra một chân trời mới về Đông Tây gặp nhau, để Khoa học – Minh triết hội ngộ, để Hiện đại – Cổ xưa giao duyên, để Đất Trời là một. Thế giới, vì vậy đã trở nên hài hòa hơn, rộng mở, diệu kỳ hơn và do đó, nhân văn hơn.
Hành Trình Về Phương Đông đến với mình trong khoảng thời gian mình để tâm, tìm hiểu các cuốn sách về chủ đề tâm linh. Giống như Dấu Chân Trên Cát, cuốn sách này cũng là một phóng tác của Nguyên Phong từ cuốn sách gốc “Life and Teachings of the Masters of the Far East” của Baird T. Spalding. Cùng mình review về cuốn sách hay này nhé.
Có thể bạn quan tâm:
- Review sách Dấu Chân Trên Cát và tìm hiểu thêm về tác phẩm phóng tác
- Review sách Ám Ảnh Từ Kiếp Trước – Brian L. Weiss
1. Thông tin về tác giả, tác phẩm gốc
Mặc dù các cuốn sách của Baird T. Spalding cho rằng ông sinh ra ở Anh vào năm 1857, Spalding cũng được cho là sinh ra ở North Cohocton, New York vào năm 1872. Ông mất năm 1953 tại Arizona, Mỹ.
Bộ sách ‘Life and Teachings of the Masters of the Far East’ (tạm dịch ‘Cuộc sống và những lời dạy của các Chân Sư miền viễn Đông’) của ông gồm 6 tập. Bản quyền năm 1924, 1937 do DeVorss & Company xuất bản.
Năm 1924, Spalding xuất bản tập đầu tiên của cuốn Life and Teaching of the Masters of the Far East. Nó mô tả các chuyến đi đến Ấn Độ và Tây Tạng của một nhóm nghiên cứu gồm mười một nhà khoa học vào năm 1894. Trong chuyến đi của mình, họ tuyên bố đã tiếp xúc với “Những bậc thầy vĩ đại của Himalayas” – những người bất tử đã sống và nghiên cứu, có được cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và thông điệp tâm linh. Spalding đã xuất bản 3 tập bổ sung trước khi qua đời vào năm 1953. Tập 5 và 6 được DeVorss & Co xuất bản từ các bài viết khác nhau mà Spalding đã viết.
Một phần của bộ sách đã được chuyển sang Việt Ngữ với tựa đề Hành Trình Về Phương Đông qua phóng tác của Nguyên Phong.
2. Nội dung tóm lược Hành Trình Về Phương Đông
Hành Trình Về Phương Đông mở đầu khá độc đáo, với lời dẫn dễ gây tò mò:
“… Nước Anh hồi đó phát triển khoa học hàng đầu thế giới và họ rất tự hào về điều đó. Tuy nhiên trong một chuyến thăm của đoàn ngoại giao Ấn Độ, họ có các đạo sĩ biểu diễn những thứ đi ngược với khoa học hồi đó, kiểu như: uống các loại thuốc độc không chết, chôn dưới đất mấy ngày không chết, nhịn thở mấy tiếng dưới nước… Điều này đã làm chấn động cả nước Anh.” Họ quyết định cử đoàn khoa học Hoàng Gia gồm toàn những người ưu tú nhất của mình sang Ấn Độ tìm hiểu, nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người.
Suốt hai năm trời rong ruổi khắp các đền chùa Ấn Độ, chứng kiến nhiều pháp thuật, nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo của những pháp sư, đạo sĩ mạo danh đã làm nản lòng các nhà khoa học. Trong lúc gần như từ bỏ, định mệnh đã đưa giáo sư Spalding gặp một người Ấn kỳ lạ chỉ cho ông hãy đến Rishikesh. Người đó nói rằng những vị Chân Sư không thể tìm thấy tại những nơi trần tục như thế này. Họ cũng không tự xưng mình là thánh nhân hay tự ban cho mình chức tước, địa vị, tạo lập môn phái và gây hấn lẫn nhau như những đạo sĩ mà các nhà khoa học đã gặp.
Tất cả đều là nhân duyên. Nhờ thông điệp âm thầm từ một vị Chân Sư, sau lần gặp gỡ người Ấn ấy, hành trình tìm đạo của phái đoàn luôn suôn sẻ và được hỗ trợ tối đa, may mắn không tưởng. Họ được tiếp xúc với những vị học giả chân chính, được chứng kiến, trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc về các khoa học cổ xưa và bí truyền của văn hóa Ấn Độ như Yoga, thiền định, thuật chiêm tinh, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết.
Đúng lúc một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành đang sắp diễn ra với các đạo sĩ bậc thầy thì đoàn nhận được tối hậu thư từ chính quyền Anh Quốc là phải ngừng ngay việc nghiên cứu, tức khắc hồi hương và bị buộc phải im lặng, không được phát ngôn về bất cứ điều gì mà họ đã chứng nghiệm.
Định mệnh con người luôn có những thay đổi lớn, mặc dù không thấy rõ nhưng chúng ta vẫn vô tình tiến đến mục tiêu được vạch sẵn. Không đầy hai tuần lễ sau, phái đoàn đã đến Potar, ngay sát chân dãy Himalayas hùng vĩ. Họ bỏ lại tất cả danh vọng, địa vị, đoạn tuyệt với thành kiến và tự ái cố hữu của người Tây phương.
Cuộc hành trình về phương Đông của họ bắt đầu.
3. Cảm nhận sau khi đọc Hành Trình Về Phương Đông
Nên đọc Hành Trình Về Phương Đông như thế nào?
Hành Trình Về Phương Đông tuy là một cuốn sách nổi tiếng và phổ biến nhưng theo mình vẫn kén người đọc. Cuốn sách này sẽ phù hợp với những người tìm hiểu về tâm linh, thanh tịnh hay đơn giản hơn là muốn sống chậm lại để cảm nhận trong thế gian vội vã này.
Cuốn sách chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh mà có lẻ khó nắm bắt hết tại một thời điểm. Bạn phải đọc cuốn sách từ từ và cảm nhận, không nên vội vã, bốc đồng. Mình cũng hy vọng bạn sẽ đọc cuốn sách với tâm hồn rộng mở và không thành kiến. Một số người chê bai cuốn sách này quá ảo, dẫn dắt và đầy mê tín. Nhưng cũng trong chính cuốn sách đã nói: “Bạn giống như một ly nước đầy, có rót thêm cũng chỉ tràn ra ngoài.” Vậy việc đầu tiên là phải đổ bớt nước ra, đồng nghĩa với việc loại trừ định kiến mới có thể thu thập thêm nhiều kiến thức mới.
Phần đầu của cuốn sách khá hấp dẫn, khoa học nhưng về sau thì hơi huyền ảo.
Trong hành trình của mình, phái đoàn đã may mắn được tiếp xúc với
- Người đạo sĩ thành Benares – người đã nói chuyện và giải thích cho ông về phương pháp Yoga của Ấn Độ và sự khác biệt của nó với phương pháp thể dục của người phương Tây. Những điều vị đạo sĩ nói vượt ngoài tầm hiểu biết của vị giáo sư, là những kiến thức hoàn toàn mới mà suốt 2 năm qua, các nhà khoa học không thể tìm kiếm được.
- Sudeih Badu – nhà chiêm tinh học. Phải hiểu đúng Chiêm tinh học là một môn khoa học cổ xưa đã bị thất truyền chứ không phải chỉ là thuật bói toán. Ông tin rằng tất cả mọi sự vật sự việc trong vũ trụ này đều quân bình, không dư, không thiếu, từ hạt bụi cho đến những dãy thiên hà vĩ đại. Ông dẫn chứng bằng cách so sánh sự tác động của mặt trăng đối với thuỷ triều, sự hoàn hảo về khoảng cách giữa trái đất, mặt trăng, mặt trời, về sinh vật học, vật lý học… . Một người Ấn Độ dùng chính lý thuyết của người Âu để giải thích đã khiến cho phái đoàn bất ngờ về sự uyên bác của ông. Badu cũng khẳng định với các nhà khoa học về phương diện tinh thần nghèo nàn mà con người không hề thay đổi theo thời gian.Ông đưa ra quan điểm Thượng Đế hay Chúa là một người hay một khái niệm? Luật nhân quả của con người từ đâu mà có? Làm thế nào để hóa nghiệp, trả nghiệp?… Có thể nói đây là phần lôi cuốn và thuyết phục mình nhất với những kiến thức uyên bác của nhà chiêm tinh học. Những điều khoa học hiện đại chưa thể chứng minh thì các cao nhân Ấn Độ đã thấu tỏ từ hàng ngàn năm trước.
- Hành Trình Về Phương Đông tiếp tục đưa chúng ta đến gặp Đạo sĩ Gopal – Có thể chữa mọi bệnh và Pháp sư Hamoud – Cõi giới vô hình. Hai phần sau này không thuyết phục mình lắm nhưng cũng có những kiến thức tâm linh mới lạ, những giải thích hiện tượng siêu hình theo khoa học và logic hơn. Như Hamoud có nói, những gì chúng ta không nhìn được, thấy được bằng những giác quan vật chất của mình thì không có nghĩa là nó không tồn tại. Cuộc gặp gỡ mở mang tầm hiểu biết cho phái đoàn cũng giúp ta chiêm nghiệm cuộc sống hơn. Đúng là không thể yêu cầu bạn tin hay bị thuyết phục về một thế giới khác chỉ qua những câu chuyện suông. Nhưng điều tốt đẹp mà những đạo sĩ này hướng tới đều thiện lành, tinh khiết, giúp chúng ta sống cuộc đời tốt đẹp và yêu thương hơn.
4. Vài trích dẫn hay trong Hành Trình Về Phương Đông
“Bao giờ chúng ta còn là nô lệ của dục vọng, chúng ta không sao đạt được hạnh phúc. Nếu đạt được lại sợ mất đi, càng có nhiều càng lo sợ nhiều, có đúng thế không? Tóm lại, muốn có hạnh phúc thật sự, phải vượt lên khỏi sợ hãi và ham muốn.”
“Làm gì có việc số mệnh đã định sẵn, nếu thế ta cứ tiêu cực, bất động mặc cho số phận run rủi hay sao?”
“Chúng ta có tính hay quên, nên cứ phải học đi học lại cái bài học khổ. Chỉ khi bị khổ sở, bị đàn áp, tự do bị chà đạp, con người mới quay về với niềm hy vọng cuối cùng là đức tin. Khi sung sướng ít ai nghĩ đến việc tu thân cầu giải thoát. Khi cơ thể bệnh hoạn, ta mới thấy khỏe mạnh là hạnh phúc. Khi bị tù đày, ta mới thấy giá trị của tự do. Tiếc rằng khi khỏi bệnh, ta không ý thức nguyên nhân đã gây nên bệnh đó, mà lại tiếp tục một đời sống như trước; do đó, ta cứ bị bệnh hoài.”
“Một người không hiểu về triết lý sẽ chỉ là một hạng chiêm tinh tồi hay thầy bói hạ cấp.”
“Chúng ta muốn sống yên ổn, không thích xáo trộn, nhưng rất thích thú nghe nói về các sự xáo trộn của kẻ khác. Chúng ta dành nhiều giờ để bàn cãi sôi nổi về người này, người nọ, chê bai ông này, giễu cợt bà kia. Phải chăng chúng ta vẫn thường làm thế? Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, tại sao chúng ta lại làm thế không? Lòng ta còn ham tiền bạc, danh vọng, địa vị, sức khỏe, và chỉ cầu bình an cho chính mình thôi, nên chẳng bao giờ thỏa mãn.”
“Tự do tư tưởng không phải là ta muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, mà còn là giải thoát ta ra khỏi các áp lực bắt ta phải suy nghĩ theo một lề lối nào đó.”
5. Thông tin khác quanh cuốn sách Hành Trình Về Phương Đông
Hiện nay, nếu bạn đặt mua cuốn Hành Trình Về Phương Đông thì sẽ có 2 phiên bản. Một cuốn sách bìa màu cam do Nguyên Phong phóng tác và một cuốn bìa màu đen (hoặc xanh theo tái bản) do AnLe Books dịch.
Cuốn sách bìa đen là ấn bản đầy đủ nhất được dịch trọn vẹn từ bộ “Life Teaching of the Masters of the far East” của cố giáo sư Baird T. Spalding, do Huy Hoàng Bookstore độc quyền sở hữu bản quyền tiếng Việt. Cuốn sách bìa đen khá dày, hơn 900 trang. Tuy nhiên, trước khi có cuốn này thì Nguyên Phong đã phóng tác một phần thành cuốn Hành Trình Về Phương Đông bìa màu cam, ngắn hơn với 256 trang. Do đó, nội dung hai cuốn sách này không hoàn toàn giống nhau.
Bài review sách ở trên mình đang review về cuốn sách Hành Trình Về Phương Đông bìa màu cam (Nguyên Phong phóng tác). Cuốn sách của AnLe Books mình chưa có cơ hội được đọc. Nhưng qua tìm hiểu chung của những đọc giả đã đọc qua cả 2 phiên bản thì giọng văn và kiến thức tâm linh sâu sắc của Nguyên Phong làm cho cuốn sách bìa màu cam lôi cuốn, gần gũi hơn. Còn nếu bạn muốn đọc nguyên bản cuốn sách gốc thì nên mua cuốn Hành Trình Về Phương Đông bìa màu đen nhé.
6. Lời kết
Hành Trình Về Phương Đông là một cuốn sách hay, đáng đọc với những ai sẵn sàng và mở lòng với thế giới tâm linh. Nói cho cùng thì sách cũng chỉ là một phương tiện giúp thế giới quan của bạn muôn màu muôn vẻ. Cuốn sách có thể hay với người này nhưng chưa chắc phù hợp với người khác. Vì thế, hy vọng với những review chi tiết của Sách Yêu sẽ giúp bạn tìm hiểu và quyết định đúng đắn trước khi đặt mua cuốn sách này.
Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, có thể like hoặc share giúp mình nhé. Cảm ơn.