Những Kẻ Xuất Chúng (Outliers) là câu chuyện về thành công được ghi nhận ở một góc nhìn rất mới mẻ.
Theo Malcolm Gladwell, “những người thành công trông có vẻ tự thân làm lụng mọi điều. Nhưng trên thực tế, họ vẫn luôn là kẻ thụ hưởng những lợi thế ẩn giấu và những cơ may phi thường cũng như những di sản văn hóa cho phép họ học hành, làm việc chăm chỉ và nhìn nhận thế giới bằng những cách thức mà kẻ khác không thể. Việc chúng ta sinh trưởng ở đâu và vào thời gian nào rõi ràng làm nên những điều khác biệt”. Và đó là quan điểm, góc nhìn chủ đạo xuyên suốt của cuốn sách.
Những Kẻ Xuất Chúng là một cuốn sách rất đặc biệt với mình, dấy lên nhiều suy tư cũng như mang lại nhiều hứng thú khi đọc. Mình đã tìm hiểu và được biết hầu hết các cuốn sách của Malcolm Gladwell sẽ mang lại những quan điểm mới, lập luận mới mà hễ đọc xong là độc giả phải tranh luận với nhau. Đó thật là một điều thành công của một cuốn sách đúng không bạn? Mình tin chắc rằng, một khi đã đọc cuốn sách nào đó của Malcolm Gladwell thì khó mà quên được.
Bạn có thể tham khảo bài viết Top 05 cuốn sách làm nên tên tuổi của Malcolm Gladwell để hiểu thêm về thông tin tác giả nhé.
Bạn đã sẵn sàng cùng mình review sách Những Kẻ Xuất Chúng chưa nào?
Đối tượng đọc cuốn sách Những Kẻ Xuất Chúng
Mình thấy nhiều bạn nhầm tưởng Những Kẻ Xuất Chúng thuộc thể loại self-help. Nhưng điều đó không đúng. Cuốn sách không đưa ra một phương pháp hay cách thức nào để có thể rèn luyện bản thân như những cuốn self-help điển hình. Có lẻ, có một chương nói về Quy tắc 10.000 giờ luyện tập nên dẫn đến hiểu lầm này.
Những Kẻ Xuất Chúng theo mình là cuốn sách thuộc thể loại tâm lý, xã hội học. Cuốn sách phân tích thành công của nhiều cá nhân, ở đủ loại ngành nghề từ cầu thủ bóng chày, luật sư, toán học, công nghệ…đến ngôi sao ca nhạc theo một góc nhìn mới mẻ. Từ đó rút ra những bài học để có thể cải tiến giáo dục và mang đến những sân chơi công bằng hơn cho tất cả mọi người. Do đó
- Nếu bạn mong muốn tìm hiểu về thành công và những vấn đề xung quanh thành công
- Nếu bạn là giáo viên, huấn luyện viên hoặc những người làm về giáo dục, đào tạo
- Nếu bạn là chuyên gia tư vấn và những người quan tâm đến các phương thức cải cách
- Nếu bạn có hứng thú về lĩnh vực tâm lý, xã hội học, hành vi
- Nếu bạn là một người yêu thích những cuốn sách hay
Thì Những Kẻ Xuất Chúng sẽ không làm bạn thất vọng.
Tại sao thành công tự thân chỉ là một truyền thuyết?
Trong những lời đầu tiên, tác giả Malcolm Gladwell đặt ra một câu hỏi: Bạn đã bao giờ bạn đọc cuốn tiểu sử của một nhân vật xuất chúng nào mà bí quyết thành công của họ chỉ nhờ may mắn? Có lẽ không. “Câu chuyện lúc nào cũng y nguyên một kiểu: người hùng của chúng ta sinh ra trong những hoàn cảnh gieo neo, nhờ những nỗ lực bền bỉ và tài năng mà đã tìm được con đường đi đến sự vĩ đại”.
Nhưng tác giả khẳng định “Thành công của họ không chỉ là kết quả của tự mình gây dựng. Nó là sản phẩm của cả thế giới trong đó họ sinh ra và lớn lên. Có những hình mẫu rất rõ ràng ở đây, và điều đáng chú ý là dường như chúng ta ít muốn thừa nhận chúng. Chúng ta vờ rằng thành công chỉ là chuyện của công trạng cá nhân.” Vậy tại sao lại thế?
Có thể bạn quan tâm:
Vì văn hóa của chúng ta thích những câu chuyện về “cá nhân tự lập”.
Khi Jeb Bush tranh cử chức thống đốc bang Florida, ông gọi mình là “một người tự lập” như một phần trong chiến lược tranh cử. Quả thực, tuyên bố đó là trò hề, bởi trong họ nhà ông có hai tổng thống Mỹ, một giám đốc ngân hàng phố Wall giàu có, và một nghị sĩ Mỹ. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân vẫn rất nổi trội trong văn hóa Mỹ, vì vậy ông đã tận dụng nó.
Đó là một minh chứng rõ ràng nhất của việc văn hóa thích những câu chuyện về chủ nghĩa cá nhân tự lập.
Thành công phi thường dính dáng đến tài năng ít hơn là cơ hội
Đây là câu chuyện Malcolm Gladwell sẽ thuyết phục mọi người, rằng “Thành công phi thường dính dáng đến tài năng ít hơn là cơ hội”. Thành công không phải chỉ là từ sự cố gắng của bản thân mà là tổng hòa của nhiều yếu tố như cơ hội, thời đại, di sản được thừa hưởng… Ở nền văn hóa chúng ta có một câu nói mang ý nghĩa tương đương như vầy là “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Vậy những lập luận, quan điểm nào của tác giả chứng minh cho nhận định đó. Cùng mình tìm hiểu nhé.
Nguyên tắc Mathew
Như câu chuyện về các cầu thủ môn khúc côn cầu tại Canada, một điều điều đáng ngạc nhiên là đến 40% tuyển thủ có tháng sinh từ tháng Giêng đến tháng Ba, 30% trong khoảng tháng Tư đến tháng Sáu và chỉ có 10% có tháng sinh từ tháng Mười đến tháng Mười Hai. Cắt nghĩa cho việc này cực kỳ đơn giản. Chẳng có gì phải bàn đến chiêm tinh học và ba tháng đầu năm cũng không có gì đáng gọi là thần diệu cả. Chỉ đơn giản là ở Canada, việc ngắt đoạn tuyển lựa cho khúc con cầu theo lứa tuổi là ngày mùng 1 tháng Giêng. Do đó, một cậu bé lên 10 vào ngày 2 tháng Giêng sẽ chơi cùng chiếu với những cậu bé lên 10 cho đến tận cuối năm. Và vào lứa tuổi ấy, giai đoạn vị thành niên, khoảng cách mười hai tháng tuổi biểu hiện sự khác biệt to lớn về mức độ trưởng thành về thể chất.
Ở Mỹ, môn bóng chày cũng diễn ra tương tự. Ngày ngắt ngọn đối với hầy hết các giải vô địch bóng chày phi học đường là 31/7. Kết quả chẳng có gì ngạc nhiên khi số lượng tuyễn thủ chơi trong những giải chủ chốt sinh vào tháng 08 nhiều hơn hẳn các tháng khác.
Và tìm hiểu về môn bóng đá Châu Âu cũng tương tự như thế.
Như thế, từ một lợi thế rất nhỏ về tháng sinh ban đầu (chứ chưa hẳn là giỏi giang hơn) rồi đến những cơ cứ thế diễn ra tiếp theo. Nó khóa chặt trẻ em vào nững khuôn mẫu thành công và không thành công, khuyến khích và ngăn trở cứ kéo dài từ năm này qua năm khác.
Từ những dẫn chứng đưa ra, tác giả sẽ dẫn dắt chúng ta quay trở lại và ngẫm nghĩ một chút về thành công. Nếu nói thành công chỉ do sự vươn lên không ngừng nghỉ để đạt tới đỉnh cao thật quá ấu trĩ. Họ có một sự khởi đầu thuận lợi to lớn mà họ không xứng và cũng không phải giành lấy. Và chính cơ hội đó đóng vài trò then chốt trong thành công của họ.
Quy tắc 10.000 giờ
Tác giả cũng đồng ý rằng “Thành công chính là tài năng cộng với sự chuẩn bị”. Nghiên cứu đã chứng minh, điều kiện cần để trở thành chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực gì là luyện tập chăm chỉ ít nhất 10.000 giờ. “Những người ngự trên đỉnh cao không chỉ làm việc chăm chỉ hơn hay chăm chỉ hơn nhiều so với những người khác. Họ làm việc chăm chỉ hơn rất, rất nhiều, rất nhiều”. Malcolm Gladwell không phủ nhận điều đó. Nhưng lại đưa ra cho độc giả một góc nhìn mới. Đó chính là cơ hội cho những luyện tập không ngừng nghỉ của những kẻ xuất chúng.
10.000 giờ là một khối lượng thời gian to lớn nhưng bất khả thi để đạt được con số đó một thân một mình cho đến khi bạn là một người trưởng thành trẻ tuổi. Bạn buộc phải được hỗ trợ, hoặc tham gia vào một chương trình đặc biệt nào đó – như là một đổi tuyển toàn sao môn khúc côn cầu hoặc có một vận may phi thường nào đó mang đến cơ hội đạt được từng ấy tiếng đồng hồ.
Và đối với ban nhạc Beatles, vận may phi thường đó là Hamburg. Đối với Bill Joy đó là Michigan. Đối với Bill Gates, đó là Lakeside.
Bill Joy thật thông minh. Bill Gates thật thông minh. Anh muốn học. Nhưng trước khi anh có thể trở thành chuyên gia thực thụ, ai đó phải đem đến cho anh một cơ hội để học cách trở thành một chuyên gia.
Những cơ duyên may mắn dường như không phải là thứ gì ngoại lệ đối với các tỷ phú phần mềm, các ban nhạc rock hay các vận động viên ngôi sao. Chúng dường như giống kiểu một quy luật.
Nền tảng gia đình
Tác giả dẫn chứng lại nghiên cứu của Terman về những kẻ xuất chúng trong hình dạng thuần khiết nhất – thiên tài. Hay nói cách khác là chỉ số IQ. Với trí thông minh IQ ban đầu khi nhỏ gần như nhau, nhưng hầu hết những đứa trẻ có gia cảnh nghèo khổ, không được sự chỉ dạy của gia đình, cộng đồng, khi lớn cuộc sống không khá giả gì mấy. Như vậy, hoàn cảnh gia đình và xuất thân ảnh hưởng rất lớn đến thành công của một người.
Câu chuyện về cuộc đời người đàn ông Chris Langa, có chỉ số thông minh cao nhất nước Mỹ, hơn cả Albert Einstein lại là minh chứng cho việc IQ không mấy đóng vai trò lớn trong câu chuyện thành công. Mẹ của ông sinh ra 4 đứa con, mỗi đứa con một ông bố. Chris sống trong cảnh ghẻ lạnh. Tuổi thơ nghèo khổ, bị đánh đập bởi người bố dượng, luôn luôn bị chuyển nhà, không được đối xử tử tế. Và không ai lúc đó có thể biết được cậu bé Chris là một tài năng thiên bẩm. Cơ hội đã đến khi Chris nhận được 2 học bổng. Và hãy đọc phần tiếp theo để biết câu chuyện diễn ra như thế nào. Để bạn thấy rằng thái độ khôn ngoan, ứng xử với cuộc sống là một loại kiến thức. Đó là một kỹ năng bắt buộc phải có. Và chúng ta học nó bắt nguồn từ gia đình, cộng đồng xung quanh. Và nó ảnh hưởng lớn đến thành công của ta chứ không phải là chỉ số IQ đơn thuần kia.
Một vài dẫn chứng và ví dụ giáo dục nữa được Malcolm Gladwell đưa ra để chứng minh cho việc nền tảng gia đình, xã hội tác động đến thành công của chúng ta như thế nào.
Ba bài học của Joe Flom, một luật sư nổi tiếng xây dựng một công ty luật sư hàng đầu thế giới với hơn 2000 luật sư, sẽ chứng minh thêm luận điểm của tác giả. Đừng bỏ qua những luận điểm thú vị này bạn nhé.
Di sản văn hoá xã hội
Chương 7 – Lý thuyết chủng tộc của các vụ rơi máy bay và Chương 8 – Những ruộng lúa nước và bài kiểm tra toán sẽ mang đến cho chúng ta những góc nhìn rất mới mẻ về di sản văn hóa xã hội tác động đến thành công cá nhân. Việc chúng ta sinh trưởng ở đâu và vào thời gian nào rõ ràng làm nên những điều khác biệt.
Đọc đến đâu, bạn sẽ hoàn toàn bất ngờ đến đó. Malcolm Gladwell sẽ giải thích cho chúng ta vì sao những người Châu Á lại thường giỏi toán hơn? Tại sao các vụ máy bay rơi lại liên quan đến chủng tộc? Và làm cách nào hãng máy bay Korean Air đã nhận ra sai lầm và cải tiến? Bạn hãy tự mình khám phá nha.
Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả?
Như mình đã chia sẻ ban đầu, cuốn sách nào của Malcolm Gladwell cũng để lại những tranh luận trái chiều từ độc giả. Từ những dẫn chứng khá thuyết phục trên, bạn có đồng ý với tác giả? Hay quan điểm của bạn là gì? Mình rất hy vọng có thể nghe thêm ý kiến của bạn để lại bình luận bên dưới để chúng ta có thể thảo luận thêm nhé.
Với mình, mình đồng ý rằng phẩm chất cá nhân không đủ để giải thích cách một người đạt tới đỉnh cao. Thành công là tổng hòa tất cả các yếu tố về năng lực cá nhân trên cơ sở lợi thế, thời đại, di sản gia đình và xã hội. Tuy nhiên, không thể căn cứ vào đó để suy luận ngược lại rằng: mình chưa thành công là do thiên không thời, địa không lợi. Từ đó buông xuôi, bỏ cố gắng được.
Hơn nữa, mình nhận thấy những lập luận của tác giả chỉ đúng 1 chiều. Ví dụ còn biết bao con người sinh ra cùng thời điểm với Bill Gates, được học trường như Bill, có cơ hội tương đương ở môi trường đó. Nhưng được bao nhiêu người xuất chúng như thế? Do đó, quan điểm của mình vẫn là 80% tự thân của người đó, yếu tố bên ngoài chỉ chiếm 20% trong thành công của họ.
Cảm nhận của bản thân sau khi đọc xong Những Kẻ Xuất Chúng
Đầu tiên, mặc dù viết về một chủ đề khá rộng lớn và trừu tượng nhưng văn phong của tác giả gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu. Giọng văn cực kỳ lôi cuốn. Cách trình bày mạch lạc, diễn giải tỉ mỉ, khoa học, có luận chứng và luận điểm rõ ràng, thuyết phục. Thông qua những dẫn chứng vĩ mô, mình thật sự khâm phục sự hiểu biết sâu sắc và kiến thức uyên thâm của tác giả.
Phần gây ấn tượng mạnh nhất đối với mình là chương về Lý thuyết chủng tộc của các vụ rơi máy bay. Sự lý giải xoay quanh PDI và Culture of Honor là cái nhìn quá đỗi mới mẻ với mình. Điều đó khiến mình bàng hoàng, choáng ngợp. Có những đoạn mình căng thẳng cực kỳ như đang chứng kiến một thước phim quay chậm về một vụ rơi máy bay. Mình vừa thấy sợ hãi đến lẫn sự ngạc nhiên. Phần này mình thấy tác giả phân tích, lập luận thấu đáo hơn cả.
Phần cuối của cuốn sách mình thấy hơi đuối, không hấp dẫn như những phần trước đó. Có thể do phân tích phần di sản của cả một nền văn hóa thì chung chung hơn và không hỗ trợ thuyết phục nhiều cho quan điểm của tác giả.
Những bài học rút ra sau khi đọc Những Kẻ Xuất Chúng
Với mình, sau khi đọc một cuốn sách, mình luôn tập thói quen suy nghiệm những bài học rút ra cho bản thân. Cho dù cuốn sách đó có những quan điểm trái chiều, người khen kẻ chê thì mình vẫn luôn thấy rằng nên nhìn nhận những điểm tích cực từ thông điệp của tác giả. Tinh thần đó mình vẫn giữ xuyên suốt trong quá trình mình đọc sách. Và dù không đồng ý hoàn toàn với quan điểm của tác giả, mình vẫn đánh giá Những Kẻ Xuất Chúng là một cuốn sách rất hay, độc đáo và mang nhiều bài học đáng suy ngẫm.
Thứ nhất, cần tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho tất cả mọi người vươn đến thành công. Trong cuộc sống, nói đến công bằng thật ra hơi khó. Nhưng chỉ cần chúng ta có thể nhận ra điều ấy và cố gắng điều chỉnh tốt nhất về hướng đó thì thế giới sẽ thay đổi rất nhiều. Như tác giả cũng đã chỉ ra ảnh hưởng của ngày ngắt ngọn trong các môn thể thao chuyên nghiệp, chỉ cần các nhà quản lý thay đổi phương pháp tuyển chọn thì tưởng tượng xem, Canada sẽ có gấp đôi các cầu thủ nhí tiềm năng. Hay đối với các em có chỉ số IQ cao nhưng nghèo đói (nhóm C), “Các em thiếu đi một thứ mà nếu biết chúng cần, chúng ta hoàn toàn có thể mang tới cho chúng: một cộng đồng ở xung quanh giúp chúng chuẩn bị thật thích hợp với thế giới”… hay như trường KIPP là một trong những cải cách của nền giáo dục Mỹ dành cho đối tượng học sinh có ít ưu thế và đã thành công. Các em chỉ cần cơ hội. Đó là tầm nhìn dành cho các nhà quản lý, cải cách hoặc đào tạo.
Thứ hai, mình đánh giá và nhìn nhận về thành công một cách khách quan hơn. Không quá thần tượng hóa vào truyền thuyết “tự thân” như trước nữa. Do đó, ở những sự việc khác, mình cũng bắt đầu biết cách đánh giá tổng quan hơn, mặc dù tầm nhìn của mình ở một mức độ không tổng quát so với tác giả. Nhưng nó hữu ích cho cuộc sống của mình.
Thứ ba, mình biết chấp nhận những di sản văn hóa, xã hội của đất nước mình. Hay hoàn cảnh gia đình, cộng đồng xung quanh để lại cho mình. Những quan điểm nào có thể thay đổi, mình sẽ cố gắng hết mức. Những quan điểm nào gần như ăn sâu bám rễ vào tiềm thức mọi người, mình học cách chấp nhận, mặc dù chưa hẳn nó phù hợp với mình. Nhưng giờ đây mình đã hiểu hơn vì sao lại thế nên có thể cảm thông và thoải mái hơn.
Thứ tư, là một phụ huynh, mình rút ra bài học rằng không nên cho con đi học sớm, đó sẽ là một bất lợi kéo dài cho con. Ví dụ, con sinh cuối năm thì hãy cho con đi học vào năm sau đó, thay vì đi học luôn cùng năm với các bạn. Vì các bạn sẽ có lợi thế nhiều hơn với khoảng cách tháng sinh, bạn sinh tháng 1 sẽ có ưu thế vượt trội hơn bạn sinh tháng 12. Ưu thế về tháng sinh này tác giả đã chứng minh rất nhiều trong cuốn sách và nó là một ưu thế kéo dài gần như là đến cả Đại học.
Thêm nữa, sự giáo dục có chủ ý, tính toán kĩ lưỡng sẽ giúp con cái có kết quả tốt hơn là giáo dục theo hướng để con tự phát triển. Nó đôi khi định hình cuộc đời theo hướng rất khác nhau. Quan điểm này mình đang theo đuổi và càng được củng cố chắc chắn hơn sau khi đọc cuốn sách này.
Xem thêm: Review sách Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương
Lời kết
Những Kẻ Xuất Chúng chắc sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Mình cũng không ngạc nhiên vì thành công là một đề tài muôn thuở mà mọi người đều quan tâm. Và cho dù bạn thuộc trường phái nào, Những Kẻ Xuất Chúng vẫn thực sự là một cuốn sách đáng đọc, lôi cuốn và hoàn toàn mới mẻ. Đừng ngần ngại tậu ngay cho bản thân một cuốn để đắm chìm cùng câu chữ nhé.
Cảm ơn bạn đã theo dõi toàn bộ review sách Những Kẻ Xuất Chúng của mình. Nếu bạn thấy hữu ích, có thể like hoặc share giúp mình nhé.