Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương – Phương pháp dạy con của người Do Thái và bài học về tình yêu thương được đặt đúng chỗ.
Đôi nét về hoàn cảnh ra đời cuốn sách
Tác giả Sara Imas là hậu duệ người Do Thái (Israel) đã đến và định cự lâu dài tại Thượng Hải. Bà được cha mình giáo dục theo cách của người Do Thái. Tuy nhiên khi kết hôn và sinh ba người con ở Trung Quốc, bà lại trở thành một người mẹ Trung Quốc điển hình, yêu thương con mù quáng.
Sau khi quan hệ Trung Quốc – Israel được xác lập, theo tiếng gọi của cố hương, bà mang những đứa con của mình trở về Israel. Từ đây, bà tiếp xúc với phương thức giáo dục trẻ ở Israel và dần nhận ra những sai lầm của mình. Bà đã dần thay đổi cách thức và đã khiến con mình có được sự lột xác hoàn hảo, thành công trong cuộc sống.
Bằng những kinh nghiệm cuả mình, bà quy nạp và viết nên cuốn Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương. Như bà chia sẻ, cuốn sách này không phải để khoe khoang về thành tích của các con, mà để chia sẻ những quan điểm, định hướng giáo dục đúng đắn mà bà nhận được ở dân tộc Do Thái. Bà cũng hy vọng cuốn sách có thể hỗ trợ phần nào cho cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con cái đầy yêu thương nhưng cũng đầy lý tính.
Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương là gì?
Phương pháp Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương theo như Sara Imas là gì? Đó chính là:
Yêu Con Trong Nguyên Tắc Có Làm Có Hưởng.
Theo quan điểm của phụ huynh Do Thái, các loại kỹ năng được dạy trong nhà trường như âm nhạc, vũ đạo, hội họa… đều cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhà trường không thể cung cấp cho trẻ một “sân huấn luyện” kinh nghiệm sống. Người Do Thái gạt bỏ rất nhiều thứ phù phiếm và ưu tiên hàng đầu về giáo dục sinh tồn.
Giáo dục sinh tồn lại được phát huy tối đa trong môi trường giáo dục gia đình. Con trẻ được chỉ dạy phương pháp quản lý tài sản từ nhỏ. Chúng được phân chia cho các công việc nhà phù hợp với lứa tuổi. Biết làm việc nhỏ mới có thể làm được việc lớn. Phụ huynh không những khuyến khích con em mình tích cực làm việc nhà mà còn tham gia ý kiến vào những quyết định của gia đình. Ý kiến của trẻ được tôn trọng.
Ngoài việc nhà, trẻ con được khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội, kết giao bạn bè, hình thành kỹ năng giao tiếp và ứng xử. Việc va chạm và xử lý với những tình huống thực tế giúp con mạnh dạn, tự tin và có thể rút được kinh nghiệm quý báu cho bản thân.
Thực hành nguyên tắc có làm có hưởng phát huy hiệu quả rất tốt đối với tất cả trẻ em, nhất là ở độ tuổi trên mười.
Chi tiết về thực hành nguyên tắc có làm có thưởng sẽ được minh họa sinh động, kỹ càng ở chương hai. Đặc biệt, ở phần tác giả chia sẻ về hành trình đi lên của Huy Huy – cậu con trai thứ hai là triệu phú thế giới, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những tác động sâu sắc của nguyên tắc có làm có hưởng này. Để có một sự nghiệp như thế không phải là ngày một ngày hai, mà nó đã trải qua quãng đường dài tôi luyện, mài dũa từ nhỏ.
Trì Hoãn Sự Thỏa Mãn.
Phương pháp giáo dục Do Thái đề cao “trì hoãn thỏa mãn” và “khéo léo từ chối thỏa mãn”. Còn “thỏa mãn trước” và “thỏa mãn quá mức” là việc làm dại dột, chỉ lãng phí công sức.
Thỏa mãn được đề cập ở đây là thỏa mãn nhu cầu của trẻ. Các vị phụ huynh cũng phải cố gắng “học cách cự tuyệt” trong quan niệm giáo dục gia đình. Điều này có phải là quá tàn nhẫn với trẻ khi chúng ta có đủ điều kiện để thỏa mãn một yêu cầu nào đó của con? Hoàn toàn không phải như vây.
Trì hoãn thỏa mãn giúp con biết nhẫn nhại, giúp con hiểu thế giới này không chỉ có mình nó. Con không thể dễ dàng có được tất cả mọi thứ mình muốn. Trì hoãn thỏa mãn cũng giúp tăng khả năng chịu đựng của con khi bị từ chối, tăng chỉ số AQ. Không chỉ vậy, trì hoãn thỏa mãn cón rèn luyện ý chí, khiến tâm lý chúng biết co biết duỗi và có tính “đàn hồi” hơn. Đó là những điều mà nếu cha mẹ không giáo dục và rèn luyện sớm, sau này khi ra đời, con sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Càng Yêu Con Càng Cần Lùi Bước.
Mọi tình yêu trên thế giới đều hướng đến mục đích chung là sự gắn kết, chỉ có một tình yêu luôn hướng đến sự phân lý là tình yêu cha mẹ dành cho con cái. Con cái rồi sẽ phải trưởng thành, mạnh mẽ và bước đi một mình. Giúp con sớm trở thành một cá thể độc lập, có thể đối diện với thế giới bằng chính nhân cách độc lập của mình, đó mới là tình yêu thương đích thực cha mẹ nên dành cho con cái.
Không chịu rút lui, không chịu buông tay, luôn bảo bọc quá mức khiến con trở thành một “thai nhi quá hạn”.
Phụ huynh phải luôn xác định rằng mình không làm quản gia bao đồng. Mình phải là quân sư, có trách nhiệm tham mưu, quan sát, nhắc nhở con cái. Dù con cái bước đi có chậm nhưng cũng phải là tự đi trên chính đôi chân của mình.
Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương – Có quá nhẫn tâm với con cái?
Qua 3 nguyên tắc chính được nếu trên của phương pháp Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương, chúng ta thấy có phần khá lý tính của cha mẹ trong tình thương với con cái. Yêu con mà cũng cần phương pháp, nguyên tắc hay sao? Liệu “vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” có phá hoại tình cảm của cha mẹ và con cái? Có làm cho chúng trở nên xa cách và giận dỗi cha mẹ?
Nếu bạn băn khoăn điều này thì có lẻ chưa hiểu được bản chất phương pháp giáo dục gia đình này. “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa yêu và dạy. “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” nghĩa là cha mẹ ẩn giấu phân nửa yêu thương chứ không phải là vứt bỏ phân nửa tình yêu thương đó, làm vậy tình cảm của cha mẹ dành cho con cái càng trở nên lý trí, khoa học và nghệ thuật, chứ không phải ngày càng nặng nề, u ám.
Tình yêu thương của cha mẹ thì ở đâu cũng vậy, không phân biệt dân tộc, giai cấp, giàu nghèo… luôn luôn là vô bờ bến. Nhưng như Maksim Gorky đã nói: “Sinh con là việc ngay cả gà mái cũng làm được, nhưng yêu con lại là việc khác”. Yêu mù quáng, bảo bọc thái quá hay yêu trong tỉnh thức là lựa chọn của cha mẹ. Quyết định là của bạn và nó ảnh hưởng đến cả hành trình trưởng thành của con cái.
Cảm nhận bản thân sau khi đọc Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương
Phương pháp giáo dục được cả thế giới quan tâm
Dân tộc Do Thái là một dân tộc thông minh. Dân số chỉ chiếm 0,2% – 0,3% thế giới nhưng lại sản sinh ra vô số nhân tài: Karl Marx, Darwin, Einstien, Chaplin… Do đó, các bí quyết hay phương pháp của họ luôn được cả thế giới quan tâm. Giáo dục con cái cũng thế.
Nếu chúng ta chưa có may mắn tiếp cận với nền văn hoá của Isarel, thì thông qua sách ta biết được những bí quyết đó. Những gì mà Sara Imas được trải nghiệm và học tập tại quê hương đã được bà chia sẻ cụ thể qua Vô Cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương.
Cuốn sách thật sự là một trợ thủ đắc lực cho các bậc cha mẹ. Chúng ta nên đọc đi đọc lại mỗi khi gặp khó khăn hoặc trở ngại trong hành trình nuôi dạy con cái. Các sai lầm được tác giả chỉ ra mình thấy cũng khá nhiều phụ huynh mắc phải. Nếu may mắn không gặp phải những sai lầm đó, chúng ta cũng cần rèn luyện liên tục để bản thân không mắc lỗi.
Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương còn hạn chế về lời văn
Vì tác giả không phải là một nhà văn chuyên nghiệp nên nội dung hơi lan man, nhiều đoạn và ý lặp lại. Nội dung hơn 500 trang này mình nghĩ có thể được rút gọn lại được tầm 400 trang. Ví dụ như chương một mình thấy hơi dài và thừa. Tác giả giới thiệu về hành trình thay đổi nhận thức, môi trường sống, sự khác biệt tương đối giữa cách giáo dục con cái của Trung Quốc hiện nay và Israel. Qua đó nêu tóm tắt về phương pháp “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, nhưng các ý này hầu hết đều được lập lại ở các chương sau. Nếu được trình bày cô đọng hơn thì độc giả sẽ không có cảm giác nhàm chán.
Khâm phục bà mẹ Sara Imas là cảm xúc chân thật nhất
Mặc dù không được ăn học nhiều nhưng trong suốt cuộc đời, tác giả luôn luôn cố gắng, tìm tòi và trau dồi kiến thức. Không những là kiến thức nuôi dạy con cái mà cả những kiến thức trong cuộc sống, trong công việc. Bà từng bước cải thiện đời sống, cải thiện các mối quan hệ…Bà chưa bao giờ ngừng phấn đấu. Và đó chính là tấm gương sáng nhất cho con nhìn vào.
Là một người mẹ, mình không thể không khâm phục và học hỏi nhiều điều ở bà.
Giáo dục gia đình là một điều cốt lõi
Cũng giống như Con Phải Đến Harvard Học Kinh Tế, 90% Trẻ Thông Minh Nhờ Cách Trò Chuyện Đúng Đắn Của Cha Mẹ, mình nhìn thấy phương pháp giáo dục gia đình là điều mà các tác giả hướng đến. Mỗi tác giả có một góc nhìn khác nhau nhưng tựu chung lại: Giáo dục gia đình là một nền tảng hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách cũng như thành công trong tương lai của con trẻ.
Diệc Đình, Lư Tô Vỹ, Huy Huy, Einstien, Totto-chan… trong những cuốn sách mình đọc đều lớn lên trong tình yêu thương nồng ấm và sáng suốt của cha mẹ. Mình vẫn khẳng định, sau cùng, tất cả những thành tích mà họ đạt được đều là sự cố gắng của bản thân, không phải là của ai khác, cũng không phải là thiên tài sẵn trong bụng mẹ. Nhưng đằng sau họ là những bậc phụ huynh thầm lặng, luôn cổ vũ động viên và tin tưởng vào khả năng của con mình. Mình ngưỡng mộ họ bao nhiêu thì khâm phục cha mẹ họ bấy nhiêu.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài review sách của mình. Hi vọng những review về cuốn sách nuôi dạy con hay này sẽ mang đến cho bạn thông tin cần thiết. Nếu thấy cuốn sách hay, bạn hãy tậu ngay cho mình nhé.