Với gần 100 triệu dân và hơn 95% dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ, văn hóa đọc trong khoảng 10 – 15 năm trở lại đây có nhiều tín hiệu tích cực. Ngày càng nhiều thanh niên, thiếu niên tìm đến với sách, trong đó sách self-help (còn gọi là “sách kỹ năng”) rất được bạn đọc độ tuổi 15 – 25 ưa chuộng. Tuy nhiên, đọc sách self-help như thế nào cũng là câu chuyện đáng nói.
Hai thái độ đối với sách self-help
Sách self-help (self-help book) là những cuốn sách thúc đẩy động lực và hướng dẫn cách thức để cá nhân hoàn thiện bản thân, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Người ta cho rằng, dòng sách này bắt nguồn từ cuốn sách nổi tiếng “Tinh thần tự lực – Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì” của Samuel Smiles (1812 – 1904) vốn có tên ban đầu trong tiếng Anh là “Self-help”.
Ở Nhật, sách self-help được gọi là “sách phát triển bản thân” hoặc sách “khai sáng bản thân”. Nakamura Masao, một viên chức của Mạc phủ Tokugawa khi du học tại Anh năm 1866 đã đọc được cuốn “Self-help” của Samuel Smiles và mang về Nhật Bản, dịch ra tiếng Nhật với tựa mới là “Tây quốc lập chí biên”. Cuốn sách ngay khi xuất bản (1871) đã gây tiếng vang lớn ở Nhật. Đây cũng là một trong những cuốn sách mà các “thị giảng” chọn cho Thiên hoàng Minh Trị đọc và đã bán được khoảng trên một triệu bản tính đến cuối thời Minh Trị. Cuốn sách còn được Bộ Giáo dục Nhật Bản chọn làm sách giáo khoa sử dụng trong các trường học cho tới năm 1883.
Ngày nay, sách self-help vẫn “làm mưa làm gió” trên thế giới và ở Việt Nam. Những cuốn sách như Đắc Nhân Tâm, Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu?, Bảy Thói Quen Của Người Thành Đạt… vẫn được rất nhiều người mến mộ.
Tuy nhiên, trong cách thức tiếp cận với dòng sách này, khi quan sát ở phạm vi rộng, ta sẽ thấy tồn tại song song hai thái độ của hai nhóm độc giả. Một nhóm say mê và hầu như chỉ đọc sách self-help. Một nhóm khác lại cho rằng dạng sách này không có tác dụng thực tiễn và không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của cá nhân.
Nền tảng và trải nghiệm
Sách self-help đã có lịch sử hơn 100 năm và vẫn góp mặt trong danh sách các cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới. Điểm mạnh của sách self-help nằm ở mấy nội dung sau.
Thứ nhất, nó dễ đọc và hấp dẫn, đi thẳng vào vấn đề mà người đọc quan tâm. Thứ hai, sách self-help thường kể các câu chuyện thành công, kích thích mơ ước, hy vọng và khao khát thành công. Ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên thì điều này càng mạnh mẽ. Thứ ba, sách self-help lặp đi lặp lại một “chân lý” rất hấp dẫn là sức mạnh và sự thành công nằm trong mỗi người, nếu cá nhân cố gắng và làm đúng phương pháp, điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, nếu bạn đọc không đọc sách bằng tư duy phê phán và có nền tảng văn hóa vững chắc, phong phú thì tất cả những điểm mạnh trên, tác dụng tích cực trên sẽ biến thành nhược điểm, và gây hại. Bởi sách self-help thường đi thẳng vào vấn đề, truyền động lực, cảm hứng, kỹ năng nên các tác giả chủ yếu mô tả các ví dụ đã thành công trong thực tiễn và các bước “làm thế nào” thuộc về phương diện kỹ thuật. Song, sự tiến bộ của con người cần đến thời gian, quá trình trải nghiệm. Động lực sẽ tan biến khi cá nhân không có một ý chí được rèn luyện lâu dài, kỹ năng không thể hình thành và không bền vững khi cá nhân không có nền tảng tri thức và trải nghiệm phong phú, không biết học hỏi từ cả sách vở và thực tiễn.
Lời kết
Như vậy, nếu chỉ đọc sách self-help thuần túy thì sẽ giống như chỉ ăn duy nhất một món ăn, dễ dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng và suy nhược. Có một cách hay để các bạn trẻ vừa đọc sách self-help vừa bồi dưỡng văn hóa nói chung là khi đọc sách self-help thấy nhắc đến nhân vật nào, cuốn sách nào ở trong đó thì hãy tìm đọc tối đa sách viết về nhân vật đó, đọc cho hết những cuốn sách được nhắc tới ở đó. Bằng cách ấy, dần dần thế giới của người đọc sẽ rộng mở và họ xây dựng được cho việc đọc, học tập suốt đời.
Theo Hà Nội Mới