Hành trình học làm người là một hành trình cả đời. Sách Yêu hy vọng thông qua sê-ri các câu chuyện về loài vật, chúng ta sẽ học được một số kinh nghiệm trong việc đối nhân xử thế, giúp cuộc sống tốt đẹp và hiểu biết hơn.
#CHUYỆN CHÚ BÒ
Bò cày ruộng trở về, mệt quá nằm lăn ra đất nghỉ, thở phì phò. Chó đi ngang qua, thấy vậy bèn dừng lại hỏi han. Bò thở dài, nói:
– Anh bạn à, tôi thực sự mệt quá rồi. Ngày mai tôi không muốn ra đồng nữa, ở nhà nghỉ cho lại sức.
Hai con vật nói chuyện thêm một lúc rồi tạm biệt nhau. Trên đường, chó gặp mèo đang nằm vắt vẻo trên bờ tường. Chó nói:
– Này anh bạn, tôi vừa mới đi thăm bò. Anh ta than mệt, còn nói muốn nghỉ làm một ngày. Kể ra cũng tội, chủ nhân đúng là đã bắt anh ấy làm việc nhiều quá rồi.
Mèo quay người, nói với dê đang ăn cỏ gần đó rằng:
– Anh biết tin gì chưa? Bò trách chủ nhân bắt mình làm nhiều việc nên muốn nghỉ một ngày, mai không ra đồng nữa đấy.
Một lúc sau, dê gặp gà, liền nói:
– Bò không muốn làm việc cho chủ nhân nữa, chị gà mái ạ. Anh ta than là công việc nhiều quá, mệt quá. Hầy, cũng không biết những chủ trang trại khác đối xử với bò của mình có tốt hơn chủ nhân chúng ta không nữa.
Gà lại nói với lợn:
– Anh bò sắp nghỉ làm ở đây rồi. Anh ta muốn đi tìm chủ nhân khác. Ai bảo chủ nhân đối xử với anh ấy tệ quá, bắt làm bao nhiêu là việc, lại còn dùng roi đánh anh ta nữa.
Gà cảm thán vài câu rồi lại tót về chuồng. Một lúc sau, vợ ông chủ đi chuẩn bị cho các con vật ăn tối. Lợn liền lại gần, nói:
– Tôi muốn báo cáo lại với bà một chuyện. Dạo gần đây, bò hay có những suy nghĩ nổi loạn, rất cần phải được dạy bảo lại. Anh ta không muốn làm cho chủ nhân nữa, chê công việc ở đây nhiều quá, nặng quá, khiến anh ta mệt mỏi. Bò còn nói muốn bỏ đi, tìm một chủ nhân khác nữa đấy.
Nhận được phản ánh của lợn, trong bữa tối, bà chủ lập tức đem chuyện nói lại với chồng:
– Mình ơi, bò đang muốn tạo phản. Nó muốn đổi chủ, không làm cho mình nữa. Tội tạo phản không thể tha, mình định xử nó thế nào?
– Kẻ phản bội đều đáng tội chết, giết không tha! – Ông chủ nghiến răng, tức giận nói.
Vậy là con bò đáng thương suốt ngày chỉ biết làm việc quần quật, cuối cùng lại bị những lời truyền miệng sai sự thật giết chết như vậy đấy…
Suy ngẫm:
Câu chuyện về con bò tội nghiệp để lại cho chúng ta hai bài học đáng quý. Một là, đừng tùy ý than phiền với mọi người xung quanh. Bởi lẽ, những lời than phiền ấy sau khi bị nhiều người biến tấu có thể đem đến tai họa khó lường. Hai là, đừng dễ dàng tin những lời đồn đại chừng nào bạn chưa tự mình kiểm chứng. Đừng để sự cả tin khiến bạn đưa ra những quyết định sai lầm.
Có thể bạn quan tâm:
- Top 12 cuốn sách hay về giao tiếp giúp bạn ứng xử thông minh
- Review sách Nếu Chỉ Còn Một Ngày Để Sống
#CHUYỆN CON CHÓ
Người đàn ông ra ngoài săn bắn, để con chó ở nhà trông chừng đứa bé. Khi ông trở về, nhìn thấy khắp sàn nhà toàn là máu, nhưng lại không thấy đứa bé đâu cả. Còn con chó thì vừa liếm máu tươi ở khóe miệng, vừa vẫy vẫy cái đuôi vui vẻ nhìn ông.
Người đàn ông nổi giận, liền rút con dao đâm mạnh vào bụng con chó. Con chó kêu thảm một tiếng, làm cho đứa trẻ đang ngủ say dưới tấm thảm loang lổ vết máu giật mình tỉnh dậy. Lúc này, người đàn ông kia mới phát hiện xác chết của một con cho sói đang nằm bên cạnh góc tường.
Suy ngẫm:
Rất nhiều sự việc mà bạn nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai, nhưng nó chưa chắc đã giống với những gì bạn nghĩ.
Không hỏi, không nói, không giải thích đây không phải là thể hiện sự mạnh mẽ, hoặc cá tính mà nó chính là sự bất công, không có trách nhiệm với chính mình và những người khác.
“Mình không hỏi + bạn không nói = khoảng cách;
Mình hỏi rồi + bạn không trả lời = rời xa;
Mình hỏi + bạn trả lời = tôn trọng;
Mình muốn hỏi + bạn muốn nói = thấu hiểu nhau;
Mình chưa hỏi + bạn đã nói = tín nhiệm.”
#CHUYỆN CON BƯỚM
Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay.
Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời: “Thưa hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không?”
Hòa thượng hỏi lại: “Cược thế nào?”
“Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu”, – cậu thiếu niên trả lời.
Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán: “Con bướm trong tay cháu chết rồi.”
Cậu thiếu niên cười lớn đáp: “Ngài đoán sai rồi.” Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên.
Hòa thượng nói: “Được, gánh củi này thuộc về cháu.” Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi.
Cậu thiếu niên không biết vì sao hòa thượng lại có thể vui vẻ đến như vậy nhưng nhìn gánh củi trước mặt, cậu ta cũng không để tâm lắm mà vui vẻ gánh gánh củi về nhà.
Nhìn thấy con về, người cha liền hỏi số củi đó ở đâu ra, cậu mới đem chuyện kể lại cho cha nghe.
Nghe hết câu chuyện của con trai, đột nhiên giọng ông giận dữ: “Con ơi là con! Con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Ngay cả khi con đã thua, con cũng không hề biết mình đã thua đấy.”
Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu ta gánh bó củi lên vai, hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa.
Nhìn thấy vị hòa thượng nọ, người cha liền cất tiếng: “Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ.”
Hòa thượng gật đầu, mỉm cười nhưng không nói gì.
Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên sau một khoảng thời gian băn khoăn cuối cùng cũng đã nói ra những nghi vấn trong lòng.
Người cha thở dài, nói:
“Vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Con cho rằng vị hòa thượng đó không biết con tính toán gì sao? Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết.”
Suy ngẫm:
Câu chuyện có thể rất đơn giản nhưng đó là bài học cho chúng ta trong cuộc sống. Thắng, thua, thành, bại là những chuyện thường xuyên giày vò cuộc sống của con người. Có những lúc chúng ta tự cho rằng mình đã thắng nhưng trên thực tế, có khi chúng ta đã thua nhiều hơn mà chẳng hề hay biết.
#CHUYỆN HƯƠU CAO CỔ
Mỗi lần một chú hươu con ra đời đều là một bài học. Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng, như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay dưới đó. Sau vài phút, hươu mẹ làm một việc hết sức kỳ lạ, đó là đá vào người con mình cho đến khi nào nó chịu đứng dậy mới thôi.
Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Cho đến khi thực sự đúng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để hươu con phải nỗ lực tự mình đứng dậy trên đôi chân còn non nớt.
Điều này nghe có vẻ lạ với chúng ta, nhưng lại thực sự cần thiết cho hươu con bởi chúng phải tự đúng được để có thể tồn tại với bầy đàn, nếu không sẽ bị trơ trọi với cuộc đời và trở thành miếng mồi ngon cho thú dữ.
Suy ngẫm:
Con người chúng ta cũng vậy, thật dễ nản chí khi mọi việc đều trở nên tồi tệ. Nhưng cho dù đang phải đối mặt với nhiều gian khổ thì ta vẫn phải giữ vững niềm tin. Hãy ghi nhớ rằng mỗi khi ta phải đối mặt với nghịch cảnh, trong ta luôn có một sức mạnh tiềm ẩn.
Đừng bao giờ để thất bại quật ngã mà hãy để nó trở thành “thầy” của chúng ta. Đây chính là bí quyết để thành công. Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hàng.”Tôi không bao giờ nản chí vì đối với tôi mỗi một nỗ lực không thành công là một bước tiến bộ
“Thế giới không tồn tại sẵn những con đường, đường là do người ta đi nhiều mà thành“
Nên bước trên con đường không giống người ta không có nghĩa là mình sai, họ đúng. Cuộc đời chỉ có những ai sống thuyết phục hơn thì số đông sẽ nghiêng về. Mà nhiều khi, người ta vì sợ cô độc mà chọn đứng về phía số đông chứ không hoàn toàn vì họ thích.
Con người suy cho cùng vẫn chỉ là những kẻ yếu đuối cứ tự nhìn cái bóng của mình phản chiếu qua ánh mắt người khác rồi tự hỏi mình có làm mất lòng ai không, có lố bịch không thay vì tự hỏi, mình có hài lòng, có hạnh phúc không?
Mời bạn tiếp tục đón xem những câu chuyện ngắn mang bài học ý nghĩa, đối nhân xử thế phần 2 tại đây nhé.
Cảm ơn và chúc bạn ngày tốt lành!
Nguồn: Sưu tầm