Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là tự truyện của Paul Kalanithi, một bác sĩ bị mắc bệnh ung thư phổi khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Xuyên suốt cuốn sách là những hoài niệm về sự sống và cái chết, khiến cho mỗi chúng ta khi đọc xong cuốn sách này đều phải suy ngẫm về cuộc đời.
Đôi nét về tác giả, tác phẩm
Paul tên đầy đủ là Paul Sudhir Arul Kalanathi (1977 – 2015). Anh là tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh người Mĩ gốc Ấn, lớn lên ở Kingman, Arizona. Năm 36 tuổi, khi đang hoàn thành năm cuối cùng của chương trình nội trú ở Đại học Stanford trong vai trò bác sĩ phẫu thuật thần kinh, với những vấn đề sức khỏe như sụt cân nhanh và những cơn đau lưng hoặc tức ngực ở các cường độ khác nhau, anh được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư phổi.
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là cuốn tự truyện mà tác giả viết trong thời gian chiến đấu lại căn bệnh ung thư quái ác. Đây là một cuốn sách vẫn còn dang dở, bởi lẽ khi Paul qua đời không lâu sau đó (2 năm), nó vẫn còn là một bản thảo nằm trong máy tính. Chính vợ anh – Lucy – đã thay anh hoàn thành chương cuối để đem đến cho chúng ta một quyển sách đầy cảm động.
“When Breath Becomes Air” được xuất bản vào tháng 1 năm 2016. Cuốn sách đã lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times trong nhiều tuần liên tiếp. Tại Việt Nam, cuốn sách này đã được Nhà xuất bản Lao Động dịch và xuất bản vào tháng 7 năm 2017 với tên gọi “Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không”.
Lý do bạn nên đọc cuốn sách này?
Đối với Paul, Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không chỉ đơn giản là cuốn sách anh viết vào những ngày cuối của đời mình để theo đuổi niềm đam mê văn chương, thực hiện ước mơ viết lách. Nhưng với độc giả, đó là một tác phẩm văn học khiến người ta phải bật khóc vì bi kịch xảy đến với Paul, vì những chia sẻ về cái chết một cách lạnh lùng nhưng rất thật của anh.
Xem thêm:
- Con Không Ngốc Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác
- 10 Cuốn Sách Hay 2021 Khuyên Đọc Giúp Cuộc Sống Tươi Đẹp Hơn
Chết có gì đáng sợ? Dũng cảm đối mặt và chiến đấu với cái chết, đó mới là thứ cao đẹp mà không nhiều người làm được.
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không cho cả thế giới một cái nhìn đầy chân thực về tình cảnh của một con người văn minh lúc cận kề cái chết. Đủ mọi cung bậc cảm xúc hỷ nộ ái ố, từ hy vọng tới tuyệt vọng, từ buồn đau tới sung sướng. Buồn nhưng không bi lụy. Nuối tiếc có, nhưng không than thở.
Và mặc dù là hồi ký kể về căn bệnh ung thư của chính mình, song bác sĩ Paul dành hẳn phần lớn cuốn sách để viết về những suy tư trăn trở của một bác sĩ về cái chết, về những lần thất bại của mình, về những khoảnh khắc chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân trong nước mắt của người thân.
Anh cũng kể về sự lạnh lùng của khoa học, nói lên chính kiến của bản thân về nghề bác sĩ. Dao thầy thuốc, đó là một trách nhiệm đầy thiêng liêng!
Paul nói về sự chết, về những triết lý nhân sinh quan, khoa học & tôn giáo hòa quyện. Ở đó, qua lời văn của tác giả, không mượt mà nhưng không đến mức khô cứng, vừa đủ để độc giả hình dung, suy tư, trăn trở. Như cách anh đã từng!
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là một cuốn sách đáng đọc vì thế.
Chiến đấu hay buông bỏ – Lựa chọn nào tốt hơn?
Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, cũng giống như những tài năng trẻ khác, Paul có nhiều ước mơ và dư định. Bạn cũng thế. Mình cũng thế. Ai ai cũng thế.
Với một tuổi trẻ tràn trề năng lượng như thế, chắc hẳn ai cũng sẽ tuyệt vọng biết bao khi biết mình mắc bệnh. Với Paul, trên cương vị là một bác sĩ, hiểu rõ về sự chết và căn bệnh ung thư, thì sự tuyệt vọng còn đến nhanh và quyết liệt hơn. Điều này thể hiện ở chỗ, kể từ lúc bị chẩn đoán mắc bệnh, Paul đã liên tục hỏi bác sĩ của mình về đồ thị đường cong chết chóc.
Tâm lý bình thường của con người, khi chẳng còn gì để mất, chúng ta sẽ dành trọn thời gian còn lại bên cạnh những người thân yêu. Người chọn cách ra đi trong bình yên, vì phần lớn không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Hoặc người thì níu kéo chút hy vọng bằng xạ trị, sử dụng hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư, chiến đấu cho tới hơi thở cuối cùng.
Lựa chọn nào trong 2 lựa chọn trên cũng đều là những quyết định dũng cảm. Paul đơn giản anh còn làm tốt hơn thế. Anh thử nghiệm phương án chữa trị mới, không cần đến xạ hóa trị. Anh quay về với cuộc sống thường ngày của một bác sĩ, làm việc chăm chỉ 16 tiếng một ngày. Anh bàn với vợ về vấn đề sinh con. Anh chiến đấu với tử thần trong nỗ lực tột cùng để níu kéo sự sống.
Chương cuối cùng của cuốn sách, vợ anh đã thay anh hoàn thành nốt. Bởi chúng ta đều biết, anh đã ra đi thanh thản bên những người thân yêu. Một cái kết dang dở, nhưng đẹp và hùng vĩ.
Tình yêu là thứ tình cảm chân thành nhất
Trong tác phẩm, chúng ta không chỉ ngưỡng mộ trái tim mạnh mẽ của Paul, mà còn trân trọng những người cùng anh đi qua chặng đường đen tối của cuộc đời. Dù mọi chuyện có dần trở nên khó khăn, nhưng anh luôn có tình cảm vợ chồng, gia đình, bạn bè đồng nghiệp bên cạnh. Tình yêu khiến con người ta trở nên mạnh mẽ, dũng cảm hơn.
Chính Paul cũng đã thì thầm với đứa con gái chưa biết gọi tiếng cha của mình: “Khi đến một trong những khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và con có nghĩa thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm trước đây, một niềm vui không khiến cha khao khát thèm thuồng hơn nữa mà là thỏa mãn, bình an. Tại thời điểm này, ngay lúc này, đó là một điều vĩ đại.”
Lời kết
Đọc Khi Hơi Thơ Hóa Thinh Không để yêu thương và trân trọng cuộc sống hơn, để xem dũng khí thực sự là như thế nào. Cuốn tự truyện đẫm nước mắt, mang đến cho độc giả đủ cung bậc cảm xúc như chính cảm xúc của tác giả. Mình hơi tiếc một xíu vì cuối cùng Paul vẫn chưa hoàn thành cuốn sách dang dở này, nhưng anh đã sống một cuộc đời trọn vẹn.
Như Bill Gates đã từng nhận định: “Khi còn sống ai cũng như nhau, thế nhưng có những cái chết đau đớn hơn tất cả. Tôi không biết bằng cách nào mà Kalanithi đã có sức mạnh để viết nên cuốn sách này khi sức khoẻ cậu ta rất yếu. Thế nhưng, tôi mừng vì cậu ta đã làm được. Suốt cả cuộc đời, Kalanithi đã cống hiến cho y tế, khoa học cùng việc viết sách. Đọc cuốn hồi kí kia, tôi mừng vì được chứng kiến một phần nhỏ câu chuyện đời của Kalanithi”.
Vì vậy, hãy sẵn sàng. Ngồi xuống, tự mình đọc, tự cảm nhận và suy ngẫm nhé. Bạn chắc chắn sẽ tâm đắc với cuốn sách nhỏ này.